Nguy cơ sụp đổ chủ nghĩa đa phương (Kỳ I): Cần viết lại luật chơi quốc tế

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 15/04/2022 05:30

Các tổ chức đa phương, như WTO… muốn tồn tại thì phải cải tổ theo hướng dân chủ hơn, tăng tiếng nói cũng như tôn trọng quan điểm của các nước nhỏ.

WTO không thể đảm bảo trật tự thương mại thế giới khi các siêu cường mâu thuẫn với nhau.

>>Chiến sự Nga - Ukraine và sự cáo chung của toàn cầu hóa

Lần đầu tiên sau hơn 2 thập kỷ hoạt động, APEC 2018 kết thúc mà không có bất cứ tuyên bố chung nào được đưa ra. Tổng thống nước chủ nhà Papua New Guinea, ông Peter O’Neill nói: “hai người khổng lồ trong phòng đã không đồng ý với nhau”.

Tại Hội nghị APEC năm đó, bức ảnh “gia đình” vẫn được chụp với nụ cười của 21 vị nguyên thủ quốc gia thành viên, nhưng âm thầm bên trong là sự khác biệt đến rạn nứt quan hệ giữa các siêu cường mà không có cách gì hàn gắn.

Đó là thời điểm Mỹ phát động chiến tranh thương mại nhằm vào Trung Quốc với những cáo buộc rất kinh tế của Tổng thống Trump. Căng thẳng lan sang lĩnh vực công nghệ cao, nhân quyền, hạt mầm xung đột địa chính trị đã nảy.

Trong những trường hợp như vậy, thông thường người ta sẽ cần đến các tổ chức quốc tế, đa phương làm trọng tài phân xử. Nhưng các cơ quan của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) với rất nhiều điều khoản, chế tài bắt buộc hầu như không thể cất lên tiếng nói công chính khi những gã khổng lồ nổi giận!

Mục tiêu của WTO là hướng đến tự do thương mại, nhưng Washington đơn phương đặt rào cản với hàng hóa Trung Quốc, tùy ý cấm vận kinh tế nước khác - nghĩa là nước Mỹ tự làm thay nhiệm vụ của tổ chức này. Vậy, WTO thực ra là gì?

Sau thế chiến II, Mỹ triệu tập hội nghị Bretton Wood, WTO được khai sinh, ra hiến chương, nhưng Thượng viện Mỹ không thông qua vì giới kinh doanh phố Wall lo sợ hiến chương kìm kẹp công việc làm ăn của họ. Một phần lớn khung khổ quan trọng bị cắt bỏ, chỉ còn mục tiêu chung chung “điều chỉnh thuế quan và thương mại quốc tế”, gọi là GATT.

Điều này cho thấy "phôi thai" của WTO đã chịu sự ảnh hưởng quá lớn từ Mỹ. Trên thực tế, Washington có quyền lực “mềm” vượt trội tại WTO so với các thành viên khác. Cơ quan xét xử của tổ chức này khuyết thẩm phán nhưng rất khó bổ nhiệm thay thế do mâu thuẫn các bên.

Khó trông chờ WTO trong việc đảm bảo công bằng thương mại, thuế quan, nên từ đầu thập niên 2000, hàng loạt Hiệp định Thương mại song phương và đa phương hẹp ra đời, là cuộc chơi riêng của một nhóm thành viên cùng cam kết rất cụ thể, không chỉ thương mại, đầu tư mà còn văn hóa, chính trị, xã hội, nhân quyền…

Từ khi WTO ra đời đến năm 1994 chỉ có 124 thư thông báo thành lập Hiệp định Thương mại, nhưng từ 1995 đến nay có hơn 300 Hiệp định thương mại được ký kết. Xu hướng bùng nổ mạnh ở châu Á.

Ngày càng nhiều Hiệp định thương mại ra đời

Hiện tượng này không nằm ngoài vùng ảnh hưởng khi Trung Quốc bắt đầu trỗi dậy, đại diện cho châu Á - Thái Bình Dương tạo thành một cực đủ sức tranh đua với Mỹ và phương Tây.

Mỹ từng hục hặc với Nhật do quốc gia châu Á này phát triển thần kỳ những năm 60 - 70, nhưng cuộc xung đột này không làm thay đổi trật tự thế giới vì Tokyo vừa mới thoát ra khỏi cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, họ chấp nhận dựa bóng Mỹ để tổn tại và phát triển.

Trung Quốc thì khác, giàu tham vọng, lại đối lập ý thức hệ với Mỹ và châu Âu nên rất khó dung hòa. Quá trình cạnh tranh Trung - Mỹ và kết quả của nó sẽ khiến trật tự thế giới thay đổi kéo theo nhiều thứ mới mẻ xuất hiện.

Nói cách khác, hai cường quốc này vẫn phải tồn tại như một quy luật của chủ nghĩa duy vật lịch sử, tạo đối trọng, đối lập trong thống nhất mới là động lực để kéo thế giới tiến lên không ngừng. Nhưng nó không thể tồn tại trong khung khổ pháp lý quốc tế hiện nay.

Cần thiết phải viết lại luật chơi và tạo ra những tổ chức đủ sức chế tài, răn đe các cường quốc ỷ lại và hành động đơn phương. Đúng hơn, WTO, Liên Hợp Quốc,… muốn tồn tại phải cải tổ theo hướng dân chủ hơn, tăng tiếng nói cũng như tôn trọng quan điểm của các nước nhỏ.

Sự phân mảnh trong hợp tác kinh tế là biểu hiện chính xác nhất cấu trúc hợp tác toàn cầu đã thay đổi. Gần đây còn được tiếp sức bởi đại dịch COVID-19, đặt ra vấn đề với chuỗi cung ứng: Nên duy trì quá trình kinh tế như hiện nay hay là thu hẹp, cắt khúc, khoanh vùng càng hẹp càng tốt?

Các nhà tư bản may mặc đã phát hiện ra, bây giờ nếu mua vải ở Trung Quốc, đặt may tại Việt Nam rồi đem bán sang Âu-Mỹ quả thật mạo hiểm! Vì chỉ cần một biến cố nhỏ thì toàn bộ dây chuyền ngưng trệ. Hàng vạn ông chủ day dứt tột cùng vì nguyên liệu rất dồi dào, nhu cầu rất lớn nhưng logictics không động đậy.

Còn nữa....

Có thể bạn quan tâm

  • Chiến sự Nga - Ukraine và sự cáo chung của toàn cầu hóa

    Chiến sự Nga - Ukraine và sự cáo chung của toàn cầu hóa

    05:15, 29/03/2022

  • Ngày tàn của toàn cầu hoá?

    Ngày tàn của toàn cầu hoá?

    05:05, 27/03/2022

  • “Toàn cầu hóa lần 2” phải cần 1 điều kiện

    “Toàn cầu hóa lần 2” phải cần 1 điều kiện

    06:00, 19/04/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nguy cơ sụp đổ chủ nghĩa đa phương (Kỳ I): Cần viết lại luật chơi quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO