Nguồn động viên kịp thời cho các nữ tuyển thủ

Sông Hàn 03/12/2019 14:00

“Chia sẻ khó khăn với đội tuyển nữ, có điều kiện tập luyện, thi đấu chưa được tốt, “bữa ăn còn đạm bạc”, các thành viên Chính phủ sẽ đóng góp ủng hộ thêm cho đội tuyển nữ”.

Đó là lời phát biểu mở đầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2019 diễn ra sáng ngày 2/12 vừa qua. Sự chia sẻ này của các thành viên Chính phủ ắt hẳn sẽ là nguồn động viên, động lực tinh thần lớn cho các nữ tuyển thủ.

Bóng đá nữ Việt Nam là đội tuyển đầu tiên giành vé vào bán kết ở SEA Games 30. Ảnh: Thuận Thắng.

Bóng đá nữ Việt Nam là đội tuyển đầu tiên giành vé vào bán kết ở SEA Games 30. Ảnh: Thuận Thắng/Zing

Thực tế, khó khăn của đội tuyển nữ đang mắc phải ở Sea Games nói riêng và quá trình tập luyện là có thật. Thậm chí, người ta còn lo lắng khi chộp được hình ảnh của HLV Mai Đức Chung đẩy chiếc xe đi mua đồ ăn cho các nữ tuyển thủ ở trong một siêu thị.

Liên quan đến vấn đề này, HLV Mai Đức Chung lo lắng: “Ăn uống như vậy là không tốt. Trước đây, chúng ta ăn uống rất tốt, nên thể lực cải thiện lên nhiều. Vì vậy, giờ phải đặt thêm đồ ăn từ Việt Nam sang, nhưng khách sạn lại không cho đem vào chế biến”.

Việc này dĩ nhiên khiến nhiều người chạnh lòng, nhưng đó lại là điều không hề mới mẻ với các tuyển thủ nữ. Từ trước tới giờ, bóng đá nữ Việt Nam sống trong cảnh thiếu thốn sự quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần là một hiện thực đã kéo dài từ năm này qua năm khác. Sự ủng hộ các nữ cầu thủ của số đông người hâm mộ chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi trên mạng xã hội, thường là sau mỗi dịp đội tuyển Việt Nam giành được một thành tích nào đó.

Có thể bạn quan tâm

  • U22 Việt Nam - U22 Singapore: Tiệm cận tấm vé bán kết

    U22 Việt Nam - U22 Singapore: Tiệm cận tấm vé bán kết

    06:03, 03/12/2019

Nhìn lại, Việt Nam từng soán ngôi hậu của Thái Lan ở Đông Nam Á bằng chiếc Huy chương Vàng tại Sea Games 2001. Đó có thể xem là chức vô địch đầu tiên của cả nền bóng đá Việt Nam ở các đấu trường khu vực. Từ đó đến nay, các cô gái Việt Nam đã giành tổng cộng 5 Huy chương Vàng Sea Games, 3 chức vô địch Đông Nam Á. Cùng kỳ, Thái Lan tổng cộng chỉ 6 danh hiệu, trong khi Mynamar chỉ là 2.

Tức là, ai cũng biết đội tuyển bóng đá nữ mang những danh hiệu chức vô địch về cho t ổ quốc nhiều hơn rất nhiều lần đội tuyển nam, nhưng lại không nhận được nhiều sự quan tâm. Những gì họ nhận được từ VFF và người hâm mộ chỉ là một phần rất nhỏ so với đội tuyển nam.

Dẫu vậy, khách quan mà nói, Thể thao hấp dẫn ở “cao hơn, mạnh hơn, nhanh hơn” nên nói chung người ta thích xem nam giới thi đấu hơn (bóng đá, bóng chày, quần vợt, đấm bốc,...). Chỉ có một vài môn thể thao nữ hấp dẫn như bóng chuyền, bơi lội,... nhưng sức hấp dẫn vẫn kém xa các đồng nghiệp nam.

Thể dục hấp dẫn ở “nghệ thuật, đường nét, hình thức” nên nói chung người ta thích xem nữ hơn (Thể dục dụng cụ, Thể dục thẩm mỹ, trượt băng nghệ thuật,...). Vì thế, bóng đá nữ ít người xem nên ít tài trợ, ít người hâm mộ. Nó cũng giống như có mấy ai xem môn Thể dục thẩm mỹ hay trượt băng nghệ thuật của Nam đâu mà đầu tư, trừ khi theo đuổi đam mê mà thôi.

Nói thêm ở chỗ, nói rằng bóng đá nữ sống bằng tình yêu và đam mê, nhưng hiện thực thì không mộng mơ như thế. Bởi, ngay cả đấu trường Sea Games lượng khán giả tới sân thưởng thức các nữ đội tuyển cũng rất khiêm tốn. Cái mà các nhà tài trợ quan tâm nhất là tính lan tỏa của giải đấu, Phải có được sự chú ý của cộng đồng thì bóng đá nữ mới có tính thương mại được.

Lý thuyết có vẻ đơn giản nhưng đó hóa ra lại là một bài toán rất khó, ngay cả với bóng đá nam. Các ông bầu ở V-League có thể không kiếm được nhiều tiền từ sân cỏ một cách trực tiếp, nhưng họ thu về những lợi ích khác ở phía hậu trường. Bóng đá nữ thì không được như vậy. 

Ngặt một nỗi, cơ hội để bóng đá nữ thành danh ở quy mô toàn cầu lại cao hơn bóng đá nam rất rất nhiều, khi vòng loại World Cup tăng quy mô số lượng các đội tham dự lên con số 32 đội. Khi bóng đá nữ thành công, góp mặt ở sân chơi  World Cup thì đó lại là cơ hội quảng bá cho cả thế giới biết về Việt Nam, về các nhà tài trợ.

Chính vì vậy, không có con đường nào khác, bóng đá nữ cần có sự vào cuộc của các ông bầu, đầu tư một cách chuyên nghiệp và ổn định. Và việc cố gắng xây dựng phong trào, phát triển bóng đá nữ theo kiểu của bóng đá nam vẫn là một chiến lược cần nghiêm túc nhìn nhận từ VFF.

Đó là câu chuyện của ngày mai, của tương lai, còn bây giờ - ngay tại đấu trường Sea Games  30 này, có thể HLV Mai Đức Chung cùng tuyển nữ lại vô địch và ngày về của các cầu thủ nữ lại lặng lẽ.

Nhưng dẫu sao đi nữa, việc các thành viên Chính phủ thấu hiểu nỗi khó khăn và ủng hộ, quyên góp thêm là vinh dự cũng như nguồn động viên kịp thời, tiếp sức cho các nữ tuyển thủ thi đấu vì màu cờ sắc áo, vì Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nguồn động viên kịp thời cho các nữ tuyển thủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO