Việc siết chặt nhập khẩu nhựa phế liệu nhằm ngăn chặn lượng phế liệu ồ ạt “đổ bộ” vào Việt Nam đã có kết quả. Tuy nhiên, “phản ứng phụ” là hàng trăm doanh nghiệp nhựa có nguy cơ phá sản.
Doanh nghiệp nhựa… "thở ôxy"
Mấy ngày nay dư luận đang nóng về việc các doanh nghiệp sản xuất nhựa tái sinh có nguy cơ phá sản do thiếu nguyên liệu đầu vào. Phế liệu tồn đọng “chất như núi” tại các cảng, trong khi đó doanh nghiệp phải ngậm ngùi trong cảnh “mỡ treo, mèo nhịn đói” vì không thể làm thủ tục thông quan. Thiếu nguyên liệu đầu vào, nhiều doanh nghiệp đang phải “thở ôxy” vì nguồn dự trữ chỉ sản xuất cầm hơi được vài tháng nay đã cạn kiệt.
Điển hình là Công ty nhựa Lê Trần (TP. HCM), ông lớn trong ngành sản xuất nhựa tái sinh. Theo đại diện doanh nghiệp này, họ đã mất khoảng 10 triệu USD trong năm 2018 vì không thể nhập được phế liệu phục vụ cho sản xuất. Thay vì công việc sản xuất tất bật những tháng cuối năm thì doanh nghiệp này đang phải giảm đến 90% công suất hoạt động, 2 vạn lao động có nguy cơ thất nghiệp.
Cám cảnh hơn là Công ty TNHH Giang Nam Cát (Thanh Xuân, Hà Nội). Hàng chục container của doanh nghiệp này đã nằm phơi tại cảng Hải Phòng mấy tháng qua không thể thông quan. Hai nhà máy của doanh nghiệp này đã phải ngừng hoạt động vì không có nguyên liệu sản xuất. Mỗi tháng, doanh nghiệp này phải chịu chi phí hàng tỷ đồng cho việc trả lương công nhân dù không hoạt động, chi phí bảo dưỡng máy móc, lãi suất ngân hàng...
Không thể thông quan, doanh nghiệp lại phải trả phí lưu kho bãi tại cảng. Đã “nhà nghèo” lại mang “bệnh trọng”, doanh nghiệp cứ như ngồi trên lửa. Một doanh nghiệp nhựa tại Long An than thở rằng, mỗi ngày họ thiệt hại trên 1 tỷ đồng. Và sự việc đã diễn ra vài tháng nay, nghĩa là nguy cơ phá sản của họ chỉ còn tính bằng ngày.
Đó chỉ là số ít trong tổng số hàng trăm doanh nghiệp nhựa đều đang chịu cảnh ngộ chung trên cả nước.
Quản hay cấm?
Còn nhớ cuối năm 2017, Trung Quốc cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu. Trong số những loại phế liệu Trung Quốc cấm nhập này có nhiều loại thị trường Việt Nam vẫn đang cho phép nhập khẩu. Khi mọi con đường phế liệu đổ về Trung Quốc - thị trường nhập khẩu phế liệu lớn nhất thế giới này bị tắc, số lượng phế liệu ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam. Chỉ trong nửa đầu năm 2018, lượng phế liệu đổ về Việt Nam tăng gấp 2 lần năm 2017 và bằng cả 2 năm 2015, 2016.
Ngày 17/9/2018, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 27/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Đây là lá chắn trước nguy cơ Việt Nam trở thành bãi rác thế giới.
Phế liệu “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, các doanh nghiệp gần như không thể nhập mới phế liệu, đặc biệt là nhựa phế liệu về trong nước. Hàng nghìn container tồn đọng tại các cảng cũng được “ách” lại để kiểm soát. Ngay cả cơ quan Hải quan cũng rất thận trọng trong việc làm thủ tục thông quan đối với các lô hàng phế liệu. Và cũng chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng chức năng phát hiện và khởi tố hàng loạt vụ việc liên quan đến chuyện làm giả giấy tờ để nhập khẩu phế liệu.
Các hãng tàu cũng bắt đầu nói “không” với những hợp đồng vận chuyển phế liệu. Bởi, theo quy định hàng hóa gây ô nhiễm môi trường thì chủ phương tiện vận tải hay người điều khiển phương tiện vận tải phải có trách nhiệm chở hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Ngoài ra, trách nhiệm của người vận chuyển được duy trì suốt quá trình vận chuyển và chấm dứt khi kết thúc việc trả hàng tại cảng.
Nhiều doanh nghiệp rất đồng tình với chủ trương này của Chính phủ khi cho rằng, việc siết chặt nhập khẩu phế liệu là việc cần làm ngay để tránh khỏi nguy cơ Việt Nam là bãi thải thế giới. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để thanh lọc, loại bỏ những doanh nghiệp làm ăn chộp giật, núp bóng để nhập khẩu rác thải vào trong nước, qua đó kiểm soát được tiêu chuẩn, chất lượng phế liệu nhập về.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ, các cơ quan chức năng “cởi trói” cho những lô phế liệu tồn đọng tại cảng nhằm giảm ùn tắc và cũng giải quyết phần nào nguyên liệu sản xuất cho các doanh nghiệp. Theo các doanh nghiệp, “cởi trói” không có nghĩa là nhân nhượng cho phế liệu…bẩn, rác thải.
Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội nhựa Việt Nam cho rằng trong các container tồn đọng tại các cảng có những container không đạt tiêu chuẩn, cơ quan chức năng có thể xử lý ngay theo quy định (tiêu hủy hoặc tái xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam). Tuy nhiên cũng có những conainer đạt tiêu chuẩn của doanh nghiệp có giấy phép, có đủ điều kiện nhập khẩu, cơ quan chức năng nên cho thông quan để tháo gỡ khó khăn nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp và giải tỏa ách tắc cho cảng.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, thay vì cấm, cơ quan chức năng nên kiểm soát chặt chẽ các điều kiện nhập khẩu như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo. Bởi, không quốc gia sản xuất nào có thể nói “không” tuyệt đối với phế liệu.
Câu chuyện quản lý nhập khẩu đối với phế liệu không phải bây giờ mới nóng. Trước đây, Chính phủ, Bộ Tài nguyên Môi trường và các cơ quan chức năng đều đã có những quy định chặt chẽ trong việc nhập khẩu phế liệu. Tuy nhiên, phế liệu “bẩn” vẫn tuồn rất nhiều vào nội địa. Rõ ràng câu chuyện quản lý của các ngành chức năng…có vấn đề. Làm giả hồ sơ, khai khống số lượng, nhập một đằng – khai một nẻo,…là những lỗ hổng trong quản lý. Chỉ đến khi được siết chặt thì các doanh nghiệp “ma” bỏ của chạy lấy người. Vậy trước đó thì sao?
Giải pháp cho doanh nhiệp nhựa
Trong tương lai gần, Việt Nam chưa thể thoát ly với phế liệu nhập khẩu. Vấn đề là nhập thế nào, kiểm soát chất lượng phế liệu ra sao?
Có thể bạn quan tâm
14:00, 22/12/2018
14:00, 21/12/2018
04:54, 15/10/2018
Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 10%, đến năm 2023, ngành nhựa cần khoảng 10 triệu tấn nhựa phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Trong đó, sản lượng sản xuất hạt nhựa nguyên sinh trong nước dự kiến đạt đáp ứng 26%, (khoảng 2,6 triệu tấn) số còn lại 7,4 triệu tấn phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Như vậy, các nhà máy sản xuất nguyên liệu trong nước chưa thể đáp ứng nhu cầu. Vì thế, giải pháp hiệu quả và phù hợp xu thế tiêu dùng sản phẩm hiện nay là bù đắp một phần bằng các loại nguyên liệu nhựa tái sinh.
Theo một doanh nghiệp cho biết, thiếu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nhựa tái sinh đẫn đến các doanh nghiệp sản xuất từ hạt nhựa nguyên sinh cũng gặp không ít khó khăn bởi các doanh nghiệp này vẫn phải sử dụng hạt nhựa tái sinh khoảng 30 – 40% trong sản xuất. Nếu phải sản xuất hoàn toàn bằng nhựa nguyên sinh, giá thành sản phẩm sẽ đội lên rất cao.
Môi trường và phát triển kinh tế là hai thái cực đối lập. Trong bối cảnh phát triển hiện nay, Việt Nam chưa thể nói “không” với phế liệu. Chính sách giống như thuốc kháng sinh - trị bệnh và có “tác dụng phụ”. Chỉ có điều kê đơn thế nào cho hài hòa mâu thuẫn – đó mới cần bác sĩ cao tay.