Những yếu tố nào sẽ tác động tới kinh tế Việt Nam 9 tháng cuối năm?

Thy Hằng 19/04/2019 16:59

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2019 có thể đạt 6,88%, tuy nhiên nhiều yếu tố biến động của kinh tế thế giới sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), tăng trưởng kinh tế năm 2019 ước đạt 6,88%. Tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,02%. Thặng dư thương mại ở mức 3,1 tỷ USD. Mức tăng giá tiêu dùng trong năm là khoảng 3,71%.

tăng trưởng kinh tế năm 2019 ước đạt 6,88%.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2019 ước đạt 6,88%.

Năm yếu tố tác động

Dù vậy, bức tranh kinh tế năm 2019 được nhận định là rất khác. Tình hình kinh tế thế giới biến đổi hết sức nhanh chóng. “Trong quý I, triển vọng kinh tế thế giới và các nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu xấu đi. Theo đó, xu hướng đảo chiều chính sách từ thắt chặt tài chính sang ứng phó với suy giảm/suy thoái kinh tế đã bắt đầu hiện hữu”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp (CIEM) 

Trước biến động đó, Việt Nam sẽ phải chịu tác động từ nhiều yếu tố. “Đối mặt với triển vọng kinh tế thế giới có nhiều gam màu xám, một nước đang phát triển có độ mở thương mại lớn - khoảng 200% GDP như Việt Nam khó có thể tránh được quan ngại”, ông Dương cho biết.

Theo đó, diễn biến kinh tế vĩ mô trong quý II-IV/2019 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố bên ngoài. Thứ nhất là rủi ro suy thoái của kinh tế Mỹ đã gia tăng. Khảo sát của Wall Street Journal trong tháng 2 cho thấy xác suất suy thoái trong năm 2019, 2020 và 2021 ở Mỹ lần lượt là 24,53%%, 45,7% và 39,1%. Theo đó, lộ trình điều chỉnh lãi suất của Mỹ cũng có thể sẽ được cân nhắc thận trọng hơn. 

Khảo sát của Reuters trong giai đoạn 11-14/3 cho thấy 55% ý kiến dự báo FED tăng lãi suất ít nhất một lần trước quý IV (trong khi lần khảo sát trước cho đồng thuận là tăng lãi suất trong quý II).

Thứ hai, căng thẳng thương mại ở khu vực khó hạ nhiệt. Căng thẳng và đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc còn diễn biến khó lường. Trung Quốc có thể nhượng bộ một số nội dung trong đàm phán, song kết quả đạt được khó có thể giúp đẩy lùi bất đồng giữa hai bên về chính sách thương mại. Mỹ cũng có thể gia tăng căng thẳng thương mại với các nền kinh tế khác (chẳng hạn, Nhật Bản).

Thứ ba, dù kỳ vọng nhiều vào việc phê chuẩn EVFTA, Việt Nam cũng cần lưu ý rằng EU đang rất bận với chương trình nghị sự về thương mại (liên quan đến Brexit, đàm phán thương mại với Mỹ). Bản thân EU cũng đã phê chuẩn hiệp định FTA với Nhật Bản trong quý I, nên nhu cầu phê chuẩn sớm một FTA khác có thể giảm bớt. 

Thứ tư, hàng xuất khẩu của Việt Nam có thể phải đối mặt với nhiều hàng rào kỹ thuật hơn ở các thị trường nước ngoài, kể cả thị trường CPTPP.

Thứ năm, thị trường tài chính quốc tế có thể còn phản ứng nhanh và quá mức trước những diễn biến bất lợi, đặc biệt liên quan đến các vấn đề địa chính trị, v.v., qua đó ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và dòng vốn vào/ra Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • Qúa trình cắt giảm điều kiện kinh doanh… đang chững lại

    Qúa trình cắt giảm điều kiện kinh doanh… đang chững lại

    15:05, 19/04/2019

  • Nguy cơ tổn thương kinh tế toàn cầu

    Nguy cơ tổn thương kinh tế toàn cầu

    11:05, 17/04/2019

  • Tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt tới 6,9%

    Tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt tới 6,9%

    09:44, 17/04/2019

  • Động lực từ kinh tế tư nhân

    Động lực từ kinh tế tư nhân

    07:00, 14/04/2019

Thiếu thị trường, thừa nhà nước

Do đó, ông Dương cho rằng, Việt Nam cũng thận trọng hơn trong đánh giá triển vọng kinh tế toàn cầu để hoạch định các chính sách ứng phó. “Các kịch bản trước có thể chỉ tập trung về rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô và/hoặc chiến tranh thương mại, giờ đây phải tính thêm cả khả năng suy thoái kinh tế Mỹ kéo theo suy thoái kinh tế toàn cầu. Chúng ta phải cân nhắc nhiều kịch bản hơn”, ông Dương lưu ý.

Theo ông Dương, trong bối cảnh hiện nay, dư địa chính sách bị mất đi mà có thể không mang lại hiệu ứng kinh tế như kỳ vọng khi ra quyết định. Chính ở đây, việc lựa chọn thời điểm can thiệp chính sách đòi hỏi phải có sự bình tĩnh, kinh nghiệm và cân nhắc thấu đáo hơn.

Đồng tình rằng, Việt Nam vẫn còn phải xử lý không ít thách thức, chủ yếu là về nền tảng kinh tế vi mô, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM lo lắng chỉ rõ: “Chúng ta thiếu thị trường, thừa nhà nước, nên phải cải cách nhiều hơn nữa. Đang rất nhiều nhóm lợi ích đan xen nhau, nên cải cách là va vào các nhóm lợi ích, nên cực kỳ khó cho cải cách”.

Ngay cả với CPTPP, các hướng dẫn và sửa đổi luật còn chậm thực hiện, dù lãnh đạo cấp cao và doanh nghiệp kỳ vọng khá nhiều. Quan trọng hơn, hiệu lực thực thi chính sách vẫn chậm được cải thiện.

Việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên nhắc lại những nhóm giải pháp trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội phần nào cho thấy sự sát sao, song mặt khác cũng cho thấy các nhóm giải pháp chưa được nhận thức và/hoặc thực hiện đầy đủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Những yếu tố nào sẽ tác động tới kinh tế Việt Nam 9 tháng cuối năm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO