Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Đài Loan (CDC) đang theo dõi về nguy cơ mầm bệnh mới từ virus henipavirus.
>>Truy tìm nguồn gốc virus SARS-CoV-2 từ các "ổ chứa" động vật
Được biết, ít nhất 35 người ở Trung Quốc đã nhiễm một loại virus henipavirus mới, có tên gọi Langya henipavirus (LayV), được cho là lây lan từ động vật sang người ở các tỉnh Sơn Đông và Hà Nam. Tất cả những bệnh nhân nhiễm loại virus này đều bị sốt cao, ít nhất một nửa số bệnh nhân có triệu chứng mệt mỏi, ho, chán ăn và giảm bạch cầu. Không ai trong số 35 người bị nhiễm nói trên có tiếp xúc gần gũi với nhau hoặc có tiền sử phơi nhiễm chung.
Theo Phó Tổng giám đốc CDC Đài Loan Chuang Jen-hsiang, trước mắt, các phòng thí nghiệm tại Đài Loan (Trung Quốc) cần thiết lập các quy trình xét nghiệm tiêu chuẩn để xác định virus Langya henipavirus (LayV). Ông cho biết thêm việc giải trình tự bộ gen của virus này sẽ được hoàn thành trong vòng một tuần.
Đây là loại virus lây từ động vật sang người, thuộc họ virus Paramyxoviridae gây bệnh quai bị, các bệnh về hô hấp và có thể gây chết người. Dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp phân loại Henipavirus là virus cấp độ 4 với tỷ lệ tử vong theo trường hợp từ 40-75%, con số này cao hơn nhiều so với tỷ lệ tử vong của virus SARS-COV-2.
Thử nghiệm trên động vật ở các khu vực bị ảnh hưởng cho thấy 5% số chó và 2% số dê đã bị nhiễm loại virus này. Chuột chù có thể là vật chủ mang LayV khi 27% số chuột chù trong thí nghiệm có xét nghiệm dương tính với loại virus LayV.
Trước đây, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phát hiện ra một loại virus henipavirus mới, được gọi là Mojiang paramyxovirus (MojV) vào năm 2013. Họ phát hiện những con chuột sống trong một mỏ đồng bỏ hoang ở tỉnh Vân Nam nhiễm virus này. Ba người đàn ông làm việc trong mỏ mắc bệnh viêm phổi nặng. Họ đã chết từ rất lâu trước khi các nhà khoa học đến hiện trường, vì vậy không xác nhận mối liên hệ trực tiếp nào với MojV.
"CDC hiện đang tập trung vào nghiên cứu các đường lây truyền của virus và sẽ hợp tác với các cơ quan chuyên môn để kiểm tra xem các bệnh tương tự có tồn tại ở các loài có nguồn gốc từ hòn đảo Đài Loan hay không", ông Chuang nói và cho biết thêm đến nay, đợt bùng phát ở Trung Quốc chưa có bất kỳ trường hợp tử vong nào.
Hiện chưa có vaccine tiêm chủng phòng ngừa hoặc thuốc điều trị cho người nhiễm Henipavirus và phương pháp điều trị duy nhất là chăm sóc hỗ trợ để kiểm soát các biến chứng. Ông Wang Linfa, Giáo sư thuộc Chương trình Các bệnh truyền nhiễm mới nổi tại Trường Y Duke-NUS cho biết: chủng virus này cần được theo dõi chặt chẽ vì nhiều loại virus tồn tại trong tự nhiên có khả năng gây ra những biến đổi khó lường khi chúng lây nhiễm sang người.
>>Gia tăng lo ngại về các biến chủng phụ của virus SARS-CoV-2
Đồng quan điểm, ông Wang Xinyu, Phó trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện Huashan trực thuộc Đại học Fudan lưu ý: "COVID-19 không phải là bệnh truyền nhiễm cuối cùng gây ra đại dịch trên toàn thế giới, vì các bệnh truyền nhiễm mới sẽ ngày càng có tác động lớn hơn đến cuộc sống hàng ngày của con người. Các trường hợp nhiễm LayV chính là một tiếng chuông cảnh báo".
Cho đến nay vẫn chưa tìm thấy sự phân nhóm đáng kể theo không gian hoặc thời gian của LayV, có nghĩa là việc lây truyền virus từ người sang người vẫn chưa được chứng minh, mặc dù các báo cáo trước đây cho thấy virus này có thể lây truyền từ người sang người.
Do đó, chuyên gia này nhấn mạnh, điều quan trọng cần nhấn mạnh là phạm vi của những loại bệnh này không nên chỉ giới hạn trong các bệnh ở người, mà cần được xem xét trong bối cảnh rộng lớn hơn.
Có thể bạn quan tâm