Các quốc gia ở Nam bán cầu đang nhận được chú ý trong bối cảnh phương Tây và Trung Quốc- Nga đang đối đầu ngày càng sâu sắc.
>>Nhật Bản - Ấn Độ xích lại gần nhau vì lo Trung Quốc?
Trong nhiều trường hợp, việc các quốc gia mới nổi và đang phát triển tại khu vực này đều không lựa chọn đứng về bên nào đã làm ảnh hưởng đáng kể đến việc tranh giành quyền lực toàn cầu.
Giới quan sát nhận định, khi nhắc đến việc gây ảnh hưởng đến Nam bán cầu, Trung Quốc dường như đang nắm giữ lợi thế. Vào đầu tháng 3, Bắc Kinh đã làm trung gian hòa giải giữa hai đối thủ trong khu vực là Saudi Arabia và Iran.
Trung Quốc dường như cũng đang cố gắng thúc đẩy một lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine, với chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nga vào tháng 3 có thể báo hiệu sự khởi đầu của nỗ lực này.
Theo bình luận viên của Nikkei Asia Hiroyuki Akita, Bắc Kinh từ lâu đã tìm cách tăng cường tầm ảnh hưởng toàn cầu bằng cách sử dụng mối quan hệ với các nước đang phát triển làm bàn đạp. Theo một nguồn tin ngoại giao của Liên Hợp Quốc, Trung Quốc nhiều lần tổ chức các cuộc họp trong khuôn khổ "G-77 cộng với Trung Quốc" và kêu gọi đoàn kết.
Được biết, nhóm 77, hay G-77, được thành lập vào năm 1964 bởi 77 quốc gia đang phát triển ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh và Caribe. Hiện có hơn 130 thành viên G-77.
Hơn nữa, Trung Quốc đã mở rộng ảnh hưởng của mình bằng cách cung cấp hỗ trợ tài chính khổng lồ cho phát triển cơ sở hạ tầng ở châu Á và châu Phi theo Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) kể từ những năm 2010.
Tuy nhiên, Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với những cơn gió ngược khi Sáng kiến BRI đã khiến Sri Lanka và một số quốc gia châu Phi phải vật lộn với những khoản nợ khổng lồ. Các dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở các quốc gia đối tác BRI khác cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
>>NATO "xoay trục" đối đầu Trung Quốc ở châu Á- Thái Bình Dương?
Trong bối cảnh này, Ấn Độ đang ngày một vươn lên để củng cố vị trí dẫn dắt trong khu vực khi quốc gia này giữ chức Chủ tịch luân phiên của Nhóm 20 nền kinh tế lớn trong năm nay.
Cụ thể, tại Đối thoại Raisina thường niên, trong các cuộc thảo luận mở và kín, các quan chức Ấn Độ đã nhiều lần khẳng định một số vấn đề với tư cách là Chủ tịch G20. Ấn Độ sẽ giúp tăng cường sự chú ý của phương Tây vào các nước đang phát triển và thúc đẩy các giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề của những quốc gia này.
Trước đó, chính phủ Ấn Độ cũng đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh “Tiếng nói phía Nam” vào tháng 1/2023. Dù chỉ mời hơn 120 quốc gia nhưng Trung Quốc không nằm trong số các quốc gia được mời. Một quan chức Ấn Độ cho biết, "Hội nghị thượng đỉnh này cũng là cơ hội để các quốc gia không tham gia G20 chia sẻ ý tưởng và kỳ vọng của họ thông qua cơ chế này với G20”.
Có thể thấy, Ấn Độ đang sẵn sàng cạnh tranh với Trung Quốc để trở thành quốc gia dẫn dắt ở Nam bán cầu. Các chuyên gia về chính sách đối ngoại cho biết, Thủ tướng Ấn Độ Modi có chiến lược của riêng mình.
Trong thời gian chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G-20 vào tháng 9 năm nay, Ấn Độ sẽ tổ chức các cuộc thảo luận về nợ, lương thực, năng lượng và các vấn đề cấp bách khác với các nước. Sau đó, Ấn Độ sẽ phối hợp với Mỹ, châu Âu và Nhật Bản để đề xuất giải pháp cho các vấn đề trên trong hai ngày gặp gỡ các nhà lãnh đạo khối G20.
Ông Shivshankar Menon, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ nhận định, Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm vấn đề nợ của các nước đang phát triển, trong khi phương Tây đang mắc kẹt trong cuộc chiến ở Ukraine. Do đó, những động thái nói trên sẽ thể hiện Ấn Độ là một tiếng nói hàng đầu thay mặt cho các nước đang phát triển. Đây là thời điểm thích hợp để Ấn Độ đi đầu trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu.
Chuyên gia này nói thêm, xét về sức mạnh kinh tế, rõ ràng Trung Quốc có lợi thế hơn Ấn Độ. Tuy nhiên, Ấn Độ cũng có thế mạnh riêng. Quốc gia này có thể phối hợp chặt chẽ với phương Tây vì lợi ích của Nam bán cầu.
Ấn Độ, Nhật Bản, Mỹ và Australia đã cùng tham gia nhóm Bộ tứ Quad. New Delhi cũng có quan hệ tốt với châu Âu. Ngược lại, Trung Quốc đang mắc kẹt trong một cuộc cạnh tranh với Mỹ và mối quan hệ xa cách với phương Tây. Điều này đã cản trở quốc gia này kết nối phương Tây với các nước đang phát triển tại khu vực châu Á.
Cùng với đó, ngoài vấn đề nợ nần với một số nước đang phát triển, Trung Quốc còn bất hòa với một số quốc gia Đông Nam Á về quyền lãnh thổ ở Biển Đông.
Theo một nguồn tin ngoại giao, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây đã kiềm chế trong việc thúc ép Ấn Độ thực hiện các biện pháp trừng phạt chống lại Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine. Điều này là do Washington cho rằng Ấn Độ có thể đóng vai trò là cầu nối tốt hơn giữa Mỹ và khu vực Nam bán cầu nếu quốc gia này giữ thái độ trung lập.
Khi Nhật Bản giữ chức chủ tịch luân phiên của Nhóm G7 trong năm nay, giới quan sát kỳ vọng rằng Ấn Độ và Nhật Bản, với tư cách là Chủ tịch G-20 và G-7, sẽ tăng cường quan hệ đối tác và mở đường cho sự hợp tác của phương Tây với các nước đang phát triển.
Có thể bạn quan tâm