Vùng duyên hải miền trung (DHMT) có vị trí địa lý thuận lợi, nằm giữa tuyến du lịch xuyên Việt, là nơi tạo điều kiện liên kết vùng và khu vực trong phát triển du lịch cộng đồng vùng nông thôn.
Nếu xét về lợi thế cạnh tranh của các địa phương vùng DHMT, khu vực này đang hội tụ nhiều tiềm năng và thế mạnh nổi bật về du lịch biển đảo, nhất là du lịch nghỉ dưỡng biển và du lịch sinh thái, đồng thời có nhiều di sản thế giới được UNESCO công nhận.
Các tỉnh, thành phố trong khu vực có vai trò quan trọng trong chiến lược và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của cả nước và là một trong những địa bàn kinh tế trọng điểm của đất nước.
Sự phát triển du lịch của các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm miền Trung giai đoạn vừa qua đạt được nhiều kết quả tích cực, có ý nghĩa sâu sắc đối với sự phát triển kinh tế vùng. Hơn bất cứ vùng nào trong cả nước, miền Trung trỗi dậy mạnh mẽ bằng du lịch biển, bằng các đô thi du lịch biển với đẳng cấp ngày càng cao.
Tuy nhiên, không khó để nhìn ra một thực tế rằng cách phát triển du lịch, đặc biệt là việc phát triển du lịch vùng nông thôn trong thời gian qua vẫn còn nhiều “điểm khuyết”.
Tại Hội thảo “Liên kết khai thác du lịch nông nghiệp, văn hóa, sinh thái dựa vào cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”, PGS.TS Trần Đình Thiên - Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Thành viên Nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung lý giải: "Mặc dù có nền nông nghiệp đặc sắc, có vùng nông thôn đậm bản sắc văn hóa – lịch sử - môi trường – sinh thái nhưng chưa thúc đẩy được phát triển và khai thác – phát huy có hiệu quả từ góc độ “du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm của vùng”.
“Hiện nay, mức độ liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa các vùng và thậm chí giữa các địa phương trong phạm vi một tỉnh vẫn còn lỏng lẻo cũng tạo thành một yếu tố cản trở sự phát triển du lịch Vùng. Do thiếu nguồn lực, do tầm nhìn, do cách tiếp cận ưu tiên phát triển và cả sự chi phối của các quan hệ lợi ích nên tầm quan trọng của phát triển du lịch nông nghiệp vẫn chưa được đặt ra đúng tầm.” PGS.TS Trần Đình Thiên phân tích.
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Trung ương, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới phần lớn sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản. Chi tiêu của khách du lịch chủ yếu trả cho mua vé tham quan, ăn uống, phòng ở..., chưa chi tiêu nhiều cho các dịch vụ khác do chưa có nhiều dịch vụ bổ trợ, hoặc có nhưng không hấp dẫn du khách.
Báo cáo chỉ rõ cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ tại nhiều điểm du lịch nông nghiệp và nông thôn chưa được đầu tư hoàn chỉnh hoặc đã được đầu tư nhưng không đảm bảo chất lượng. Tính liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch còn yếu.
Nhiều điểm du lịch còn phát triển tự phát, gặp khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp lữ hành để hoàn thiện, xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp cũng như thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Nguồn nhân lực cho phát triển du lịch nông nghiệp còn hạn chế, đặc biệt là lao động được đào tạo, có kỹ năng phục vụ và khả năng sáng tạo cao; khả năng quản lý, điều hành cơ sở du lịch nông nghiệp, làng nghề còn hạn chế. Hoạt động xúc tiến quảng bá cho du lịch nông nghiệp và nông thôn chưa được đầu tư đúng mức, chưa chuyên nghiệp và chưa bài bản, hệ thống, đúng đối tượng.
Vì vậy, cần có những chính sách thay đổi hợp lý để phát triển du lịch vùng nông thôn cùng với việc đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đúng với tiêu chí chiến lược phát triển kinh tế vùng đã đề ra.