Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi: Nguy cơ méo mó vì chồng chéo

Diendandoanhnghiep.vn Dù đã trải qua hơn 2 năm lấy ý kiến soạn thảo và bước vào giai đoạn sắp thông qua, tuy nhiên, Dự thảo Luật Đầu tư vẫn còn những quy định cần phải sửa đổi hoặc phải viết lại.

Đó là khẳng định của Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Đoàn Luật sư TP HCM khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.

Ông Hòa phân tích: Dự thảo Luật Đầu tư hiện nay đang rơi vào thế chồng chéo, trùng lặp khá nhiều có thể gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như phương thức thực hiện của các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư.

Cụ thể các nội dung trong Dự thảo cùng với các văn bản liên quan khác chưa thể hiện được sự thống nhất và đồng bộ như là trong các vấn đề liên quan đến điều kiện và thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản…

Đáng nói ở đây, chính các văn bản luật lại có các mâu thuẫn chồng chéo lên nhau khiến cho các doanh nghiệp không biết nên áp dụng văn bản nào để thực hiện.

Điều này gây khó khăn, tốn thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp trong quá trình triển khai.

Ngoài ra còn có các điều khoản quy định về đấu thầu hay kinh doanh bất động sản cũng có nhiều các quy định mâu thuẫn lẫn nhau, thách thức các doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

-Những chồng lấn này, nếu đi vào thực tế sẽ tác động như thế nào tới cộng đồng doanh nghiệp, thưa ông?

Các chồng chéo này nếu không được rà soát và sửa đổi sẽ tác động tiêu cực đến cộng đồng doanh nghiệp hay thậm chí là cả nền kinh tế.

Thứ nhất, do không thống nhất trong quy định, các doanh nghiệp sẽ bị mắc kẹt giữa các quy định vì không biết tiêu chuẩn nào để tuân thủ.

Ngoài ra các cơ quan quản lý hay có thẩm quyền cũng sẽ có những ý hiểu khác nhau vì vậy có thể không có sự thống nhất giữa doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước.

Điều này khiến cho doanh nghiệp sẽ phải thực hiện lại nhiều lần đến khi thoả mãn được những yêu cầu do cơ quan quản lý đặt ra gây mất thời gian và tốn kém vô cùng.

Đặc biệt là đối với công ty mới thành lập chưa có nhiều vốn và kinh nghiệm, họ sẽ phải chật vật để đưa các hoạt động vào thực hiện.

Thứ hai, những chồng chéo như đã nói ở trên đã khiến môi trường kinh doanh Việt Nam trở nên méo mó.

- Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi yêu cầu dự án có vốn đầu tư từ 10 nghìn tỉ đồng trở lên phải trình Thủ tướng thông qua. Nhiều chuyên gia khẳng định đây là một quy định thừa và đẩy việc lên Thủ tướng, thưa ông?

Quy định này là không cần thiết khi mà hiện nay quy mô phát triển của các doanh nghiệp đang tăng không ngừng và với tốc độ rất nhanh. Vì vậy, nó sẽ còn vượt qua mức vốn đầu tư 10 nghìn tỷ đồng gấp nhiều lần. Việc nâng mức đầu tư là đang nới lỏng các thủ tục cho các doanh nghiệp nhưng với tốc độ phát triển như hiện nay thì việc nâng mức lên như vậy cũng không đáng kể.

Và mức nâng đó sẽ lại tiếp tục trở thành sợi dây vô hình kìm hãm, gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Lúc đó các cơ quan Nhà nước sẽ lại phải cơi nới, sửa đổi sao cho phù hợp với quy mô đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp gây mất thời gian và mâu thuẫn cho cả doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước.

Ngoài ra, việc bắt buộc các doanh nghiệp phải trình Thủ tướng thông qua các dự án như trên đang thể hiện một sự rườm rà trong các quy trình, thủ tục trong khi mục tiêu bây giờ đang là đơn giản hoá các thủ tục. Cụ thể sau khi UBND cấp tỉnh quyết định theo quy hoạch của từng địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ duyệt thì các doanh nghiệp lại phải một lần nữa làm quy trình trình duyệt dù dự án đã được thực hiện theo đúng quy hoạch. Điều này là không cần thiết vì vậy cơ quan nhà nước cần cân nhắc để có thể đưa ra các phương án khác đơn giản hơn mà vẫn đảm bảo công tác quản lý.

  Cần thiết phải rà soát, kiểm tra lại tất cả các văn bản Luật liên quan để có thể phát hiện những chồng chéo và mâu thuẫn trong các quy định pháp luật. Từ đó mới có thể sửa đổi, bổ sung sao cho đồng nhất...

- Các quy định về diện tích đất sử dụng phải trình Thủ tướng xem xét, theo ông, có phù hợp?

Đây lại tiếp tục là một lần nữa trở thành rào cản pháp lý đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Khi mà cụ thể, Dự án xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị có quy mô sử dụng đất từ 50ha trở lên hoặc có quy mô dưới 50ha nhưng quy mô dân số từ 15.000 người trở lên tại khu vực đô thị phải bắt buộc trình Thủ tướng xem xét. Quy định này là không cần thiết đồng thời cũng không phù hợp.

Lý do bởi để có thể thực hiện dự án xây dựng nhà ở hay khu đô thị,… thì các doanh nghiệp đã phải tuân thủ theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất tại nơi thực hiện dự án của UBND cấp tỉnh.

Trong khi đó kế hoạch này đã được thủ tướng chính phủ phê duyệt theo Luật Quy hoạch và Luật Đất đai. Và theo dự thảo mới này, tức là dù các doanh nghiệp vẫn phải thực hiện thêm các quy trình trình thủ tướng một lần nữa để có thể tiến hành thực hiện. Mà quy trình để trình thủ tướng mất rất nhiều thời gian và tiền bạc khiến cho nhiều doanh nghiệp mất đi các cơ hội đầu tư, kinh doanh cũng như kinh phí, kìm hãm sự phát triển của họ.

-Để được ưu đãi đầu tư, Dự thảo Luật Đầu tư lần này có vẻ cũng siết hơn, thưa ông?

Các chính sách ưu đãi tại các văn bản pháp luật hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho chính sách về thuế phức tạp, dễ tạo cho các doanh nghiệp lợi dụng chính sách giảm thuế phải nộp, gây bất công bằng giữa các đối tượng nộp thuế. Vì vậy dự thảo lần này có vẻ đã siết chặt hơn trong việc hưởng chính sách này.

Cụ thể: Tại Điều 18 về thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư, theo đó nhà đầu tư phải "tự xác định ưu đãi đầu tư và thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan thuế, cơ quan tài chính và cơ quan hải quan tương ứng với từng loại ưu đãi đầu tư". Quy định này cho thấy các doanh nghiệp trong và ngoài nước phải tự thực hiện xác định ưu đãi đầu tư và phải thực hiện các thủ tục tại nhiều cơ quan khác nhau. Việc này đang thể hiện sự sát sao hơn trong thủ tục hưởng các chính sách của các doanh nghiệp.

Còn một điểm nữa thể hiện sự siết chặt trong chính sách ưu đãi của dự thảo lần này cũng thể hiện qua việc xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu chức năng trong khu kinh tế cũng thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng.

- Xin cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đã có một số quy định để đảm bảo an ninh, tránh đầu tư núp bóng, đầu tư chui, kiểm soát đầu tư tại các địa bàn yếu tố nhạy cảm về quốc phòng an ninh. Bên cạnh đó, tiếp thu các ý kiến đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu để có chính sách quản lý phù hợp hơn, mạnh hơn về vấn đề này. Tới đây, trong chỉ thị mới về thu hút đầu tư nước ngoài trong tình hình mới sắp được ban hành cũng sẽ lồng ghép một số chính sách mới để đảm bảo thu hút vốn đầu tư nước ngoài đúng mục tiêu, mục đích.

Đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng):

Thời gian qua, vấn đề chuyển nhượng dự án phát sinh rất nhiều bất cập mà không thể xử lý được do quy định về điều kiện chuyển nhượng dự án rất dễ dàng. Trên thực tế có rất nhiều nhà đầu tư đăng ký dự án đầu tư nhưng không thực hiện dự án mà chỉ để chuyển nhượng lại dự án hưởng chênh lệch. Trong khi đó, các điều kiện chuyển nhượng dự án đầu tư tại Điều 46 của dự thảo là quá dễ dàng và điều kiện ràng buộc tại các luật có liên quan cũng còn thiếu chặt chẽ. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo Luật Đầu tư sửa đổi nghiên cứu bổ sung thêm các điều kiện để kiểm soát hoạt động chuyển nhượng dự án, tương tự như đối với dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo việc đề xuất dự án là thực chất, không phải lập dự án để chuyển nhượng hưởng chênh lệch như hiện nay.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi: Nguy cơ méo mó vì chồng chéo tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713622707 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713622707 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10