Ngày 6/4, UBND thành phố Hải Phòng phối hợp VCCI Hải Phòng tổ chức Hội nghị Doanh nghiệp khu vực Duyên hải phía Bắc năm 2018. Hội nghị có sự tham gia của hơn 500 doanh nghiệp và nhận được rất nhiều ý kiến, kiến nghị của hiệp hội các tỉnh.
Năm 2017, khu vực Duyên hải phía Bắc đã có 8.168 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 54.997 tỷ đồng, tăng 24,34% về số lượng doanh nghiệp và 10,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt, có hơn 2.088 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Liên kết doanh nghiệp thông qua vai trò Hiệp hội
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: Tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2017 sẽ là thách thức cho tăng trưởng 2018, nhất là trong bối cảnh tài nguyên cạn kiệt, công nghiệp chế tạo khó có đột phá mới, nông nghiệp vẫn đứng trước rủi ro lớn do tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu... Lợi thế về lao động giá rẻ đang mất đi nhanh chóng do tác động của cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam đưa ra mục tiêu đến năm 2020 trở thành một trong 3 nền kinh tế có năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh hàng đầu ASEAN, nhưng thực sự không dễ dàng và rất khó khăn nếu không có quyết tâm và tinh thần cải cách.
Để thực hiện được mục tiêu này, cần đến sự nỗ lực của bản thân mỗi doanh nghiệp, sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp nội địa thông qua vai trò của các Hiệp hội ngành nghề. Đồng thời, nỗ lực tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi từ chính sách Nhà nước, tăng cường thông tin chính sách giúp doanh nghiệp giảm thiểu các rủi ro từ chính sách pháp luật.
VCCI sẽ nỗ lực hơn nữa để mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho hội viên và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, tăng cường thông tin chính sách pháp luật giúp doanh nghiệp giảm thiểu các rủi ro từ chính sách pháp luật.
Nếu các Hiệp hội liên kết được các doanh nghiệp trong từng ngành thì có thể giảm bớt cạnh tranh không lành mạnh về việc làm, lao động (tranh mua, tranh bán, nâng lương để thu hút lao động...), đồng thời hạ được giá mua – khi tập trung mua với số lượng lớn thì nhà cung cấp có thể có giá tốt hơn (Mua bông trong ngành dệt, mua vải, mua bao bì, mua chỉ trong ngành may.. ). Ngoài ra, cũng chia sẻ được thiết bị, công nghệ và sáng kiến; hỗ trợ được việc làm lúc thừa lúc thiếu.
Trong từng vùng (huyện, tỉnh), nếu có hội doanh nghiệp hoạt động tốt, liên kết được các doanh nghiệp thì thị trường có thể mở rộng (các doanh nghiệp có thể trở thành khách hàng của nhau; hoặc trở thành đầu mối cung cấp các chi tiết phụ trợ cho nhau).
Từ những nhận định trên, ông Nguyễn Xuân Dương – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên khẳng định, sự phát triển nền kinh tế số, kinh tế chia sẻ hiện nay đang là xu thế tất yếu của nền kinh tế toàn cầu. Doanh nghiệp Việt Nam hầu hết đang ở quy mô nhỏ và rất nhỏ. Vì thế để đáp ứng được yêu cầu phát triển và cạnh tranh thì sự liên kết ngành, lên kết doanh nghiệp, liên kết hội là rất cần thiết.
Vai trò của Hiệp hội trong phát triển doanh nghiệp
Ông Đào Duy Hảo, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Phát triển tập thể tạo sức mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp giúp chúng tôi đoàn kết hơn, xác định được những vấn đề lớn và trọng tâm, có tác động lan tỏa đến quyền lợi và sự phát triển của nhiều hội viên. Đây là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới kết quả của công tác phát triển hội viên tại tỉnh Quảng Ninh.
"Bên cạnh sự phát triển của Hiệp hội, thì chất lượng của Hiệp hội mới là nhân tố quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ cải cách môi trường kinh doanh ở Quảng Ninh. Chất lượng ở đây thể hiện qua cách thức vận hành và hoạt động thực chất của hiệp hội. Có lẽ tỉnh Quảng Ninh nằm trong số không nhiều các tỉnh, thành phố, mà tại đó đại diện hiệp hội doanh nghiệp được tham dự đầy đủ hầu hết các buổi thảo luận, hội nghị và sự kiện liên quan đến quy hoạch, lập chiến lược, chương trình cải cách của tỉnh", ông Hảo nhấn mạnh.
Đối với cộng đồng doanh nghiệp khu vực Duyên hải phía Bắc, ông Phí Văn Dực, Giám đốc Chi nhánh VCCI Hải Phòng cho biết, VCCI Hải Phòng sẽ tập trung tổ chức các cuộc đối thoại với doanh nghiệp để tiếp tục tập hợp và đề xuất với các cơ quan chức năng những phản ánh và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp về kiến tạo môi trường chính sách thuận lợi; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
VCCI Hải Phòng tăng cường triển khai công tác đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng dần quy mô các chương trình đào tạo chất lượng cao để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Trong khi đó, ông Trần Văn Quang – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận đất đai, lãi suất ngân hàng. Việc tiếp cận với các nguồn hỗ trợ từ các nguồn quỹ của nhà nước còn rất khó khăn, cần sớm được tháo gỡ về thủ tục để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Để đạt được sự kỳ vọng của doanh nghiệp, ông Quang đề xuất: Để phát triển doanh nghiệp, cần có một cơ chế tạo điều kiện hỗ trợ và khuyến khích để các hộ kinh doanh chuyển đổi đăng ký hoạt động theo luật doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần tăng cường cung cấp phổ biến thông tin, đào tạo bồi dưỡng cập nhật kiến thức pháp luật, năng lực quản trị doanh nghiệp, giúp cho doanh nghiệp đáp ứng kịp thời cơ chế thị trường để nâng cao khả năng hội nhập, tiếp cận mở rộng thị trường... Ngoài ra, cần khẩn trương ban hành các quy định thực hiện Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mới có hiệu lực để các doanh nghiệp nhỏ và vừa sớm được tiếp cận với các hỗ trợ của nhà nước giúp cho sản xuất –kinh doanh được thuận lợi…
Nhiều kiến nghị chưa được giải quyết triệt để
Ông Trần Tiến Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng cho biết: Về vấn đề liên quan đến vận tải chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần đến Chính phủ, các bộ, ngành nhưng chưa được xem xét, giải quyết triệt để, mới chỉ giải quyết ở góc độ kính chuyển các cơ quan chuyên môn xem xét.
Cụ thể, sự phát triển đội xe quá nóng từ hơn 7.000 đầu xe năm 2014 tăng lên 15.000 đầu xe năm 2016 do thiếu định hướng khiến ngành vận tải đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Xe thừa, hàng thiếu dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu, nhiều phương tiện phải dừng đỗ do không có hàng hoặc phải bán xe để trả nợ ngân hàng do thu không bù được chi phí. Bởi, vận tải hàng hóa đường bộ đang phải chịu rất nhiều loại phí và lệ phí. Vì vậy, Hiệp hội này đã đề xuất Chính phủ, Bộ GTVT thường xuyên cập nhật thông tin để dự báo tình hình sát với thực tế để có khuyến cáo các doanh nghiệp về đầu tư nguồn nhân lực, phương tiện phù hợp, tránh tình trạng các doanh nghiệp đầu tư thụ động kém hiệu quả.
Bên cạnh đó, hiện nay tình trạng chở hàng quá tải trên một số tuyến đường lại xuất hiện. Đặc biệt, tại các bến thủy nội địa, các sà lan vận chuyển hàng tập kết xếp lên xe vượt quá tải trọng từ 100 - 150%, khiến cho các doanh nghiệp chấp hành chở đúng tải có nguy cơ mất hàng do không cạnh tranh được với giá chở quá tải. Do đó, Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng đề nghị VCCI báo cáo Chính phủ, Bộ GTVT cần duy trì các trạm cân ở một số tuyến đường có mật độ phương tiện qua lại nhiều hoặc tại các trạm thu phí cầu đường. Đồng thời, triển khai các trạm cân tự động để kiểm soát tải trọng cũng như kiểm tra xử lý nghiêm các xe chở hàng quá tải và ngăn chặn hành vi vi phạm chở quá tải.
Ngoài ra, phí bảo trì đường bộ hiện nay là quá cao không phù hợp với thu nhập của người dân, doanh nghiệp. Các dự án BOT nên cho làm hoàn toàn mới, nâng cấp hoàn toàn mới thì đặt BOT là hợp lý. Còn nếu chỉ trải 1 lớp nhựa rồi thu phí như quốc lộ 5A thời gian qua thì chưa hợp lý bởi vì các phương tiện vận tải khi đi đăng kiểm đã phải đóng phí bảo trì đường bộ nay lại phải cõng thêm phí BOT của tuyến đường này. Như vậy, tình trạng phí chồng phí lại đổ lên đầu các doanh nghiệp.