Lâu lắm rồi, tại một hội nghị của ngành mà người chủ trì là Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn đề nghị không bàn về thành tích, về thắng lợi mà nhìn vào những tồn tại, bất cập để tháo gỡ.
Đặc biệt, Thủ tướng nêu ra 5 câu hỏi lớn để thúc đẩy xuất khẩu.
Thứ nhất, làm sao để doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia mạnh mẽ và chuyển dịch lên chuỗi giá trị toàn cầu, chứ không chỉ có tôm đông lạnh, cá phi-lê… không chỉ có chế biến thô.
Thứ hai, có sáng kiến gì để chỉ ra và loại bỏ những nút thắt lớn trong xuất khẩu, “có bao nhiêu rào cản mà ngành hàng của các đồng chí đang vấp phải”. Nếu “hôm nay, các đồng chí không phát biểu được hết hay nhiều khi ở hội nghị các đồng chí tế nhị thì viết thư gửi Bộ trưởng, gửi Thủ tướng để đưa sáng kiến tháo gỡ”, Thủ tướng bày tỏ.
Thứ ba là làm sao để doanh nghiệp Việt Nam có thể nắm bắt được thông tin thị trường, quy định pháp luật ở nước ngoài, những cơ hội và rủi ro, những định hướng thị trường đối với sản xuất, xuất khẩu. Các cơ quan ngoại thương, ngoại giao cần làm gì? Cục Xúc tiến thương mại hoạt động như thế nào cho hiệu quả? Vai trò của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đến đâu? Công tác tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng trong thực hiện quy định như thế nào, yêu cầu chất lượng hàng hóa, quản lý truy xuất nguồn gốc ra sao? Cục Cạnh tranh quốc gia cần phải làm gì để chủ động hơn trong bối cảnh hiện nay?
Thứ tư là tiếp tục phát triển thị trường, tạo cầu cho hàng hóa thế nào, “những hiệp định, ưu đãi thuế có liên quan đến sản xuất trong nước thì các đồng chí có biết rõ không, cần có thông tin gì?”
Thứ năm, khâu nào là khâu yếu của Việt Nam trong xuất khẩu hiện nay, ngoại ngữ, hay pháp luật, hay chất lượng, hay cả ba để đề xuất những chiến lược tổng quan của nước ta để đẩy mạnh xuất khẩu, làm sao để có hệ thống chứ không để rời rạc, “lúc bí chỗ này, lúc gỡ chỗ kia”?. Bức tranh lớn về xuất khẩu cần được tiếp cận như thế nào?
Năm 2017, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD. Tính chung cả năm, xuất khẩu đạt 214 tỷ USD, tăng 21,2% so với năm 2016, vượt xa chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành Công Thương. Tuy nhiên, việc Thủ tướng đề nghị không bàn về thành tích và đặt ra hàng loạt câu hỏi cho thấy những hàm ý về dư địa xuất khẩu hàng hoá còn rất lớn, có thể vượt xa rất nhiều so với co số hiện tại. Các câu hỏi của Thủ tướng cũng chính là những đòi hỏi cấp thiết. Chính vì vậy, Thủ tướng sẽ ban hành Chỉ thị về một số giải pháp phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới.