Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) thông báo cổ phiếu OCB của Ngân hàng TMCP Phương Đông sẽ chính thức giao dịch từ ngày 28/1.
Theo đó, gần 1,1 tỷ đơn vị cổ phiếu của OCB sẽ chính thức giao dịch trên sàn HoSE từ ngày 28/1, với giá tham chiếu là 22.900 đồng/cổ phiếu. Biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên là 20% so với giá tham chiếu.
Kế hoạch niêm yết cổ phiếu OCB tại HoSE được ĐHCĐ thường niêm năm 2020 phê duyệt hồi tháng 6/2020. Sau đó, OCB được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ vào đầu tháng 10/2020 và hoàn tất tăng vốn từ hơn 8.760 tỷ đồng lên gần 10.960 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019.
Theo lãnh đạo OCB, việc niêm yết trên sàn chứng khoán là một bước tiến lớn đối với cổ phiếu của ngân hàng, giúp các nhà đầu tư có thể dễ dàng thực hiện giao dịch tại sàn giao dịch chứng khoán tập trung nhằm tăng tính thanh khoản. Bên cạnh đó, hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc tiếp cận thông tin về tổ chức niêm yết tốt hơn.
Về kết quả kinh doanh, sau 11 tháng năm 2020, OCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 3.830 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn 18% so với lợi nhuận năm 2019. Thu thuần từ dịch vụ tăng tới 42%.
Tới cuối tháng 11/2020, huy động trên thị trường 1 (từ dân cư và tổ chức kinh tế) ở mức 101.321 tỷ đồng, tăng 18% so với cuối năm trước. Dư nợ trên thị trường đạt 86.543 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ 2019. Tổng tài sản tăng 13% so với cuối năm 2019 đạt 133.923 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tăng 47% lên 16.969 tỷ đồng.
Về nợ xấu, năm 2018, OCB chính thức tất toán toàn bộ trái phiếu đặc biệt tại VAMC và trở thành một trong những ngân hàng sạch nợ VAMC sớm nhất hệ thống. Tỷ lệ nợ xấu lúc này ở mức 2,29% và tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã tiến đến ngưỡng trung bình ngành, đạt 44%.
Sang đến năm 2019, tỷ lệ nợ xấu của OCB tiếp tục giảm về 1,84%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức 55%.
Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm 2020, tổng nợ xấu của OCB tăng 30%, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn tăng 35%, nợ nghi ngờ tăng 81% và nợ có khả năng mất vốn tăng 11%. Điều này đã khiến OCB không thể duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 2% mà thay vì đó là tăng lên 2,15%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 54%.
Cũng trong năm 2020, OCB đã tạo dấu ấn trên thị trường tài chính với thương vụ phát hành cổ phiếu tăng vốn cho đối tác chiến lược nước ngoài Aoroza Bank.
Ngân hàng đến từ Nhật Bản này đã đầu tư khoảng 160 triệu USD để sở hữu 15% vốn cổ phần của OCB. Đây là một trong những thương vụ được bình chọn lọt Top 10 thương vụ M&A tiêu biểu của năm 2020.
Sau giao dịch trên, Tổng công ty Bến Thành không còn là cổ đông lớn của OCB khi tỷ lệ sở hữu giảm từ 5,51% xuống 4,96% mặc dù vẫn nắm giữ 43,5 triệu cổ phiếu. Trong khi đó, Aozora Bank trở thành cổ đông ngoại lớn duy nhất của Ngân hàng.
Theo nhận định của giới chuyên gia, nhờ kết quả tăng trưởng tích cực từ huy động, cho vay và kiểm soát chi phí hoạt động hiệu quả, sẽ là bước đệm cho cổ phiếu OCB tăng trưởng trên sàn HoSE vào ngày 28/1 tới.
Có thể bạn quan tâm
OCB được chấp thuận niêm yết trên HOSE
15:15, 30/12/2020
Gửi tiền OCB nhận hàng nghìn quà tặng đón lộc Tân Sửu
09:00, 16/12/2020
OCB đồng hành cùng sự kiện Vietnam Frontier Tech Summit 2020
06:55, 10/12/2020
Cuộc thi OCB OPEN API CHALLENGE đã tiếp nhận 50 bài dự thi vòng 1
10:13, 02/11/2020
OCB kiểm soát tốt chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh
11:18, 22/10/2020