Tốc độ phát triển kinh tế nhanh, nhu cầu năng lượng sạch ngày càng cao và Chính phủ Việt Nam đã hoạch định các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài khiến lĩnh vực này trở nên hấp dẫn. Tuy nhiên, vẫn còn những chính sách khiến nhà đầu tư nước ngoài “e ngại”.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 30 – 50 dự án năng lượng mặt trời với công suất từ 20 – 50 MW đăng kí cấp phép và nhiều dự án đang chờ Bộ Công Thương chấp thuận. Có được điều này là nhờ những hoạch định chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành năng lượng một cách cụ thể. Vì vậy nhà đầu tư nước ngoài đang xếp hàng chờ đợi cơ hội đầu tư vào Việt Nam nếu những tồn tại về chính sách ngày càng được hoàn thiện hơn.
Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, ngành điện mặt trời Việt Nam đã có những chính sách thu hút đầu tư rõ ràng như Luật Đầu tư năm 2014, Quyết định số 2068 ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm khuyến khích, thúc đẩy và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Ngoài ra, Quyết định số 428 ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch phát triển điện lực quốc gia sửa đổi giai đoạn 2011 – 2020 với tầm nhìn đến năm 2030. Mới đây nhất phải kể đến quyết định số 11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Nhiều chính sách khuyến khích và ưu đãi là vậy, tuy nhiên, các chính sách của Việt Nam chưa thực sự đồng bộ.
Quay trở lại Quyết định 11 của Thủ tướng Chính phủ về ưu đãi giá điện năng ở mức 9,35 US cent/kWh đối với các dự án hoạt động từ nay đến ngày 30/6/2019. Mối bận tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đó là một số dự án của nhà đầu tư có thể không rơi đúng “điểm vàng” khi sự chấp thuận của Bộ Công Thương trong các dự án điện năng này chưa đủ nhanh. Điều này gây bất lợi cho nhà đầu tư nước ngoài trong việc đảm bảo an toàn và ổn định giá trong toàn bộ quá trình đầu tư của dự án.
Bên cạnh hành lang pháp lý, câu chuyện thiếu các cơ sở nghiên cứu và đào tạo chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng mặt trời cũng là điều các doanh nghiệp FDI lo lắng. Các tiêu chuẩn về khai thác và sử dụng năng lượng mặt trời cũng đang yếu. Các thiết bị để phục vụ cho ngành năng lượng mặt trời đang phải nhập khẩu nhiều, điều này khiến chi phí sản xuất điện mặt trời sẽ bị đội lên, trong khi giá mua điện chưa thực sự hấp dẫn...
Ngoài ra, nếu nhà đầu tư nước ngoài có ý định đầu tư dự án điện mặt trời với công suất khoảng 1 MW cũng sẽ gặp khó khăn trong hoạt động bồi thường và giải phóng mặt bằng, vì quỹ đất đáp ứng được công suất này sẽ đòi hỏi 1,5 ha – 2 ha đất.