Tối 16/9, mạng xã hội Việt Lotus đã có một buổi ra mắt rầm rộ. Lotus liên tục nhấn mạnh chiến lược “lấy nội dung làm vua”, coi đó như là lợi thế khác biệt để cạnh tranh với Facebook.
Tối 16/9, mạng xã hội Việt Lotus đã có một buổi ra mắt rầm rộ. VCCorp, “chủ nhân” của Lotus liên tục nhấn mạnh chiến lược “lấy nội dung làm vua, và lấy nội dung đó phục vụ thượng đế”, coi đó như là lợi thế khác biệt để cạnh tranh, tránh đối đầu trực diện với Facebook.
Lotus không phải là mạng xã hội đầu tiên nhấn mạnh vào nội dung, lấy nội dung tốt làm cốt lõi. Nhưng tới bây giờ, các dự án mạng xã hội nội dung tốt thường không đủ sức đứng vững trước những mạng chia sẻ kiểu Facebook, Twitter, kể cả nó là “đứa con” của chính những người tạo ra mạng chia sẻ đó.
Thử nghiệm để hoàn thiện
Ngay sau khi mạng xã hội Lotus đã chính thức ra mắt bản dùng thử mở rộng (Open Beta) dự kiến kéo dài từ 3 đến 6 tháng, không ít người đã tải về để trải nghiệm và có những đánh giá về mạng xã hội “Made in VietNam” này.
Một tài khoản chia sẻ: Mỗi lần nói chuyện với bạn bè bên Hàn Quốc là họ lại ghen tị khi Hàn Quốc có Naver - một MXH thông tin khổng lồ mà ai ở đất nước này cũng phải biết. Người ta nghe nhạc, xem phim, mua đồ, cập nhật những thông tin nhanh nhất đều qua đây. Hi vọng tính năng Trending mà Lotus giới thiệu sẽ thực sự vừa trực quan, nhanh chóng và mang tính thời sự cao như Naver.
Trong khi đó, nhiều góp ý cho rằng, Lotus nên thêm một tool cho vote up và vote down kiểu như trên Reddit. Tính năng này sẽ giúp người dùng phải tự xem xét trước khi “phát ngôn” bởi tính năng vote down.
Lotus luôn khẳng định mình sẽ đi vào thị trường ngách, tránh đối đầu với Facebook.
Bên cạnh một số nhận xét về nút đăng bài hơi khó để nhìn thấy, News Feed hiện quá nhiều thông tin người dùng không quan tâm… một số tài khoản nhận xét: “App vẫn còn một số lỗi như chưa ưu tiên người dùng, giải trí như các fanpage tổng hợp lại, tính năng thông báo bị lỗi… Nên tích hợp danh bạ điện thoại vào để bạn bè có thể tìm nhau dễ hơn”...
Trước đó, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc Công ty CP VCCorp cho biết mạng xã hội Lotus trong giai đoạn Open Beta là phiên bản thử nghiệm, chưa phải là bản chính thức, do vậy sẽ còn một số lỗi và nhiều vấn đề phát sinh thêm mà chính đội ngũ phát triển cũng chưa thể lường trước hết được. Chính vì vậy, mạng xã hội Lotus cần đến sự góp ý, quan sát và đánh giá từ chính người dùng, những người trực tiếp trải nghiệm sản phẩm, để nhờ họ giúp phát hiện ra những lỗi này nhằm tìm cách khắc phục.
Nội dung là chưa đủ
Lotus liên tục nhấn mạnh chiến lược “lấy nội dung làm vua, và lấy nội dung đó phục vụ thượng đế”, coi đó như là lợi thế khác biệt để cạnh tranh, tránh đối đầu trực diện với Facebook. Nhưng lựa chọn này có thực sự phù hợp?
Năm 2010, nhà đồng sáng lập Twitter, Evan William từ bỏ vị trí CEO ở Twitter, nơi biến ông thành tỷ phú, để tập trung vào một dự án mà ông gọi là “khắc phục lại thế giới nội dung trên mạng”.
Hai năm sau, ông trình làng Medium, “một nơi tập trung phục vụ những người tạo và xem nội dung”. Medium có những công cụ tạo và trình bày bài viết đẹp, dễ dàng, đa dạng, đồng thời mời được về một số lượng lớn các cây viết chất lượng có tiếng trong giới nội dung lúc bấy giờ. Như một hệ quả tất yếu, các bài viết trên Medium rất chất lượng và người vào cũng đông dần.
Nhưng rất nhanh, Medium rơi vào khủng hoảng, phải sa thải 1/3 số nhân viên chỉ trong 1 ngày, dù nó được lèo lái dưới tay một người có đủ cả tài năng, kinh nghiệm lẫn trình độ công nghệ và tiền bạc như William. Mô hình “nội dung quan trọng” như của Medium không bùng nổ được vì đã không chinh phục được một yếu tố rất quan trọng của một mạng xã hội: Sự tương tác.
Các bài viết trên Medium rất chất lượng, đôi khi còn vượt cả các báo hàng đầu thế giới. Nhưng chính vì chất lượng, quá tốt như vậy thành ra… không có gì để tương tác. Thành thử, các bài viết trên Medium bây giờ vẫn nhiều, vẫn tốt, nhưng tương tác lại vắng hoe.
Tương tác mới là điều tạo nên cộng đồng mạng như của Facebook. Khởi nguồn của Facebook chỉ là một trang cho mấy cậu sinh viên vào bình phẩm các cô gái trong trường mà không có một nội dung “tử tế” nào cả. Không ngờ mọi người lại hưởng ứng nhiệt tình quá, biến đó thành nơi trò chuyện, kết nối, chia sẻ với nhau. Những tương tác đó tạo nên một Facebook hùng mạnh như bây giờ.
Lotus luôn khẳng định mình sẽ đi vào thị trường ngách, tránh đối đầu với Facebook. Có thể đó là lí do khiến Lotus chọn con đường “sửa sai” cho Facebook. Họ cho rằng, trên Facebook có quá nhiều nội dung rác, ít nội dung tốt nên đã theo chiến lược đi ngược lại, lấy nội dung tốt làm trung tâm. Vô hình trung, họ lại đi vào con đường mà Facebook đã sa vào và muốn tránh xa. Có thể Lotus sẽ rơi vào một mô hình đã từng thất bại trước đó như Medium.