Nhiều thách thức cho nông sản Việt

Thy Hằng 05/06/2018 15:26

Liên tiếp những cuộc giải cứu bởi tình trạng sản xuất thiếu thông tin thị trường, thiếu tính liên kết đang đè nặng những thách thức lên nông sản Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.

Phóng viên Báo DĐDN đã có cuộc trao đổi với TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện chính sách chiến lược (Bộ NN&PTNT) bên lề Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Chuyên đề nông nghiệp ngày 5/6. 

TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện chính sách chiến lược (Bộ NN&PTNT)

TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện chính sách chiến lược (Bộ NN&PTNT).

- Tình trạng giải cứu nông sản vẫn đang diễn ra thường xuyên, nguyên nhân vì đâu, thưa ông?

Chúng ta đang chuyển giao từ nền sản xuất nông nghiệp chiều rộng sang chiều sâu, muốn làm được chúng ta phải bắt đầu từ vấn đề thể chế. Từ việc hơn 9 triệu bà con nông dân sản xuất nhỏ lẻ liên kết lại được, mở rộng được quy mô, không chỉ là 0,5- 0,6 ha/hộ mà phải nâng lên 3ha/hộ.

Giải pháp trước mắt là cung cấp thông tin thị trường. Trước là thị trường trong nước để đảm bảo sản theo tín hiệu nhu cầu thị trường, tránh giải cứu. Về dài hạn là liên kết nông dân vào HTX. Đây là yếu tố giúp Hàn quốc, Nhật bản, Isaren thành công.

- Không chỉ câu chuyện tiêu thụ sản phẩm, số doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp cũng vẫn èo uột ở con số 1% suốt nhiều năm qua, nguyên nhân là đâu thưa ông?

Chúng ta vừa có Nghị định 75 thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn mà trước đó là Nghị định 210. Tuy nhiên, số doanh nghiệp tham gia vào ngành vẫn èo uột chỉ 1%, đặc biệt hầu như không có doanh nghiệp nước ngoài nào đầu tư vào nông nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chia sẻ với tôi rằng họ thực tâm muốn đầu tư vào nông nghiệp, tuy nhiên lại rất khó khăn.

Điểm tên trong ngành nông nghiệp hiện chỉ có một số doanh nghiệp dũng cảm, kiên trì như TH, Vinamilk, Lộc Trời, Việt Úc… Nguyên nhân là do các doanh nghiệp vẫn phàn nàn về các thủ tục. Doanh nghiệp mới định hình thì khó khăn trong xin thành lập, doanh nghiệp đã thành lập thì khó khăn về các đoàn thanh kiểm tra.

Hàng loạt chính sách tốt của nhà nước được đưa ra hỗ trợ cho nhập khẩu công nghệ, tiếp cận vốn, hỗ trợ phát triển theo ngành… nhưng để tiếp cận được chính sách cực kỳ khó khăn. Trong khi doanh nghiệp khát công nghệ, thiếu giống, nguyên liệu đầu vào chất lượng thì lực lượng cán bộ của các viện nghiên cứu vẫn được sử dụng chưa hiệu quả.

Do đó, yêu cầu bức thiết là thu hút thêm doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Người sản xuất là nông dân nhưng tiêu thụ phải là doanh nghiệp. Thiếu doanh nhân thì sản xuất như thiếu đầu tàu. Do đó, hai mũi nông dân - doanh nghiệp đó phải gắn lại được với nhau. 

- Với thực tế, thách thức với trong quá trình hội nhập của nông nghiệp Việt Nam là gì?

Trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta mở rộng cánh cửa hội nhập những thế mạnh về giá rẻ, đa dạng hàng hoá, thích ứng nhanh…thì các yếu thế về vệ sinh ATTP, mẫu mã, thương hiệu cũng dần bộc lộ. Phải nói rằng, bước vào giai đoạn mới, sản xuất nông nghiệp đang có nhiều thách thức đan xen với cơ hội. 

Các số liệu về cán cân thương mại cho biết, nông sản Việt Nam ngay từ khi hội nhập đã xuất siêu, năm 2018 dù có thể gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn dương về xuất khẩu. Điều này chứng minh rằng, thế mạnh của Việt Nam là một cường quốc về nông sản.

Theo báo cáo về lộ trình cắt giảm thuế khi tham gia CPTPP của các nước thành viên, các khoản thuế trong nông nghiệp sẽ giảm đáng kể, nhưng còn rất nhiều hàng rào phi thuế quan phải vượt qua. Vì vậy, đây là một thách thức cho nông sản Việt Nam.

Ngoài ra, khi tham gia hội nhập, thị trường Việt Nam cũng sẽ mở rộng để các nước tiến vào, vì vậy các doanh nghiệp phải vượt lên để đương đầu với thách thức.

Việt Nam cũng phải đối mặt với vấn đề thách thức về thể chế, có quá nhiều cơ quan quản lý chung, có quá nhiều quy chuẩn, vì vậy việc truy xuất nguồn gốc nông sản gặp nhiều khó khăn.

Thêm vào đó, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của các doanh nghiệp Việt còn yếu. Năng lực để chứng minh về chất lượng chưa thể đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Vấn đề lao động, mối quan hệ giữa tổ chức các nghiệp đoàn nông nghiệp, quan hệ giữa nông dân với doanh nghiệp là những thách thức chính. Ngoài ra chúng ta còn 1,7 triệu trẻ em nông thôn tham gia lực lượng lao động nông nghiệp, hay quản lý di cư cũng là những thách thức mà nước ta đang phải đối mặt.

Ngoài ra, còn nhiều rào cản khác là hàm lượng khoa học công nghệ rất ít, năng suất lao động thấp. Một nguy cơ cũng mới xuất hiện trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư.

- Vậy làm sao để nông sản Việt, doanh nghiệp Việt thích ứng với tiến trình hội nhập của các Hiệp định thương mại tự do, thưa ông?

Như đã nói ở trên, giải pháp trọng tâm cho hội nhập là liên kết. Liên kết nông dân- doanh nghiệp. Mà muốn đạt được sự liên kết của hai mũi đó, cần có bàn tay của Nhà nước như là “nhạc trưởng”. Với vai trò dẫn dắt, nhà nước cần xây dựng hệ thống cơ chế chính sách, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ để tăng năng suất sản xuất nông nghiệp.

Như vậy, mối liên kết phải đảm bảo cả doanh nhân-nông dân- nhà nước, trong đó nhà nước kiến tạo phải tạo điều kiện để nông dân và doanh nghiệp sản xuất phát huy thế mạnh.

Doanh nghiệp cũng cần được ưu đãi thu hút đầu tư vào nông nghiệp, minh bạch các thủ tục và đưa hỗ trợ vào thực tiễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nhiều thách thức cho nông sản Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO