Có thể nói Việt Nam có cách tiếp cận thực tế đối với những sự kiện lớn, nói cách khác đó là “nghệ thuật của những điều có thể”, chuyên gia Carl Thayer nhận định.
Năng lực, kinh nghiệm và khả năng thích ứng cao là những “điểm tựa” cho những thành công của ngoại giao Việt Nam trong những năm qua, chuyên gia người Australia Carl Thayer chia sẻ với Báo điện tử Chính phủ nhân dịp đầu năm mới.
Trong những năm qua, công tác đối ngoại đã góp phần đưa quan hệ với các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn, các đối tác chủ chốt, bạn bè truyền thống đi vào chiều sâu; nâng tầm đối ngoại đa phương; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Đất nước vẫn tiếp tục duy trì đà phát triển.
Có thể bạn quan tâm
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, có được thành quả đó là nhờ những đóng góp của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế, cũng như công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam trong thời gian qua, đã tạo nên vị thế, uy tín, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh rất giá cao và ủng hộ.
Theo Phó Thủ tướng, những sự kiện lớn về đối ngoại diễn ra trong nửa đầu năm 2019 còn có sự cộng hưởng rất lớn từ việc Việt Nam đã tổ chức thành công Năm APEC 2017, đặc biệt là Tuần lễ cấp cao tại Đà Nẵng cùng với sự tham gia hiệu quả vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Còn theo chuyên gia Carl Thayer, “năng lực, kinh nghiệm và khả năng thích ứng cao” là những “điểm tựa” cho những thành công của ngoại giao Việt Nam.
Ông Carl Thayer cho rằng Việt Nam đã xây dựng được đội ngũ cán bộ ngoại giao chuyên nghiệp cao với hiểu biết sâu rộng về quan hệ quốc tế và chính trị đối nội, đưa ngoại giao trở thành một phần không thể tách rời trong nỗ lực xử lý các mối quan hệ với bên ngoài.
Việt Nam cũng có nhiều kinh nghiệm qua các hội nghị quốc tế, có thể kể đến từ Hội nghị Geneva năm 1954, Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình năm 1973 và Hội nghị quốc tế về Campuchia năm 1991; đồng thời tổ chức thành công một loạt các sự kiện quốc tế Hội nghị Pháp ngữ năm 1997, Tuần lễ cấp cao APEC năm 2006 và năm 2017, và các Hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 1998 và năm 2010…
Có thể nói Việt Nam có cách tiếp cận thực tế đối với những sự kiện lớn, nói cách khác đó là “nghệ thuật của những điều có thể”, ông Carl Thayer nhận định.
Bên cạnh đó, Việt Nam thường xuyên được nhóm các nước châu Á chọn là ứng cử viên cho cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Việt Nam đã hai lần trúng cử với số phiếu rất cao. Điều đó cho thấy Việt Nam được nhìn nhận như một đối tác xây dựng và đáng tin cậy của không chỉ khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà còn của cộng đồng quốc tế.
Tại sao như vậy? Đó là bởi Việt Nam được đánh giá cao về sự độc lập và tự chủ trong những vấn đề ảnh hưởng tới hòa bình và an ninh quốc tế và đồng thời cũng do Việt Nam có kỹ năng và kinh nghiệm.
Đề cập đến việc Việt Nam đảm nhiệm cương vị kép là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, chuyên gia người Australia nói Việt Nam có lợi thế có một không hai dù thách thức là không nhỏ.
Việc ra quyết sách của Hội đồng Bảo an được thực hiện theo nguyên tắc đa số và mỗi thành viên thường trực đều có quyền phủ quyết. Tuy nhiên, Việt Nam có thể tác động vào quá trình đó bằng cách tham vấn với các thành viên khác trên những vấn đề cụ thể.
Với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ có lợi thế hơn vì Hội đồng Bảo an sẽ vận động Việt Nam bỏ phiếu đối với nhiều vấn đề. Nếu Việt Nam có quan điểm độc lập đối với những vấn đề lớn thì vai trò của Việt Nam sẽ được đánh giá cao hơn và điều đó giúp có thêm nhiều ảnh hưởng hơn. Có thể thấy rõ điều này khi Hoa Kỳ đề nghị Việt Nam là chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai.
Nếu chủ động nêu quan điểm, Việt Nam có thể xây dựng quan hệ với những thành viên không thường trực khác và như vậy sẽ làm gia tăng ảnh hưởng của Việt Nam đối với lời văn của các nghị quyết về những vấn đề tác động đến hòa bình và an ninh quốc tế.