Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC), ông Johan Nyvene chia sẻ với DĐDN rằng các nhà đầu tư ngoại từng mong muốn đặt mua 1 tỷ USD cổ phiếu HDB. Điều đó cho thấy “khẩu vị” của khối ngoại đối với cổ phiếu ngân hàng Việt rất “mặn mà”.
- Trong bối cảnh thị trường chung đã có mức tăng vô cùng ngoạn mục (trên 49% năm 2017) và cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng cũng đã tăng khá, theo ông, cổ phiếu ngành ngân hàng có còn được xem là “rẻ”?
Tôi nghĩ phải đánh giá tiềm lực nội tại của từng cổ phiếu, của từng ngân hàng. Đánh giá cổ phiếu có nhiều phương pháp: Dựa trên giá trị sổ sách hoặc dựa trên tiềm năng sinh lời, đánh giá trên sự so sánh chung của thị trường trên yếu tố kỹ thuật và cả yếu tố cảm tính của thị trường. Đánh giá tất cả những yếu tố đó sẽ cho xác nhận và dự báo xu hướng của từng cổ phiếu, nhưng chắc chắn một điều rằng đánh giá lên sẽ không có mức lên cho toàn ngành ngân hàng, cũng như xuống thì không phải toàn bộ mã cổ phiếu ngân hàng đều xuống. Cũng có một phần yếu tố nhưng nếu chúng ta đánh giá kỹ sẽ thấy có sự khác biệt. Có ngân hàng P/B (Giá/Giá trị sổ sách) cao trên 2 lần nhưng có ngân hàng P/B thấp dưới 2 lần, tức chỉ 1,5 lần. Rồi các chỉ số như P/E (Giá/ Thu nhập cổ phiếu) có nơi 10, có nơi 15, có nơi dưới 10, thành ra nếu mà đầu tư vào với sự đánh giá cơ bản lẫn kỹ thuật, chúng ta vẫn sẽ thấy có những cổ phiếu còn rẻ và còn có cơ hội đầu tư.
- Có nghĩa là sẽ có sự phân hóa cổ phiếu trong nhóm ngành ngân hàng?
Tất nhiên, sẽ có sự phân hóa cổ phiếu trong từng ngành. Và không chỉ ngân hàng, thực tế nhiều ngành sẽ luôn có sự phân hóa.
- Vậy theo ông, yếu tố nào có ý nghĩa quan trọng nhất với cổ phiếu ngân hàng năm 2018: Kinh tế, thị trường, chỉ tiêu tín dụng, xử lý nợ xấu, kết quả kinh doanh…?
Kinh tế sẽ là yếu tố nâng đỡ cho ngân hàng. Kinh tế còn tốt thì ngân hàng còn tốt.
- Nhà đầu tư nước ngoài vẫn sẵn sàng tìm kiếm cơ hội để trở thành cổ đông chiến lược của những ngân hàng tốt, sau những thương vụ lớn cách đây vài năm ở Vietinbank và Vietcombank?
Nhìn vào việc chào bán cổ phiếu HDB nói riêng, chúng ta thấy nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm. Giá trị đăng ký chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài của HDB chỉ có 300 triệu USD nhưng lượng chào mua là 1 tỷ USD. Mọi người sẽ thấy lực cầu của nhà đầu tư cao gấp 3 lần lượng cung trong 1 mã ngân hàng như thế. Nếu chúng ta xem lại sẽ thấy VPBank cũng từng tương tự. Sắp tới đây, điều đó có thể sẽ xảy ra với Techcombank chuẩn bị lên sàn. Theo đó chúng ta sẽ thấy nếu lực cầu cao hơn nhiều so với lượng cung, khẩu vị của nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn.
Trong đợt bán HDB, nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm rất lớn đến cổ phiếu này, và nhiều nhà đầu tư khác trên khắp thế giới cũng đều quan tâm, nhưng có lẽ xếp sau Nhật Bản vẫn là Hồng Kông và Singapore.
- Nếu ngành ngân hàng được nới room trên 30%, con sóng này sẽ dẫn tới đâu, thưa ông?
Tôi nghĩ sẽ còn cao hơn nữa. Trong trường hợp của HDB chẳng hạn, các nhà đầu tư có nhu cầu mua cao hơn nhiều. Nhưng do chiến lược của mình, HDB đã bán cho 76 nhà đầu tư theo tỷ lệ chia nhỏ. Còn với 300 triệu USD, họ chỉ cần bán được giá cho ba nhà đầu tư là dư đủ.
Trong đợt bán HDB, chúng tôi nhận thấy nhà đầu tư Nhật quan tâm rất cao, và nhiều nhà đầu tư khác trên khắp thế giới đều quan tâm, nhưng có lẽ xếp sau Nhật vẫn là Hồng Kông và Singapore. Có nghĩa là các nhà đầu tư châu Á đều khá quan tâm đến ngân hàng Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông!