Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát để biên soạn số liệu thống kê phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn quy mô của nền kinh tế bao gồm cả phần kinh tế ngầm, phi chính thức, tự cung, tự cấp, tự tiêu...
Đây là yêu cầu vừa được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra với Bộ KH&ĐT. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ này phải hoàn thiện Đề án báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/1/2018.
Ảnh minh họa.
Kinh tế ngầm một thực trạng nhưng rất ít được thừa nhận, nhắc tới. Có thể hiểu kinh tế ngầm là một bộ phận không được tính đến của nền kinh tế, bao gồm cả hoạt động hợp pháp và không hợp pháp. Những hoạt động hợp pháp nhưng được coi là nằm trong bộ phận kinh tế ngầm chính là những giao dịch bằng tiền mặt và không có hoá đơn. Những giao dịch này được thực hiện không có sự kiểm soát của nhà nước nhằm trốn thuế hoặc tránh bị các cơ quan kiểm tra phát hiện. Ngoài ra cũng có những hoạt động kinh doanh được chính phủ cho phép miễn thuế.
Một nghiên cứu kéo dài nhiều năm và hết sức công phu, do Giáo sư kinh tế Friedrich Schneider thuộc Đại học Johannes Kepler of Linz (Áo) thực hiện cho thấy ở hơn 50 nước trên thế giới, quy mô của kinh tế ngầm ít nhất cũng tương đương 40% GDP chính thức. Theo nghiên cứu này, kinh tế “ngầm” của Mỹ có quy mô nhỏ hơn cả, chỉ tương đương 9% GDP chính thức. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra ở những nước có hệ thống luật pháp và thu thuế hiệu quả nhất, thì nền kinh tế ngầm tồn tại với quy mô nhỏ.
Kinh tế ngầm có nhiều ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế như: không tính được thuế, không được tính vào tổng GDP, ngoài ra đây là nơi diễn ra các hoạt động bất hợp pháp ảnh hưởng đến kinh tế, văn hóa, xã hội.
Tại Việt Nam, trong suốt quá trình đổi mới, khu vực kinh tế phi chính thức hay còn gọi là kinh tế ngầm, tuy hoạt động âm thầm và khá hiệu quả tạo việc làm cho hang triệu lao động. Đây là hàng trăm ngàn đơn vị sản xuất - kinh doanh “đa hệ”, không có tư cách pháp nhân, không có giấy phép, chủ yếu dựa trên quan hệ gia đình, họ hàng, thân quen.
Có thể nói khu vực kinh tế phi chính thức là một trong những khu vực đi tiên phong trong tiến trình đổi mới và góp phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ kế hoạch hóa sang thị trường. Rất nhiều doanh nghiệp phát đạt của Việt Nam ngày nay có khởi nguồn từ khu vực kinh tế phi chính thức. Khu vực này tuy không tạo nên những kỳ tích nhưng đã để lại những dấu ấn quan trọng trong quá trình phát triển của Việt Nam.
Bởi vậy, một cái nhìn khắc nghiệt về kinh tế ngầm trong tình hình hiện nay là chưa thỏa đáng mà cần thiết có những con số thống kê chính thức và cái nhìn toàn diện về khu vực này.