Khảo sát PAPI 2018 cho thấy hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2018 được đánh giá nhìn chung có cải thiện.
Các chỉ số của Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2018 cho thấy, người dân hài lòng hơn với hầu hết dịch vụ công căn bản và tăng sự tương tác giữa cấp chính quyền cơ sở với người dân.
Có thể bạn quan tâm
17:19, 02/04/2019
14:32, 02/04/2019
17:45, 05/04/2018
11:01, 04/04/2018
08:00, 08/04/2017
Các dịch vụ công có nhiều cải thiện hơn
Báo cáo PAPI 2018 cho thấy các cấp chính quyền đã có những cải thiện ở các mức độ khác nhau, trong quản trị và hành chính công.
Ba chỉ số nội dung có mức độ gia tăng đáng kể điểm số gồm: sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân. Ba chỉ số nội dung có mức độ gia tăng nhẹ gồm: kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công.
TS. Paul Schuler, thành viên nhóm soạn thảo báo cáo cho biết, phát hiện chính từ chỉ số nội dung “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” cho thấy xu hướng biến đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Nó thể hiện ở hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong chính quyền, đơn vị cung ứng dịch vụ công và trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công.
Dẫn chứng điều này, TS. Paul Schuler đưa ra ví dụ về việc vòi vĩnh trong dịch vụ y tế tuyến huyện/quận và giáo dục tiểu học công lập giảm. Đồng thời, tham nhũng được xem là ít phổ biến ở cấp xã/ phường hơn ở các cấp chính quyền cao hơn.
Về cung ứng dịch vụ công căn bản, kết quả khảo sát năm 2018 cho thấy, mức độ hài lòng của người dân rất khác biệt với từng loại dịch vụ công PAPI đo lường. Nội dung thành phần "y tế công lập" cho thấy, ngành Y tế có một số cải thiện trong năm 2018, nhất là ở chỉ tiêu đánh giá độ bao phủ của bảo hiểm y tế (BHYT).
Theo kết quả khảo sát PAPI năm 2018, tỷ lệ người dân có Bảo hiểm y tế tiếp tục tăng từ 80% năm 2017 lên 87% năm 2018. Cơ sở hạ tầng căn bản, bao gồm các dịch vụ như đường xá, thu gom rác thải, cung cấp điện lưới và nước sạch cho ăn uống, sinh hoạt, cũng được người dân đánh giá tích cực hơn trong năm 2018.
Lĩnh vực dịch vụ và thủ tục hành chính công cũng có nét khởi sắc. Cụ thể, đã có sự cải thiện từng bước ở cả 4 nhóm dịch vụ và thủ tục hành chính công PAPI đo lường, bao gồm dịch vụ chứng thực, xác nhận của chính quyền cơ sở; dịch vụ cấp giấy phép xây dựng; dịch vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và dịch vụ hành chính công cấp xã/phường.
Năm 2018, người dân hài lòng hơn với mức độ công khai, minh bạch của chính quyền trong việc tổ chức lập danh sách hộ nghèo và chia sẻ thông tin thu, chi ngân sách cấp xã/ phường. Ở chỉ số này, Thái Nguyên là địa phương đạt điểm cao nhất và Hậu Giang đạt điểm thấp nhất. Đà Nẵng đạt điểm cao nhất ở nội dung “tiếp cận thông tin”, Lạng Sơn đạt điểm cao nhất ở nội dung “thu, chi ngân sách cấp xã”, nội dung “quy hoạch, kết quả sử dụng đất, khung giá bồi thường thu hồi đất” Thái Bình đạt điểm số cao nhất.
Theo ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường công tác kiểm tra dịch vụ hành chính công, thông qua bộ máy nhà nước, các ban ngành đoàn thể và cả báo chí, dư luận để kiểm soát lĩnh vực hành chính công, kết quả cho thấy trong mấy năm gần đây, dịch vụ hành chính công của Quảng Ninh đã cải thiện rõ rệt.
Ngoài ra, Quảng Ninh cũng là một trong những địa phương đi đầu về chính quyền điện tử, hiện nay hệ thống công nghệ thông tin của Quảng Ninh đã đáp ứng được nhu cầu điều hành của chính quyền và giải quyết các thủ tục hành chính của người dân. Đặc biệt, “việc công khai, minh bạch toàn bộ các thủ tục đã giải quyết được tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong dịch vụ hành chính công”.
Nâng cao vai trò của người dân
Đồng thời, kết quả khảo sát PAPI 2018 cấp tỉnh cho thấy, người dân yêu cầu có cơ hội tham gia vào quá trình ra quyết định ở địa phương. Ngoài ra, người dân cũng trông đợi các cấp chính quyền tăng cường công khai, minh bạch, tiếp tục chống tham nhũng trong khu vực công, tập trung quản lý môi trường, đồng thời triển khai mạnh mẽ quản trị điện tử để người dân có thể tương tác trực tuyến với chính quyền.
Để đáp ứng những nhu cầu chính đáng đó của người dân cần nhiều giải pháp cụ thể, đó là chính quyền và các tổ chức xã hội tăng cường theo dõi và giám sát hoạt động của chính quyền cơ sở; chính quyền địa phương chủ động tiếp thu và phản hồi ý kiến của công dân; chính quyền các cấp xây dựng và thực hiện quy trình ban hành và thực thi chính sách có sự tham gia đầy đủ, rộng mở của mọi tầng lớp nhân dân. Chính phủ mở và chính quyền mở có lẽ là hướng đổi mới phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân Việt Nam.
Hơn 14.300 người dân được chọn ngẫu nhiên từ 63 tỉnh/ thành phố đã được phỏng vấn trong nghiên cứu Chỉ số PAPI 2018 chia sẻ về trải nghiệm và cảm nhận qua nghiên cứu PAPI về hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương. Bên cạnh 6 chỉ số nội dung như những năm trước, năm 2018, PAPI có thêm 2 chỉ số là quản trị môi trường và quản trị điện tử. Trong tổng hợp kết quả PAPI năm 2018 của 63 tỉnh, TP, Bến tre và Lạng Sơn là 2 địa phương có tổng điểm cao nhất đều là 47,05 điểm; thấp nhất là Bình Định với 41,04 điểm. Tổng số điểm chỉ số PAPI của Hà Nội đạt 42,32 điểm. Trong đó chỉ số "tham gia của người dân ở cấp cơ sở" đạt 5,22 điểm; chỉ số "công khai minh bạch" đạt 5,09 điểm; chỉ số "trách nhiệm giải trình" đạt 4,61 điểm; chỉ số "kiểm soát tham nhũng trong khu vực công" đạt 6,08; chỉ số "thủ tục hành chính công" đạt 7,5 điểm; chỉ số "cung ứng dịch vụ công" đạt 6,93 điểm; chỉ số "quản trị môi trường" đạt 3,58 điểm; chỉ số "quản trị điện tử" đạt 3,32 điểm. |