Việc huy động vốn vào start-up do nữ sáng lập thường khó khăn hơn so với đồng nghiệp nam. Nhưng, vấn đề không nằm ở... giới tính.
Hustle Fund là quỹ đầu tư được thành lập vào năm 2017 bởi Elizabeth Yin và Eric Bahn (từng là nhà đầu tư dày dặn kinh nghiệm của Quỹ 500 Start-ups, Mỹ). Quỹ này đã đầu tư vào khoảng 200 công ty ở Bắc Mỹ, Đông Nam Á, trong đó có 8 start-up Việt Nam (như Vietcetera, ứng dụng sách nói bản quyền Fonos, Datbike,…).
Mai Hồ, nhà đầu tư tại Quỹ Hustle, phụ trách thị trường Việt Nam và Đông Nam Á cho biết, số lượng nữ tham gia thành lập công ty công nghệ thường rất ít. Trong 8 start-up Hustle đầu tư với có 20 sáng lập thì chỉ có 2 người là nữ.
Và nhìn chung, 95% số đơn gửi đến Hustle để gọi vốn đều do nam giới phụ trách.
Mai Hồ sinh ra, lớn lên tại Việt Nam trước khi theo học ngành tài chính và kế toán tại Mỹ. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc tại London, Singapore và San Francisco (Mỹ), ở khá nhiều vị trí công việc, từ nghiên cứu thị trường tài chính tại Goldman Sachs cho đến lãnh đạo mảng phát triển thị trường cho các công ty công nghệ, start-up tại Thung lũng Silicon, Mai nhận ra, nữ giới luôn nằm ở nhóm thiểu số.
“Khi bạn thuộc nhóm thiểu số về mặt giới tính, tuổi tác, màu da, thì luôn có những rào cản vô hình kìm hãm sự phát triển của bản thân. Sự nghiệp vì thế cũng bị ảnh hưởng”, Mai Hồ chia sẻ.
Nhưng, Mai tự nhận là may mắn khi có nhiều người hỗ trợ, đặc biệt là có nhóm cố vấn luôn dành thời gian hỗ trợ, giúp giữ vững lòng tin. Các chuyên gia cố vấn này hiểu rằng, phụ nữ luôn phải đối mặt với một số rào cản khi tham gia vào nền kinh tế, cả ở góc độ xã hội cũng như gia đình. Quan niệm phụ nữ thuộc về nhà của họ chứ không phải ở nơi làm việc không phải hiếm.
Câu chuyện của Xuân Nguyễn cũng tương tự. Khi chưa khởi nghiệp với Chuỗi bánh mì 362 (có 11 cửa hàng tại Việt Nam và Hàn Quốc), hay ứng dụng sách nói Fonos, Xuân Nguyễn đều xác định rõ cần phải tìm người cố vấn. Việc lựa chọn và theo học hỏi chuyên gia cố vấn nào là phù hợp phụ thuộc vào việc xác định nhu cầu và khả năng tìm kiếm thông tin của người khởi nghiệp. Nhưng học hỏi thế nào cũng là một bài học kinh nghiệm không dễ chuyển giao.
“Tôi từng xin làm thư ký không công trong 9 tháng để vừa làm, vừa học từ chuyên gia mà tôi chọn. Được cùng làm việc đã là một lợi ích cho tôi. Thật ra, có rất nhiều cách thuyết phục người cố vấn, thành công hay không phụ thuộc vào sự nhạy cảm của từng người”, đồng sáng lập Fonos nói.
Từng ở vị trí Giám đốc Quỹ DFJ VinaCapital, bà Thái Vân Linh có nhiều kinh nghiệm về việc tìm kiếm người cố vấn trong những mối quan hệ đang được duy trì, ví dụ người lãnh đạo, quản lý hiện tại. Đây là những người biết khá rõ năng lực, giới hạn của nhân sự và từ đó có thể đưa ra những lời khuyên hay bài học kinh nghiệm liên quan.
“Để ‘sếp’ trở thành cố vấn, bạn phải luôn ý thức, làm gì cũng phải nỗ lực hết sức. ‘Sếp’ hiện tại có thể là cố vấn đầu tiên cho bạn trước khi bước vào khởi nghiệp”, bà Linh chia sẻ.
Lớn lên ở Mỹ và chuyển về Việt Nam được hơn 10 năm, phần nửa thời gian hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, có quãng thời gian dài đầu quân tại nhiều tổ chức, bà Thái Vân Linh khởi nghiệp với Rita Phil khi 35 tuổi. Đây là start-up chuyên thiết kế và sản xuất trang phục cưới, chân váy theo số đo.
Dù kinh nghiệm như vậy, nhưng bà Linh cũng không “miễn nhiễm” với các thử thách trong việc huy động vốn như bao phụ nữ ở vai nhà sáng lập dự án khởi nghiệp.
“Nếu nhà đầu tư khó hình dung được thị trường, không thể cảm giác được nhu cầu của khách hàng dù số liệu chứng minh được phần nào. Nếu nhà đầu tư mà không thẩm thấu được sản phẩm, họ sẽ không thể ra quyết định đầu tư”, bà Linh chia sẻ. Để nhà đầu tư hiểu, đó là năng lực của nhà sáng lập start-up.
Nếu sự linh loạt, mềm dẻo được xem là lợi thế của phụ nữ, thì họ sẽ biết cách chọn lựa và phối hợp sao cho vừa nhất với doanh nghiệp do mình sáng lập
Chia sẻ thêm về thách thức của nữ giới khi ở vai trò nhà sáng lập của dự án, Xuân Nguyễn cho biết khi vừa ra trường, cô cùng một nhóm bạn mở một dự án trong lĩnh vực y tế. Khi đó, đối tác của dự án thường là các doanh nghiệp lâu năm, được dẫn dắt bởi những người đàn ông lớn tuổi, được nể trọng. Ở vị trí giám đốc điều hành, cùng đội ngũ tham gia hầu hết buổi gặp mặt, thương lượng, Xuân cảm nhận thái độ ngạc nhiên của không ít người.
“Họ ngầm thắc mắc, tại sao người ‘đứng mũi chịu sào’ của doanh nghiệp đã trẻ, lại là nữ, liệu có làm nên trò trống gì không? Tôi đành phải đi cùng đồng nghiệp nam trong những cuộc họp quan trọng”, Xuân Nguyễn kể. Người nghe thấy thoải mái hơn khi... đàn ông diễn thuyết.
Tất nhiên, cách tìm người “thế thân” như Xuân chỉ nên là việc đặng chẳng đừng.
Được mệnh danh là "bà mối" của các thương vụ khởi nghiệp cũng là một trong những thành viên đầu tiên lập Lauch – cộng đồng với hơn 47.000 tài khoản thành viên trên Facebook, Lê Huỳnh Kim Ngân cho rằng, nữ giới nên điều hành doanh nghiệp theo cách riêng của mình. Vì lâu nay, tính linh loạt, mềm dẻo luôn được xem là lợi thế của phụ nữ, vấn đề là cách chọn lựa cho vừa vặn với doanh nghiệp.
“Tại sao không khuyến khích bạn trai, chồng của nữ sáng lập hỗ trợ người bạn đời khi cần. Tại sao không để nam giới chia sẻ kinh nghiệm quản lý gia đình?”, Kim Ngân đặt vấn đề.
Ở góc độ khác, phụ nữ cũng phải học cách nói cùng “ngôn ngữ” với đồng nghiệp để không lệch pha khi làm việc.
“Giới tính không phải vấn đề lớn nhất trong công việc, mà là không cùng ngôn ngữ. Một đối tác thiếu nghiêm túc, thiếu không trách nhiệm hay truyền tải vấn đề không rõ ràng… thì dù là nam hay nữ cũng không thành công”, Ngân thẳng thắn.
Thực tế trải nghiệm chứng minh, nỗ lực và tài năng của nhà sáng lập mới là điểm thu hút các nhà đầu tư…