Những “lò" đào tạo âm thầm tôi luyện nên U23 Việt Nam

Phương Thảo 27/01/2018 19:30

U23 Việt Nam đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho dân tộc Việt Nam ngay trong những ngày đầu năm 2018. Kỳ tích ấy cũng chính là trái ngọt từ chặng đường dài đầu tư của các lò đào tạo bóng đá trẻ, như học viện HAGL Arsenal JMG, PVF, Hà Nội, Viettel...

1. Học viện HAGL Arsenal JMG

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai: “Chỉ có công tác đào tạo bài bản mới sản sinh ra những lứa cầu thủ vừa có trình độ văn hóa, vừa có tài năng, vừa có đạo đức”

Năm 2007, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai - HAGL đã đầu tư hơn 120 tỷ đồng, hợp tác với CLB Arsenal (Anh quốc), cho ra đời lò đào tạo bóng đá trẻ theo chuẩn quốc tế HAGL Arsenal JMG ra đời. Cách tuyển học viên rất đặc biệt, các em ở độ tuổi 10-11-12 đều phải trải qua kỳ thi được chấm điểm khắt khe. Giáo án giảng dạy và các bài tập của Arsenal JMG áp dụng cho học viên cũng rất linh động, được điều chỉnh, thay đổi liên tục. Các em vừa học bóng đá, vừa học văn hóa song song với học ngoại ngữ, mới mẻ hơn cả là hướng tới mục tiêu giao tiếp bằng tiếng Anh. Đây là những điều chưa từng xảy ra ở quốc gia vùng trũng bóng đá như Việt Nam.

Bầu Đức chấp nhận thực tế rằng đầu tư đào tạo bóng đá trẻ mất rất nhiều thời gian. Phải mất ít nhất 7 năm mới có một lứa cầu thủ đủ độ chín như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… Chặng đường dài, nhiều thăng trầm, có những lúc kinh tế khó khăn nhưng Bầu Đức quyết theo đuổi tới cùng. “Tôi không cảm thấy gian khổ chút nào. Trái lại tôi thấy vui sướng và hạnh phúc vì sau những bộn bề lo toan việc kinh doanh, mình còn có những chiều ngồi xem tụi nhỏ đá bóng” – Bầu Đức chia sẻ.

abc

Lò đào tạo bóng đá trẻ theo chuẩn quốc tế HAGL Arsenal JMG đã cho ra lò nhiều cầu thủ chất lượng

Trong danh sách các cầu thủ được triệu tập cho vòng chung kết U23 châu Á lần này, 6 cái tên đến từ CLB Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức, bao gồm: tiền đạo Nguyễn Công Phượng, 4 tiền vệ là Nguyễn Phong Hồng Duy, Châu Ngọc Quang, Nguyễn Văn Toàn, Lương Xuân Trường và hậu vệ A Hoàng. Trong đó, Lương Xuân Trường đóng vai trò là linh hồn trong lối chơi của đội tuyển U23 Việt Nam.

Ngoài ra, không thể không kể đến, thuyền trưởng dẫn dắt đội tuyển U23 Việt Nam, ông Park Hang – Seo cũng là huấn luyện viên do chính bầu Đức đưa về.

HLV Park Hang Seo với kinh nghiệm khi tham gia trợ lý huấn luyện viên đội tuyển quốc gia Hàn Quốc qua hai kỳ World Cup 1994 tại Mỹ và World Cup 2002 tại Nhật Bản - Hàn Quốc. Ông là trợ lý HLV lừng danh người Hà Lan Guus Hiddink tại World Cup 2002, đưa đội tuyển Hàn Quốc lọt tới bán kết.

Bầu Đức là người trực tiếp sang Hàn Quốc đàm phán và đưa HLV Park Hang-seo về Việt Nam

Bầu Đức là người trực tiếp sang Hàn Quốc đàm phán và đưa HLV Park Hang-seo về Việt Nam

2. CLB Bóng đá Hà Nội (tiền thân là CLB Hà Nội T&T)

Bên cạnh việc ổn định thành tích của những “đứa con tinh thần” ở sân chơi V-League, công tác đào tạo trẻ của “lò” bóng đá Hà Nội của bầu Hiển (ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB và đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn T&T) ngày càng vững chắc và khẳng định vị thế.

Những năm gần đây, đội hình 1 của CLB Hà Nội đã bắt đầu đón nhận những cầu thủ trẻ từ tuyến hai do mình đào tạo. Có thể kể đến những Quang Hải, Duy Mạnh, Văn Hậu… không chỉ đang dần trở thành trụ cột của CLB mà còn đang tỏa sáng ở sân chơi châu Á. 6 cái tên trong thành phần đội tuyển U23 xuất phát từ cùng một lò – CLB Bóng đá Hà Nội (tiền thân là CLB Hà Nội T&T) là một minh chứng.

abc

Công tác đào tạo trẻ của “lò” bóng đá Hà Nội của bầu Hiển ngày càng vững chắc

Tuy không đứng tên quản lý nhưng giới thạo tin cho biết bầu Hiển đang cấp nguồn tiền hoạt động cho 5/14 đội bóng tại V-League, trong đó có cả CLB Hà Nội và CLB SHB Đà Nẵng.

