Nhiều nhà đầu tư đã sẵn sàng nguồn lực để triển khai các “siêu” dự án nhưng công tác GPMB tắc nghẽn khiến doanh nghiệp bị chôn vốn, không thể triển khai dự án, người dân bỏ đất hoang hóa...
“Ám ảnh” từ khâu giải phóng mặt bằng
Theo thống kê của tỉnh Thanh Hóa, năm 2019, toàn tỉnh này có 4.355 dự án đầu tư có sử dụng đất. Để thực hiện các dự án này cần phải giải phóng mặt bằng hơn 11.600ha; trong đó, kế hoạch thực hiện năm 2019 là hơn 5.600ha, thế nhưng tính đến hết quý I/2019 mới thực hiện được 372ha, đạt khoảng 6%. Chính việc “tắc nghẽn” trong khâu này khiến nhiều dự án bị chậm tiến độ, người dân bỏ đất hoang hóa, nhà nước thất thu các khoản tiền sử dụng đất, thuê đất.
Đơn cử như trường hợp của dự án xây dựng Nhà máy điện năng lượng mặt trời tại xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Du lịch Hoàng Sơn. Theo quyết định đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt, tổng diện tích đất thu hồi phục vụ dự án là 1.500.000m2, tổng vốn đầu tư khoảng 2.681 tỷ đồng, thời gian hoạt động là 50 năm. Tiến độ khởi công quý 1/2017 và hoàn thành sử dụng vào năm 2019.
Theo đó, huyện Ngọc Lặc đã lập Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án tại Quyết định số 653/QĐ-UBND huyện Ngọc Lặc ngày 15/3/2018. Tuy nhiên, đến nay dự án cũng mới dừng ở khâu kiểm kê diện tích, lên phương án đền bù chứ chưa đền bù cho hộ nào.
Được biết, sau khi Công ty CP Đầu tư Thương mại và Du lịch Hoàng Sơn được tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án và được Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch điện tại Quyết định số 4322/QĐ-BCT. Ngay lập tức, Công ty đã bắt tay vào triển khai dự án, ký hợp đồng và đặt cọc với Công ty CP Đầu tư và Phát triển năng lượng Bắc Việt để đặt mua 2 trạm biến áp 63MVA và khảo sát tuyến đường dây từ Nhà máy điện đến trạm 110KV của huyện Ngọc Lặc.
Đồng thời, Công ty ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Liên danh nhà thầu Nhật Bản. Dự kiến đến 30/10/2018 ,sẽ có 300 container 40 Fit chở các tấm panel và các thiết bị sẽ về đến Cảng Hải Phòng và đơn vị cũng đã thực hiện ký hợp đồng san lấp với Tổng Công ty 36 - Bộ Quốc phòng để rà soát bom mìn và san lấp mặt bằng công trình.
Tuy nhiên, dự án lại bị “treo chân” do công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp khó khăn. Đại diện phía chủ đầu tư gửi kiến nghị lên UBND tỉnh Thanh Hóa và cho biết: “Chúng tôi rất mong các cấp lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa sớm có ý kiến chỉ cụ thể, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác kiểm kê giải phóng mặt bằng để dự án được triển khai đúng tiến độ và sớm đi vào hoạt động”.
Lý do chậm tiến độ ở khâu giải phóng mặt bằng được bà Trương Thị Hòa, Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Ngọc Lặc đưa ra là: Do nhiều người dân không đồng tình, gây khó, không muốn mất đất nên công tác GPMB gặp khó khăn. Trước đó chúng tôi đã rà soát, lập kiểm toán xong hết rồi nhưng tháng 1/2019, do dự án điều chỉnh quy hoạch nên phạm vi GPMT thay đổi nên chủ đầu tư đề nghị huyện ra rà soát lại, xem nhiều hộ chưa thống nhất về số lượng kiểm kê. Và chủ đầu tư họ muốn tự đi rà soát, đối chiếu lại với các hộ để đảm bảo đúng. Hiện tại, chúng tôi đã kiểm kê xong rồi, chỉ chờ chủ đầu tư phản hồi lại là chúng tôi sẽ niêm yết giá và đền bù cho người dân.
Giải pháp nào tháo gỡ?
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, các địa phương đã rà soát các dự án và tập trung ưu tiên giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm, dự án khó khăn như: Dự án Đường ven biển, Dự án Đường vành đai Đông Tây, Dự án Đường giao thông từ trung tâm thành phố Thanh Hóa nối Nghi Sơn - Cảng Hàng không Thọ Xuân và các dự án có nguồn vốn đầu tư lớn… Thế nhưng, thực tế triển khai giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, kết quả thực hiện của các huyện, thị xã, thành phố trong quý 1 đạt thấp. Kế hoạch năm 2019, toàn tỉnh phải GPMB là hơn 5.600ha cho các dự án, thế nhưng tính đến hết quý I/2019 mới thực hiện được 372ha, đạt khoảng 6%.
Theo ông Đào Trọng Quy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho rằng do việc xác định nguồn gốc đất đai khó khăn, phức tạp, nguồn vốn bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư thiếu và chậm.
“Cho đến hiện nay mới được 372 ha, khoảng 6;7%, mà chia cho 4 quý phải là 25%, tất nhiên là trong quý 1 có những cái khó mà cụ thể là tác động việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch là có liên quan đến cả 2 mảng là về giải phóng mặt bằng cho triển khai các dự án này nói chung. Do vậy đây là câu chuyện phải tập trung chỉ đạo chung trên tất cả các mặt trận vào cuộc làm thì mới giải ngân được”, ông Đào Trọng Quy nói.
Cho rằng khâu GPMB là khâu quan trọng trong thu hút đầu tư, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa khẳng định: công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án là một nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Vì vậy, trong thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung rất cao, liên tục rà soát từng công việc cụ thể và chỉ đạo rất quyết liệt đến các sở, ban, ngành, địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: công tác chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, từ khâu xây dựng kế hoạch, phân công trách nhiệm đến chỉ đạo triển khai đều rất bài bản, nhưng các khâu còn yếu là: phối hợp giữa chủ đầu tư với UBND cấp huyện và Ban giải phóng mặt bằng chưa tốt, việc truy trách nhiệm và xử lý trách nhiệm trong việc để xảy ra vướng mắc, chậm trễ giải phóng mặt bằng chưa tới cùng, chưa quyết liệt. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, công khai chính sách về giải phóng mặt bằng chưa tốt, nhiều nội dung chưa đến được với người dân nên chưa tạo được đồng thuận.
Theo ông Nguyễn Đình Xứng, thời gian tới Thanh Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường quản lý trong khâu giải phóng mặt bằng để đem lại hiệu quả tốt nhất, tránh làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh