Ổn định tài chính - động lực thúc đẩy tăng trưởng châu Á trở lại

DIỄM NGỌC 08/04/2023 05:00

So với Mỹ và châu Âu, khu vực châu Á được đánh giá là có lạm phát và lãi suất thấp hơn, hệ thống tài chính được cải thiện nhiều, tiêu dùng trong nước cũng như nhu cầu xuất khẩu vững chắc.

>>Nguy cơ lạm phát toàn cầu kéo dài từ những cuộc giải cứu

Bước sang năm 2023, nhiều chuyên gia tin rằng nền kinh tế châu Á đã sẵn sàng tăng trưởng nhanh hơn hầu hết các nền kinh tế khác, với lập luận khu vực này sẽ bắt đầu tạo ra sự chênh lệch tăng trưởng so với các nền kinh tế thị trường phát triển.

Ở châu Á, tỷ lệ đảm bảo thanh khoản cao hơn 100%, các khoản vay có xu hướng thả nổi hơn là cố định và đặc quyền tiền gửi đa dạng hơn

Ở châu Á, tỷ lệ đảm bảo thanh khoản cao hơn 100%, các khoản vay có xu hướng thả nổi hơn là cố định và đặc quyền tiền gửi đa dạng hơn

Khu vực tài chính ổn định

Với những căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng gần đây ở Mỹ và châu Âu, các nhà đầu tư đã đặt ra câu hỏi, liệu những thách thức tương tự có thể xảy ra ở Châu Á hay không và với bối cảnh này, tăng trưởng của khu vực có thể vượt trội hơn các khu vực khác?

Chuyên gia kinh tế trưởng châu Á tại Morgan Stanley - Chetan Ahya đánh giá, sự phát triển gần đây đã làm cho tiềm năng tăng trưởng vượt trội của châu Á trở nên hấp dẫn hơn. Những thách thức về nguồn vốn ở các nước phát triển xuất hiện do các ngân hàng trung ương tăng lãi suất một cách mạnh mẽ nhằm chống lại lạm phát. Theo đó, tỷ giá đã tăng 4,75 điểm phần trăm ở Mỹ và 3,5 điểm phần trăm ở châu Âu trong chu kỳ này. Cả hai chu kỳ thắt chặt đều diễn ra gay gắt và có tốc độ nhanh nhất trong thời gian gần đây. Ngược lại, do lạm phát của châu Á đang ở mức bằng một nửa so với các thị trường phát triển, lãi suất tổng hợp chỉ tăng 1 điểm phần trăm.

“Một yếu tố quan trọng khác nữa là liên quan khu vực ngân hàng. Ở châu Á, tỷ lệ đảm bảo thanh khoản cao hơn 100%, các khoản vay có xu hướng thả nổi hơn là cố định và đặc quyền tiền gửi đa dạng hơn. Kết quả của việc này là trong khi các tiêu chuẩn cho vay có vẻ sẽ thắt chặt ở các thị trường phát triển làm ảnh hưởng đến tăng trưởng, thì rõ ràng châu Á không phải đối mặt với những thách thức tương tự..

Sức khỏe của hệ thống tài chính không phải là lý do duy nhất khiến tôi nghĩ châu Á vẫn có thể vượt trội hơn. Mà các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Indonesia, tất cả đều có các yếu tố kinh tế cụ thể, hỗ trợ nhu cầu trong nước và do đó, bảo vệ họ phần nào khỏi tác động lan tỏa tiêu cực tiềm ẩn từ sự tăng trưởng yếu hơn ở các thị trường phát triển”, chuyên gia tại Morgan Stanley giải thích.

Bên cạnh đó, việc mở cửa trở lại của Trung Quốc cũng là tiền đề cho phép nước này đạt mức tăng trưởng mục tiêu trong năm nay. Sự phục hồi ngược xu hướng này có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tăng trưởng của châu Á. Dữ liệu từ hai tháng đầu năm của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) thông báo, doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng của nước này tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đảo ngược sự sụt giảm trong 3 tháng trước đó. Đây là một chỉ số quan trọng về sức mua của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Ông Zhiwei Zhang,Chủ tịch kiêm Nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management nhận định: “Dữ liệu kinh tế nói trên xác nhận sự phục hồi ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đi đúng hướng. Các số liệu nói trên cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ trong hoạt động kinh tế của Trung Quốc’’.

Có thể thấy, sự phục hồi của Trung Quốc chủ yếu được thúc đẩy bởi sự phục hồi trong tiêu dùng, do đó phần lớn gắn liền với việc mở cửa trở lại và sự phục hồi của thị trường lao động. Thị trường bất động sản cũng trên đà tích cực, với doanh số bán hàng tiếp tục tăng nhanh và doanh số bán hàng thứ cấp đang tiến gần đến mức của năm 2021. Các nhà hoạch định chính sách đã áp dụng cách tiếp cận ủng hộ tăng trưởng, ủng hộ doanh nghiệp và ưu tiên việc làm.

Hiện tại, lộ trình tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc đã giảm xuống dưới xu hướng trước Covid (được định nghĩa là mức tăng trưởng dự kiến trước Covid-19) trong giai đoạn 2021-2022, vì vậy nếu rủi ro suy giảm bắt đầu hình thành, các nhà hoạch định chính sách sẽ sẵn sàng hành động kịp thời để giải quyết mọi áp lực giảm đối với tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, việc Trung Quốc bảo vệ xu hướng tăng trưởng của mình sẽ là chìa khóa để tạo ra sự bù đắp cho phần còn lại của khu vực.

>>Giảm lãi suất - "Chìa khoá" giữ tăng trưởng

Mục tiêu tăng trưởng trong tầm tay

Theo phân tích của chuyên đến từ Morgan Stanley, tại Nhật Bản, Ấn Độ và Indonesia, các nền kinh tế này sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh trong năm nay. Nền kinh tế Nhật Bản sẽ được hưởng lợi nhờ sự phục hồi của ngành du lịch, do đó sẽ được hỗ trợ đáng kể bởi việc mở cửa trở lại của Trung Quốc. Hơn nữa, các chính sách kinh tế vĩ mô cũng sẽ giữ cho nhu cầu của khu vực tư nhân được hỗ trợ và đặc biệt dẫn đến sự gia tăng chi tiêu vốn tư nhân.

Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ ở mức 6,4% cho năm 2023-24. Ảnh: EPA-EFE

Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ ở mức 6,4% cho năm 2023-2024. Ảnh: EPA-EFE

Đối với Ấn Độ, bảng cân đối kế toán của khu vực tài chính và phi tài chính đã được làm sạch trong những năm qua, khiến người đi vay và người cho vay an toàn hơn. Do đó, khu vực tư nhân được chuẩn bị sẵn sàng với khẩu vị rủi ro lành mạnh để mở rộng. Ấn Độ cũng đang được hưởng lợi từ một “cơn gió ngược” khác dưới hình thức tăng thị phần trong xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ toàn cầu, điều này đang xúc tác cho việc làm và đầu tư.

Tại Indonesia, rủi ro ổn định kinh tế vĩ mô đã được quản lý tốt, nghĩa là lãi suất không phải tăng nhiều như ở các nền kinh tế thị trường mới nổi khác, ngay cả khi giá nhiên liệu bán lẻ tăng. Do đó, nhu cầu trong nước vẫn mạnh mẽ trong bối cảnh khó khăn.

“Rủi ro đối với châu Á là nếu nền kinh tế Mỹ hạ cánh cứng. Nếu GDP cả năm của Hoa Kỳ giảm từ 1% trở lên, thì châu Á khó có thể thoát khỏi sự suy thoái. Nhưng trong trường hợp này, lạm phát sẽ giảm tốc, thậm chí còn nhanh hơn do giá cả hàng hóa có khả năng giảm và điều này sẽ tạo cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách trong khu vực nới lỏng cả chính sách tiền tệ và tài khóa, điều này có thể mang lại sự phục hồi nhanh hơn”, ông Chetan Ahya dự báo.

Còn với Việt Nam, báo cáo “Triển vọng kinh tế Việt Nam và dự báo trong năm 2023-2024” được Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) công bố sáng 4/4 cho thấy, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,5% như Chính phủ đã đề ra. Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam khẳng định, trong bối cảnh này, ADB vẫn giữ nguyên lòng tin vào sự phát triển của Việt Nam.

"Hiện ADB đang có dự án đầu tư tại một số ngân hàng của Việt Nam và đến nay, chúng tôi vẫn chưa thấy những rủi ro nào mang tính hệ thống nào. Tương lai chúng tôi đang đưa ra những chiến lược mới để hỗ trợ tăng trưởng tại Việt Nam, giúp các bạn chuyển sang kinh tế xanh, thúc đẩy lĩnh vực tư nhân, đảm bảo công bằng xã hội. ADB luôn sẵn sàng đưa ra các khoản vay để hỗ trợ VIệt Nam và tôi nghĩ các đối tác phát triển lớn khác của Việt Nam cũng có chung quan điểm này", ông Andrew Jeffries bày tỏ lạc quan.

Đặc biệt, hoạt động du lịch và nhu cầu nội địa tăng mạnh mẽ đang thúc đẩy các nền kinh tế Đông Nam Á như Indonesia, Philippines và Việt Nam, với tăng trưởng dự báo đạt 4,7% trong năm nay và 5% vào năm 2024. Lạm phát khu vực sẽ giảm tốc xuống 4,2% vào năm 2023 và 3,3% vào năm 2024 sau khi đạt 4,4% vào năm ngoái. Áp lực chuỗi cung ứng giảm dần, điều kiện tiền tệ thắt chặt hơn và giá cả hàng hóa giảm được cho là sẽ định hình triển vọng phát triển của châu Á.

Có thể bạn quan tâm

  • Giảm lãi suất - "Chìa khoá" giữ tăng trưởng

    05:30, 07/04/2023

  • Thương mại điện tử: chuyển từ tăng trưởng “nóng” sang phát triển bền vững

    13:25, 06/04/2023

  • Hải Dương: Tăng trưởng kinh tế lọt top toàn quốc

    00:49, 06/04/2023

  • ADB: Nhiều “cơn gió ngược” hạn chế tăng trưởng năm 2023

    12:23, 05/04/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ổn định tài chính - động lực thúc đẩy tăng trưởng châu Á trở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO