An ninh, an ninh và an ninh là thứ được nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây, là ưu tiên hàng đầu ở các trung tâm thế giới.
>>Nguy cơ sụp đổ chủ nghĩa đa phương (Kỳ I): Cần viết lại luật chơi quốc tế
Toàn cầu hóa đã mang lại động lực to lớn để các quốc gia tái thiết sau cuộc chiến tranh hao người tốn của diễn ra từ 1939 - 1945. Sự hợp tác, trao đổi, giao lưu, kết nối, hữu hảo,…diễn ra với mức độ nhanh chưa từng có.
Tuy vậy, song trùng với dòng chảy chung của xu thế hòa bình là sự cạnh tranh, va chạm, xung khắc giữa các nền kinh tế, các ý thức hệ, quan điểm chính trị, văn hóa, lối sống ngày một lớn - như đã diễn ra từ sau vụ khủng bố thảm khốc nhằm vào nước Mỹ ngày 11/9/2001.
Sau sự kiện này, nước Mỹ đã trở lại với hình thù một cường quốc gây chiến; tâm điểm toàn cầu suốt 2 thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 hướng về thế giới Ả rập. Họ là nạn nhân điển hình của hiện tượng nước lớn lấn át nước nhỏ, phế bỏ vai trò của Liên Hợp Quốc cũng như tiếng nói vì hòa bình trên toàn thế giới.
Cuộc chiến chống khủng bố tiêu tốn 4.000 tỷ USD xuất phát từ mâu thuẫn giữa thế giới Ả rập và phương Tây. Khi Mỹ rút đi để lại khu vực này với đầy rẫy xung đột tôn giáo, sắc tộc. Taliban trở lại cầm quyền ở Afghanistan, Al-Qaeda không hề bị tiêu diệt.
Nhưng điều nghiêm trọng hơn là “văn hóa chính trị kinh tế” Ả rập không còn nguyên vẹn. Nội bộ khu vực lục đục vì khác biệt trong quan hệ với Mỹ, Nga, Trung Quốc, buộc chọn phe khi không thể “ngoại giao trên dây”.
Vì cuộc chiến này cũng biểu hiện mâu thuẫn, toan tính dân tộc trên mặt trận ngoại giao giữa các cường quốc, rằng chẳng có tiếng nói chung nào ở đó cả, diễn biến trên chiến trường vận hành theo ích lợi của các bên.
An ninh, an ninh và an ninh là thứ được nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây, là ưu tiên hàng đầu ở các trung tâm thế giới chứ không phải là tăng cường hòa hợp, tin tưởng lẫn nhau.
“Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Tổng thống Nga Putin tại Ukraine được lấy lý do bảo vệ an ninh nước Nga; sự phản ứng quyết liệt của Mỹ và châu Âu cũng xuất phát từ tuyên bố chung “bị đe dọa an ninh quốc phòng” nếu thế chiến III nổ ra.
Trước cuộc chiến này, nước Nga 20 năm dưới triều đại Putin đã là một cực khác biệt ở châu Âu, cơ bản đối đầu, ít đối thoại; hồ nghi nhiều hơn tin tưởng lẫn nhau. Chiến lược an ninh quốc gia mới của Kremlin giành phần lớn nội dung đề cập đến các mối nguy đến từ bên ngoài.
Không chỉ khoanh vùng các vấn đề an ninh truyền thống mà còn phi truyền thống như kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội, trong đó mang đậm đặc ý thức đề phòng, đặt dân tộc chủ nghĩa lên trước quốc tế hóa.
Có thể nói khẩu hiệu tranh cử của Donald Trump “Nước Mỹ trên hết” là sự chấm dứt của thời đại toàn cầu hóa. Mỹ đã lần lượt lên án các tổ chức quốc tế do chính người Mỹ khởi xướng lập ra.
Trong khi đó, cơ cấu Liên minh châu Âu (EU) từng đối diện nguy cơ tan rã vì chủ nghĩa đơn phương xuất phát từ Anh, sau đó ảnh hưởng đến nhiều thành viên còn lại. Mặc dù EU xem ra đoàn kết hơn khi Nga trỗi dậy nhưng khối này vẫn tồn tại rất nhiều mâu thuẫn lớn chưa thể giải quyết.
Sau chiến tranh thương mại với Mỹ, Trung Quốc bắt đầu khơi lại chủ nghĩa dân tộc đã từng giúp quốc gia này trụ vững qua nhiều thăng trầm lịch sử. Bắc Kinh bắt đầu lập ra các kế hoạch phát triển kinh tế, công nghệ dựa vào nội lực, hạn chế giao thoa với bên ngoài.
Tất cả hiện tượng này không hề là chủ quan, nó phản ánh đầy đủ và sâu sắc môi trường quốc tế đang thay đổi. Được tóm lược thành 4 diễn biến chủ đạo: Biến động (Volatility), Không chắc chắn (Uncertainty), Phức tạp (Complexity) và Mơ hồ (Ambiguity).
Chính trong lòng chủ nghĩa tư bản đã khác đi. CEO BlackRock, ông Larry Fink đưa ra cụm từ “chủ nghĩa tư bản vì các bên” trong cuộc phỏng vấn mới đây với Nikkei Asia. Trong khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đưa ra khái niệm “chủ nghĩa tư bản kiểu mới”.
Có thể bạn quan tâm