Nếu tính đủ những cầu thủ mà bầu Hiển đóng góp cho U23 Việt Nam tại giải lần này, sẽ phải kể thêm 3 cái tên là thủ môn Đăng Ngọc Tuấn, tiền vệ Bùi Tiến Dụng và tiền đạo Hà Đức Chinh, đây là những cầu thủ thuộc biên chế CLB SHB Đà Nẵng.

Đội hình 9 cầu thủ dưới chướng bầu Hiển đáng chú ý có tiền vệ Nguyễn Quang Hải, cầu thủ lập cú đúp trong chiến thắng trước U23 Qatar.

Bầu Hiển được nhiều người phong

Bầu Hiển được nhiều người phong là "võ lâm minh chủ" của bóng đá Việt Nam

Ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB: “Đội đang đá, thưởng gì. Cứ để chúng đá!

Đóng góp nhiều, nhưng bầu Hiển hay những ông chủ của các lò đào tạo khác hiếm khi khoe những thành quả, sự tiếp sức của mình với bóng đá nước nhà.

Mới đây nhất, mặc dù phấn khích khi đội bóng trẻ Việt Nam gây bất ngờ trước đương kim Á quân U.23 Hàn Quốc ngay từ phút 17 với tuyệt phẩm của Quang Hải, tuy nhiên, khi được hỏi có thưởng nóng không, ông lắc đầu. “Đội đang đá, thưởng gì. Cứ để chúng đá”.

3. CLB bóng đá FLC Thanh Hóa

Đầu mùa giải 2010, bóng đá xứ Thanh có bước chuyển mình lớn khi công ty cổ phần bóng đá Thanh Hóa ra đời với đội bóng có tên CLB chuyên nghiệp Lam Sơn Thanh Hóa (gọi tắt là Lam Sơn Thanh Hóa). Công ty này có tới hơn 15 cổ đông cùng góp tiền tài trợ cho đội bóng và cựu Chủ tịch CLB - Ông Nguyễn Văn Đệ từng nói vui rằng: "Bóng đá Thanh Hóa có hơn 15 ông bầu". Tuy nhiên, đến ngày 12/6/2015, tập đoàn FLC mới tiếp quản câu lạc bộ bóng đá Thanh Hóa, làm lễ ra mắt và chính thức sử dụng tên gọi mới cho đội bóng là Câu lạc bộ bóng đá FLC Thanh Hóa. Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc điều hành là ông Doãn Văn Phương - cánh tay nối dài của Chủ tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết.

abc

Tập đoàn FLC xác định gắn bó lâu dài với bóng đá và muốn đưa bóng đá Thanh Hóa phát triển bền vững từ công tác đào tạo trẻ

Ông Doãn Văn Phương cho biết: "Lâu nay mọi người có chút nhầm lẫn, đội FLC Thanh Hóa bây giờ chỉ có duy nhất 1 ông bầu đó là Chủ tịch HĐQT tập đoàn FLC ông Trịnh Văn Quyết, còn tôi được "bầu Quyết" phân công nhiệm vụ làm Chủ tịch CLB, chịu trách nhiệm quản lý, xây dựng và phát triển đội bóng. Tập đoàn FLC xác định gắn bó lâu dài với bóng đá và muốn đưa bóng đá Thanh Hóa phát triển bền vững từ công tác đào tạo trẻ và đội 1".

abc

Thủ môn Bùi Tiến Dũng đến từ CLB FLC Thanh Hóa được ví như “liều biệt dược cho trái tim” người hâm mộ.

Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC Group:
“Tôi thực sự bất ngờ và vô cùng hạnh phúc vì màn trình diễn của U23 Việt Nam”

Tại giải lần này, trong đội hình U23 Việt Nam có sự góp mặt của 3 cầu thủ đến từ CLB FLC Thanh Hóa của ông Trịnh Văn Quyết gồm: thủ môn Bùi Tiến Dũng, hậu vệ Lê Văn Đại và tiền đạo Lê Thanh Bình. Đặc biệt, thủ môn Bùi Tiến Dũng được ví như “liều biệt dược cho trái tim” người hâm mộ.

Ông Quyết bày tỏ: “Tôi thực sự bất ngờ và vô cùng hạnh phúc vì màn trình diễn của U23 Việt Nam. Các em là niềm tự hào của cả dân tộc”.

4. Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF

Trong kỳ tích của U23 Việt Nam trên đất Trung Quốc, không thể không nhắc đến đóng góp của lò đào tạo đang rất nổi tiếng hiện nay, là PVF. Người hùng, thủ thành Bùi Tiến Dũng là cầu thủ xuất thân từ lò đào tạo của PVF. Chưa hết, PVF còn 2 cầu thủ khác, cũng là những quân cờ trong tay áo của HLV Park Hang Seo, thường được vị HLV người Hàn Quốc sử dụng lúc đội nhà cần thay đổi cách chơi, thay đổi nhịp điệu thi đấu, là tiền đạo Hà Đức Chinh (ghi 1 bàn thắng rất đẹp vào lưới U23 Iraq) và tiền vệ trung tâm Bùi Tiến Dụng.

abc

Tầm vóc và sự đầu tư của Vingroup cho Trung tâm PFV mới sánh ngang các học viện bóng đá trẻ hàng đầu của nước Anh

Ra đời từ ý tưởng gợi ý của nguyên Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, là một tổ chức phi Chính phủ, hoạt động phi lợi nhuận, được sáng lập và đóng góp vốn bởi 3 thành viên thuộc tập đoàn Vingroup là: Quỹ Thiện Tâm (đóng góp 80%); Công ty CP Đầu tư và Thương mại PFV (10%) và Công ty TNHH MTV Vinpearl (10%).

Mới đây, Quỹ Đầu tư và Phát triển tài năng bóng đá Việt Nam (PVF) thuộc Tập đoàn Vingroup chính thức khánh thành Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ tại Hưng Yên. Đồng thời, đơn vị này chuyển toàn bộ PVF ra cơ sở mới sau một thời gian hoạt động tại TP.HCM.

Theo đó, PVF sẽ được đầu tư trọng điểm và toàn diện cả về cơ sở vật chất, điều kiện luyện tập, đội ngũ huấn luyện viên, giáo trình chuyên môn, thể lực và văn hóa. Mục tiêu của PVF là cung cấp cho bóng đá Việt Nam các thế hệ cầu thủ trẻ nhiệt huyết, có đạo đức, tri thức, văn hóa với thể lực và chuyên môn đạt chuẩn thế giới.

Trung tâm mới có tổng diện tích gần 22ha, được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm: hệ thống sân tập và sân thi đấu hiện đại; tổ hợp khoa học thể thao và chăm sóc sức khỏe chuyên biệt; hệ thống kí túc xá tiện nghi.

Trong đó, hệ thống sân gồm 7 sân, với trọng tâm là sân thi đấu chính, quy mô 3.600 chỗ được đảm bảo những điều kiện thi đấu tốt nhất các giải đấu lớn và 06 sân tập kích thước tiêu chuẩn 11v11 với mặt cỏ được chứng nhận FIFA Quality Pro.

Bên cạnh sân cỏ trong nhà đầu tiên tại Việt Nam, PVF còn được trang bị hệ thống phòng tập giả lập 360s và thiết bị PlayerTek theo dõi hiệu suất thi đấu của cầu thủ hiện đại đầu tiên tại châu Á.

"Tầm vóc và sự đầu tư của Vingroup cho công trình này sánh ngang các học viện bóng đá trẻ hàng đầu của nước Anh" - ông Mike Farnan, nguyên Giám đốc quan hệ quốc tế của CLB Manchester United và là nhà tư vấn của PVF khẳng định.

5. Trung tâm thể thao Viettel

Những năm gần đây, cùng với PVF, trung tâm thể thao Viettel nổi lên như một hiện tượng khi liên tục có những lứa cầu thủ xuất sắc. Các cầu thủ trẻ Viettel lần đầu tiên giành vé tham dự giải hạng Nhất 2016 và phấn đấu đến năm 2018 tham gia V-League.

Giờ tự học nghiêm túc, huấn luyện viên cũng là người thầy kèm cặp các em về văn hóa.

Ở “lò” bóng đá Viettel, các cháu phải học lực khá trở lên

Với diện tích tổng thể trung tâm lên đến 18ha, nằm tại cuối Đại lộ Thăng Long thuộc xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội, cùng với 6 sân cỏ được đầu tư theo đúng tiêu chuẩn FIFA yêu cầu khi thi đấu, Trung tâm Thể thao Viettel (trước đây gọi là Trung tâm bóng đá Viettel) còn trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại phục vụ các cầu thủ trong cả rèn luyện năng khiếu và học tập văn hóa. Tất cả huấn luyện viên (HLV), học viên, trọng tài tại trung tâm đều được đào tạo tiếng Anh bài bản. Điều kiện ăn ở của các học viên nơi đây cũng được chú trọng rất nhiều. Nhất là chế độ tập luyện, ăn uống, ngủ nghỉ sao cho khoa học nhất để các học viên phát triển toàn diện về cả tư duy và thể chất.

Các cầu thủ nhí trước khi được tuyển chọn vào “lò” bóng đá Viettel phải trải qua bài kiểm tra khắt khe, gồm kiểm tra IQ, sức khỏe, sau đó mới là trình độ chuyên môn.

“Có thể nhiều người sẽ nghĩ rằng các cầu thủ thì không cần học nhiều. Ở đây thì khác, các cháu phải học lực khá trở lên. Chúng tôi có sự kết nối chặt chẽ với các thầy cô giáo tại trường học. Nếu ai học lực kém, đá bóng hay tới đâu cũng phải loại thải”, Trung tá Hà Hữu Tám, Phó giám đốc Trung tâm thể thao Viettel cho biết.

Thậm chí, với các lứa tuổi U.12, U.13, U.14, U.15, các VĐV không được sử dụng điện thoại di động, với các lứa tuổi lớn hơn sẽ được sử dụng điện thoại di động nhưng tùy theo giờ, sau 21 giờ phải nộp cho HLV.

HLV Đặng Phương Nam, trưởng phòng HLV của Trung tâm thể thao cho hay, khác với nhiều trung tâm huấn luyện các cầu thủ khác, các tiêu chí để đào tạo tuyển thủ trẻ tại đây là văn hóa xếp đầu tiên. Thứ hai là kỷ luật, thứ ba là thể lực, chuyên môn bóng đá xếp sau cùng.

abc

Trung vệ Bùi Tiến Dũng đến từ CLB Viettel, người dù chỉ thi đấu ở giải hạng Nhất, nhưng luôn được đánh giá là một trong những trung vệ hay nhất của bóng đá Việt Nam vài năm trở lại đây

Tại U23 lần này, CLB Viettel đóng góp 2 cầu thủ: Tiền vệ Nguyễn Trọng Đại và trung vệ Bùi Tiến Dũng. Trong đó, phải nói thêm, trung vệ Bùi Tiến Dũng đến từ CLB Viettel, người dù chỉ thi đấu ở giải hạng Nhất, nhưng luôn được đánh giá là một trong những trung vệ hay nhất của bóng đá Việt Nam vài năm trở lại đây. Tiến Dũng cũng được đánh giá cao ở khả năng bọc lót, đọc tình huống, kỹ thuật tranh cướp bóng, và không chơi thô bạo dù đá trung vệ.


6. CLB Sông Lam Nghệ An

So với những năm về trước, “lò” Sông Lam Nghệ An không còn chiếm ưu thế, nhưng họ cũng góp 2 gương mặt có đóng góp đáng kể cho U23 Việt Nam tại giải, đều là những phát hiện mới gồm tiền đạo Phan Văn Đức (ghi 1 bàn vào lưới U23 Iraq) và hậu vệ Phạm Xuân Mạnh.

Người Nghệ vẫn tin rằng, với cách làm bài bản, tâm huyết của mình, họ sẽ trở lại với những ngày tháng vinh quang như đã từng làm được trong quá khứ.

abc

Khi các đội bóng không còn thị uy sức mạnh bằng tiền bạc, bóng đá trẻ trở về với những giá trị vốn có của nó; thì lò Sông Lam lại là điển hình tiên tiến

Hai năm qua, dù trắng danh hiệu vô địch nhưng thành tích của lò Sông Lam cũng không quá tệ. U.13 vẫn chứng tỏ được vị thế của mình, khi 2 năm liên tiếp vào chung kết. Năm 2017, U.19 SLNA sau những năm bết bát, khi không thể qua được vòng loại thì cũng đã xuất sắc giành vé tham dự VCK…

Khi các đội bóng không còn thị uy sức mạnh bằng tiền bạc, bóng đá trẻ trở về với những giá trị vốn có của nó; thì lò Sông Lam lại là điển hình tiên tiến. Bởi, tìm ở họ sự chuyên nghiệp, bằng một hệ thông các U, hệ thống chân rết ở cơ sở duy trì suốt hàng chục năm qua là rất hiếm.
Các lứa trẻ lò Sông Lam đang khởi sắc trong năm 2017 và hành trình tìm lại ánh hào quang xưa của họ, có lẽ cũng không còn kéo dài.

Sự phát triển nhanh, có chiều sâu của các học viện, các lò đào tạo trẻ trên cả nước đã giúp bóng đá Việt Nam xuất hiện nhiều cầu thủ triển vọng, chuyên nghiệp. Những cầu thủ này khi được đặt đúng người dẫn dắt có trình độ, họ lập tức phát huy tác dụng, mà những thành quả gây tiếng vang liên tiếp là tấm vé dự VCK World Cup U20 vào năm ngoái và kỳ tích tại giải U23 châu Á năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Những “lò" đào tạo âm thầm tôi luyện nên U23 Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO