Những vụ đầu tư đình đám 2018

Lê Mỹ 01/01/2018 10:51

Năm 2018 diễn ra nhiều thương vụ đầu tư đặc biệt và có ý nghĩa không chỉ với các bên tham gia giao dịch, mà còn được kỳ vọng có tác động lâu dài với ngành doanh nghiệp hoạt động và thị trường.

SCIC bán vốn, thu về gần 7.400 tỷ đồng từ Vinaconex

p/An Quý Hưng đã chi 7.367 tỷ đồng để sở hữu 57,71% vốn cổ phần của VCG

An Quý Hưng đã chi 7.367 tỷ đồng để sở hữu 57,71% vốn cổ phần của VCG

Không phải là thương vụ khủng như đợt thu hồi vốn khi bán cổ phần tại Sabeco vào năm 2017, nhưng khoản bán 254,9 triệu cổ phần của TCty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HNX: VCG) của TCty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tại doanh nghiệp đã thành công hơn mong đợi. Đây cũng là thương vụ được xem là đình đám trên thị trường chứng khoán khi nhà đầu tư bỏ ra giá 28.900 đồng/cp cho lô cổ phần mà SCIC bán đấu giá, tương đương 7.366 tỷ đồng, cao hơn 35,6% giá khởi điểm và cao hơn 50% thị giá VCG đang giao dịch trên sàn. Thế nhưng, nhà đầu tư này là Cty TNHH An Quý Hưng, một đơn vị chỉ có 360 tỷ đồng tổng tài sản và “danh tiếng” không thể so bì với những nhà đầu tư cùng đăng ký tham gia đấu giá VCG trong đợt này.

Hiện tượng M&A ngược, Cty nhỏ thâu tóm một “ông Tổng” lớn với thương hiệu xây dựng phủ sóng thị trường thủ đô và phía Bắc chắc chắn sẽ còn được nhắc đến nhiều khi tại VCG hậu đấu giá. Ngoài An Quý Hưng, còn có nhà đầu tư mới đã móc hầu bao hơn 2.000 tỷ đồng để sở hữu 94 triệu cổ phần VCG, tương đương hơn 21%, từ tay Viettel.

Vingroup đầu tư 4,2 tỷ USD cho VinFast

p/Vinfast tổ chức ra mắt các mẫu xe ô tô tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội)

Vinfast tổ chức ra mắt các mẫu xe ô tô tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội)

Một trong số các quyết định khiến thị trường “đứng hình” trong 2018 là Vingroup (HoSE: VIC) đầu tư VinFast để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô Việt, điện thoại VSmart và cung cấp ra thị trường các sản phẩm chất lượng cao mang thương hiệu Việt.

Theo kế hoạch, dự án sản xuất ôtô, xe máy điện của VIC dự kiến có tổng vốn đầu tư lên tới 4,2 tỷ USD. VIC đã rót hơn 13.600 tỷ đồng vào VinFast, tăng hơn 12.900 tỷ đồng (tương đương khoảng 580 triệu USD) so với đầu năm.

Cùng với VinFast, VIC cũng đầu tư 1.200 tỷ đồng xây nhà máy sản xuất thiết bị điện tử thông minh để tạo ra các sản phẩm "Made in Vietnam", "Made by Vingroup". Dự kiến nhà máy sẽ hoạt động từ quý II/2019 và có công suất mỗi năm sản xuất từ 3 - 4 triệu sản phẩm.

Với các quyết định khủng nói trên, VIC cũng chính thức công bố chiến lược đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực công nghệ - công nghiệp với mục tiêu đến năm 2028 trở thành một Tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Dịch vụ đẳng cấp quốc tế, trong đó công nghệ chiếm tỷ trọng chính.

Tập đoàn Thaco đầu tư tỷ đô vào Hoàng Anh Gia Lai

p/HAG và Thaco tổ chức Lễ công bố hợp tác chiến lược giữa 2 bên

HAG và Thaco tổ chức Lễ công bố hợp tác chiến lược giữa 2 bên

Ông lớn ngành công nghiệp ô tô, Tập đoàn Trường Hải (Thaco) đã có một cú bắt tay mạnh mẽ với một ông lớn ngành nông nghiệp và từng là thương hiệu lẫy lừng -Hoàng Anh Gia Lai (HoSE, HAG). Cụ thể, Thaco đã bỏ ra 7.800 tỷ đồng đầu tư vào HAG bao gồm sở hữu 30% cổ phần CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) và cổ phần dự án bất động sản tại Myanmar. Đây chỉ là số vốn ban đầu bỏ ra để sở hữu cổ phần, Thaco cam kết sẽ tái cơ cấu khoản nợ 14.000 tỷ đồng của HAG.

Với sự hợp tác của HAG và Thaco, HNG đặt mục tiêu trở thành tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Việt Nam dựa trên 80.000 ha đất có sẵn tại 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

Ở góc độ tài chính, đây là một cú đầu tư có lợi cho HAG khi “giải cứu” Cty này bớt áp lực nợ nần và có thêm nguồn lực phát triển tiềm năng hiện hữu. Phía Thaco, người tham gia “giải cứu” đã tuyên bố chịu trách nhiệm cá nhân là ông Trần Bá Dương – 1 trong 4 tỷ phú USD Việt, sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc tái cấu trúc toàn diện HNG, trong đó có cơ cấu nợ và thu xếp vốn để thực hiện chiến lược bền vững. Thaco và Đại Quang Minh cũng sẽ có lợi khi chịu trách nhiệm chính đầu tư phát triển giai đoạn 2 của dự án HAGL Myanmar với tổng vốn đầu tư ước tính 320 triệu USD tương đương hơn 7.400 tỷ đồng và sẽ hoàn thành vào năm 2020.

Quỹ đầu tư Mỹ rót 370 triệu USD vào Techcombank

p/Việc Warburg Pincus rót vốn vào TCB với giá trị lớn xác nhận ngân hàng tại VN đang được đánh giá triển vọng tích cực

Việc Warburg Pincus rót vốn vào TCB với giá trị lớn xác nhận ngân hàng tại VN đang được đánh giá triển vọng tích cực

370 triệu USD tương đương khoảng 8.400 tỷ đồng là khoản đầu tư từ quỹ Warburg Pincus (Mỹ) vào NHTMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB) trong tháng 3/2018. Đây là khoản đầu tư lớn nhất của quỹ có vốn cổ phần tư nhân, rót vào khu vực Đông Nam Á tính đến thời điểm tham gia TCB. Quỹ đầu tư này đang quản lý tổng tài sản hơn 44 tỷ USD và đầu tư tại Vingroup, VincomRetail với thời gian nắm giữ khá dài hạn.
Việc rót vốn vào TCB với giá trị lớn của Quỹ xác nhận ngân hàng tại Việt Nam đang được đánh giá triển vọng lớn. Đây cũng là cơ hội để TCB thực hiện đợt tăng vốn như kế hoạch trong lộ trình niêm yết tại HoSE năm 2018.

Tại cuối quý III/2018, TCB đã công bố các kết quả tích cực, đặc biệt sau thời điểm lên sàn và có hướng chiến lược kinh doanh với hoạt động tăng trưởng tín dụng phục vụ doanh nghiệp nhở và vừa (DNNVV) ngày càng hiệu quả hơn. Tổng số dư nợ của DNNVV đã tăng 36% trong 3 năm qua, từ 18 ngàn tỷ đồng năm 2016 lên 28 ngàn tỷ đồng vào quý III/2018) và tăng mạnh trong 9 tháng so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, đối với phân khúc doanh nghiệp lớn, tổng dư nợ chỉ tăng 15% (từ 68 ngàn tỷ đồng lên 72 ngàn tỷ đồng). TCB là một trong số ít ngân hàng đã được NHNN chấp thuận nâng mức tăng trưởng tín dụng từ 14% lên đến 20% trong năm 2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Những vụ đầu tư đình đám 2018
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO