Vẫn còn đâu đó những hoài nghi xung quanh dù Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF 2019) vẫn được coi là biểu tượng của sự đoàn kết.
Chủ đề của WEF năm nay là "Toàn cầu hóa 4.0: Định hình một kiến trúc mới trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư".
Hay, hiểu theo nghĩa giai đoạn toàn cầu hóa tiếp theo trong một xã hội ngày càng bị tước quyền và chia rẽ do tiến bộ công nghệ và cạnh tranh phát triển nhanh chóng.
Ông Klaus Schwab, người sáng lập và chủ tịch điều hành của WEF, đã viết trong một phân tích vào năm ngoái rằng, hội nghị sẽ tìm cách xây dựng lại một tương lai trong một thế giới đầy rạn nứt, đồng thời kêu gọi đối thoại và hợp tác bền vững.
Có thể bạn quan tâm
07:12, 25/01/2019
06:30, 25/01/2019
10:00, 24/01/2019
06:00, 24/01/2019
"Những người bi quan sẽ lập luận rằng các điều kiện chính trị đang cản trở một cuộc đối thoại toàn cầu hữu ích về Toàn cầu hóa 4.0 và nền kinh tế mới" ông viết.
Nhưng những người thực tế sẽ sử dụng thời điểm này để phát hiện những lỗ hổng trong hệ thống hiện tại và xác định các yêu cầu cho cách tiếp cận trong tương lai.
Những người lạc quan sẽ giữ hy vọng rằng các bên liên quan hướng đến tương lai sẽ tạo ra một cộng đồng có chung mối quan tâm và chung một mục đích.Nhưng các chuyên gia lại hoài nghi về điều này.
Evgeny Postnikov, giảng viên Quan hệ Quốc tế của Đại học Melbourne khẳng định rằng ông hoài nghi về việc đặt lại tên cho toàn cầu hóa và tuyên bố rằng việc làm mới khái niệm sẽ không giải quyết được các vấn đề tiềm ẩn.
"Có vẻ như WEF có thể đang cố gắng cứu vãn định nghĩa toàn cầu hóa cũ bằng một cái tên mới", Postnikov nói.
Cuộc cách mạng 4.0 chỉ làm trầm trọng thêm những thách thức của bất bình đẳng, suy thoái môi trường và bấp bênh kinh tế. Những vấn đề này là cốt lõi của vấn đề với chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy.
WEF có sự tham gia của giới tinh hoa toàn cầu, bao gồm các nhà lãnh đạo thế giới, chính trị gia, tổ chức phi chính phủ, các học giả và các nhà hoạt động.
Diễn đàn đã thành công trong việc tạo ra tác động toàn cầu tích cực trong quá khứ như tuyên bố năm 1988 giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp để tránh một cuộc chiến tranh, cũng như cung cấp một nền tảng cho các cuộc thảo luận tái thống nhất nước Đức vào năm sau.
Nhưng theo nhiều chuyên gia, WEF đang cố gắng giải quyết sự nghèo khổ và bất bình đẳng gia tăng bằng cách sử dụng những công cụ làm gia tăng sự bất bình đẳng.
Tính hợp pháp của WEF đã liên tục bị thách thức kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, sự kiện đã chứng minh rằng cấu trúc của hệ thống hiện nay là không ổn định và thiếu bền vững.
Tổng thống Trump và các thành viên khác của Chính phủ Mỹ đã không tham gia cuộc họp năm nay do chính phủ đóng cửa.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Theresa May cũng bỏ qua diễn đàn để giải quyết khủng hoảng ở quê nhà.
Sự vắng mặt đáng ngại đã gây lo lắng và tạo ra sự hoài nghi về tính kết nối các nhà lãnh đạo để giải quyết những vấn đề toàn cầu.
Trong đó, sự vắng mặt của Mỹ được coi là một dấu hiệu rút lui khỏi vị thế lãnh đạo trật tự quốc tế mà quốc gia này đã xây dựng trước đó.
Đồng thời, điều này đã nhân lên sự sợ hãi mà nhiều giới tinh hoa chính trị đang phải đối mặt là sự xói mòn trật tự thế giới và các thể chế dân chủ của nó, nơi mọi quốc gia đều tập trung vào bản thân.
Việc rút lui này cũng khiến một số nhà phân tích lo ngại về sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng toàn cầu đang gia tăng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để thấy tác động có thể có từ sự trỗi dậy của Trung Quốc, hoặc liệu nó có thách thức trật tự toàn cầu hiện nay hay không.
Trung Quốc thách thức chuỗi cung ứng toàn cầu và đã đóng góp cho nhiều thay đổi ở phương Tây, nhưng về mục đích, Trung Quốc dường như chưa biết họ muốn gì.
Bên cạnh đó, một báo cáo của Oxfam công bố đầu tuần này đã cho hay, tài sản của những người giàu nhất thế giới đã tăng hơn 12% so với năm ngoái.
Nhận định về vấn đề này, ông Schwab viết rằng, một phần đáng kể của xã hội đã trở nên bất mãn và tức giận với chính trị và các chính trị gia cũng như toàn bộ hệ thống kinh tế trong toàn cầu hóa.
Mặc dù vậy, để giải quyết vấn đề này sẽ đòi hỏi sự hợp tác toàn cầu và một quy định xã hội mới giữa các công dân và lãnh đạo của họ.
Và nếu không thể làm như vậy, điều đó sẽ dẫn đến sự tan rã liên tục của xã hội, để rồi cuối cùng có thể dẫn đến sự sụp đổ của nền dân chủ.
WEF có khả năng đóng vai trò là một nền tảng hiệu quả để bắt đầu các cuộc trò chuyện về những vấn đề bị thế giới phớt lờ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, WEF đã không đưa ra được ý tưởng hay kiến giải nào mới ngoài nhắc lại những cảnh báo về rủi ro và kêu gọi các nước, các bên tăng cường hợp tác.
Sau đó, sẽ phụ thuộc vào cộng đồng toàn cầu để đưa ra một kế hoạch chi tiết có thể được thực hiện.
Nhưng liệu các chủ đề toàn cầu lớn như vậy có thể được giải quyết một cách hiệu quả trong vài ngày ở Thụy Sĩ hay không vẫn còn cần theo dõi.