Là người sáng lập của nhóm khởi nghiệp gần 70.000 thành viên - cộng đồng hỗ trợ khởi nghiệp tích cực nhất, chàng trai Trần Hiếu tự nhận lại cho mình niềm vui mang tên sự yêu mến của mọi người.
So với ký ức của lần đầu gặp gỡ cách đây gần 10 năm, hình ảnh Trần Hiếu hiện tại rất khác lạ và thậm chí nằm ngoài sự tưởng tượng của không ít người. Chàng trai năm nào giờ đã trưởng thành và có phần chín chắn hơn tuổi với râu dài cùng mái đầu lớm chớm bạc.
Thế nhưng, một điều hằn rõ trong con người ấy chính là ngọn lửa dành cho phụng sự khởi nghiệp, một tinh thần cống hiến thậm chí ngày càng trở nên mãnh liệt hơn.
Năm 2013, anh Trần Hiếu quyết định nghỉ việc khi đang công tác tại Hiệp hội làng nghề để tham gia vào chương trình Trại huấn luyện (Startup Weekend) được tài trợ bởi Google và Amazon.
“Chương trình có 3 ngày huấn luyện liên tục và những người tham gia gần như làm việc không nghỉ. Đến cuối ngày thứ 3, các dự án, ý tưởng sẽ được chấm điểm. Chương trình lần đó anh không có giải mang về nhưng một điều thậm chí còn quý hơn là việc anh nhận ra khởi nghiệp muốn thành công thì phải có một hệ sinh thái”.
Sau khi trở về, chàng trai trẻ Trần Hiếu lập ra Câu lạc bộ khởi nghiệp trẻ Việt Nam với vài chục người cùng mong muốn hình thành một hệ sinh thái hỗ trợ nhau thành công.
“Lúc đầu anh em tham gia với mục đích giao lưu, cả trên mạng lẫn ngoài đời và chủ yếu đẩy mạnh trên trang web. Khoảng giữa năm 2016, sau khi biết Facebook có chính sách cung cấp các công cụ mạnh nhất cho những người làm cộng đồng, các nhà lãnh đạo cộng đồng, anh chuyển sang sử dụng nền tảng nhóm là chính”.
Cuối năm 2017, ban quản trị Khởi nghiệp Việt Nam từ ba miền quyết định kết thúc kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (giai đoạn 2013 - 2017), hình thành xong khối online và khối tinh thần khởi nghiệp, chuyển sang xây dựng hệ thống offline, hướng tới hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp trên thực tế.
Nếu năm 2016 đánh dấu cú chuyển mình phát triển nhóm trên Facebook mạnh mẽ thì năm 2017 chứng kiến mảng đào tạo nở rộ với hàng loạt khóa học miễn phí. Tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Khởi nghiệp Việt Nam còn hình thành nhóm doanh nhân trao đổi và giao thương đều đặn mỗi tháng.
Chia sẻ về sự nghiệp phụng sự, anh Trần Hiếu trầm ngâm: “Đến với khởi nghiệp nói chung và Khởi nghiệp Việt Nam là cái duyên sau chương trình đào tạo nhưng cũng là mưu cầu chung hòa cùng mưu cầu riêng”.
Với kinh nghiệm cố vấn cho hàng trăm doanh nghiệp, người sáng lập Trần Hiếu nhận định rằng: “Đối với khởi nghiệp, không ít người hay có ảo tưởng rằng chỉ cần có ý tưởng hay ho là đủ. Tuy nhiên, khởi nghiệp cần rất nhiều thứ và muốn làm được ngay lại cần rất nhiều người hỗ trợ”.
Theo anh, khi khởi nghiệp thất bại, “hết tiền chỉ là một chuyện, quan trọng hơn là mất ý chí bởi lúc ngã xuống không có ai giúp đứng dậy”.
Khởi nghiệp Việt Nam có thể phát triển và thu hút nhiều thành viên như hôm nay có lẽ đến từ chính suy nghĩ giúp đỡ người khác của người sáng lập. Không ít thành viên đã tìm thấy “phao cứu trợ” khi thiếu kiến thức hay khó khăn về tài chính nhờ vào cộng đồng này.
Suy nghĩ về sự nghiệp, anh Trần Hiếu tự gọi mình là người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhưng điều quý giá mà anh nhận lại được chính là sự yêu quý và trân trọng đến từ mọi người.
Thế nhưng, đứng đầu một cộng đồng với gần 70 nghìn thành viên không phải lúc nào cũng dễ dàng và đặc biệt, dễ bị cho là tư lợi.
“Giữa năm trước, anh bỏ mấy chục triệu hỗ trợ cho một dự án khởi nghiệp tinh dầu và sau đó, rất nhiều bình luận cho rằng anh bán tinh dầu. Thế nhưng trên thực tế, anh chỉ là người hỗ trợ thành lập đội, tìm nguồn hàng, đào tạo và sau đó giúp mở kênh bán hàng thông qua chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp”.
“Đặc điểm của người Việt là khi họ nghi ngờ, họ sẽ rời đi và không còn hoạt động nhiều nữa, từ đó khiến cộng đồng bớt rôm rả và hiệu quả”.
Nhận định về xu hướng khởi nghiệp, anh Trần Hiếu cho rằng một trong những nguyên nhân thất bại chính là lòng tham. “Nói như nhà Phật là con người cần bước qua lòng tham và khởi nghiệp thất bại thường vì các bạn tham hơi nhiều. Khởi nghiệp cần tìm kiếm đồng đội nhưng vì không muốn chia sẻ lợi ích, cổ phần, không ít người tự ôm hết nhưng rõ ràng, kỹ năng của một người không bao giờ có thể ôm trọn”.
Bên cạnh đó, rất nhiều người khởi nghiệp thiếu tâm thế mở rộng nguồn lực, chỉ âm thầm làm hay tập trung vào niềm đam mê cá nhân mà quên mất rằng bên ngoài sở hữu rất nhiều nguồn lực giúp đẩy nhanh tốc độ.
“Làm dâu trăm họ” hay phụng sự cộng đồng có lẽ chưa bao giờ là một điều dễ dàng khi người phụng sự phải đánh đổi rất nhiều. Với Trần Hiếu, niềm vui, sự yêu quý từ mọi người là động lực lớn nhất giúp anh cùng Khởi nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển và lớn mạnh.