PCI: 13 năm “hành trình chuyển lửa”

Diendandoanhnghiep.vn Phát biểu khai mạc tại Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) 2017, TS Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, điểm số PCI bình quân cao nhất trong 13 năm qua và gần như tất cả các tỉnh đều tăng điểm số cho thấy “hành trình chuyển lửa” về các địa phương đã mang lại kết quả tích cực.

TS Vũ Tiến Lộc

TS Vũ Tiến Lộc

Vai trò “Hàn thử biểu”

Trong suốt hơn một thập kỷ thăng trầm của nền kinh tế Việt Nam kể từ năm 2005, PCI tự hào đóng vai trò là chiếc “Hàn thử biểu” của năng lực điều hành kinh tế của các địa phương, là tiếng nói của khu vực kinh tế tư nhân, là hơi thở của cuộc sống kinh tế, là bức tranh phản chiếu môi trường sinh thái cho khởi nghiệp ở Việt Nam trong con mắt của các nhà doanh nghiệp”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

PCI là nguồn cảm hứng, niềm trăn trở, là suy tư và là động lực cho những nỗ lực cải cách theo hướng xây dựng chính quyền kiến tạo tại các địa phương trong cả nước.

“Có vị lãnh đạo từng nói với tôi, PCI là câu hỏi thôi thúc anh mỗi sáng thức dậy, rằng mình đã làm gì được cho doanh nghiệp, đó là cảm xúc rất thật mà PCI góp phần đánh thức”, TS Vũ Tiến Lộc nói.

Báo cáo PCI hàng năm không chỉ chỉ ra những dư địa của cải cách, mà còn góp phần tổng kết và nhân rộng những mô hình và công nghệ cải cách cho các địa phương. Nhiều thực tiễn tốt trong cải cách môi trường kinh doanh ở địa phương, qua các hoạt động của dự án PCI, đã được lan tỏa. Cải thiện chỉ số PCI đã không chỉ là khuyến nghị của cộng đồng doanh nghiệp mà còn là mệnh lệnh cải cách của Chính phủ cho các địa phương, được chính thức ghi trong Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Chính phủ.

Cũng theo TS Vũ Tiến Lộc, bức tranh PCI 2017 có nhiều khởi sắc. “Điểm số PCI bình quân cao nhất kể từ giai đoạn khởi đầu của Báo cáo PCI từ năm 2005 đến nay, và gần như tất cả các tỉnh đều tăng điểm số của mình”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh

Điều này phản ánh rõ ràng môi trường kinh doanh ở các địa phương đã có những cải thiện rất ấn tượng dưới sự điều hành của Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. “Hành trình chuyển lửa về các địa phương đã mang lại kết quả tích cực”, TS Vũ Tiến Lộc nói.

Ở cấp độ quốc gia, những chỉ số phản ánh về chi phí không chính thức và thủ tục hành chính đã được cải thiện, phản ánh những kết quả tích cực của nỗ lực phòng chống tham nhũng và cải cách thủ tục hành chính mà Đảng và Nhà nước đang thực hiện.

Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh đang được khơi dậy: 52% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 60% doanh nghiệp FDI cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới. Đây là chỉ số niềm tin cao nhất của cộng đồng kinh doanh kể từ năm 2011 trở lại đây.

Đáng chú ý là, trong hành trình cải thiện môi trường kinh doanh, các tỉnh thuộc nhóm cuối bảng xếp hạng đã có nhiều bứt phá, rút ngắn một cách ngoạn mục khoảng cách với các tỉnh/thành phố thuộc nhóm tiên phong. Tác động cải cách đã lan tỏa.

5 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, các đầu tàu kinh tế của cả nước Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ đã có cải thiện đáng kể về chất lượng điều hành và lần đầu tiên đã góp mặt đầy đủ trong trong Top 15 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong năm qua.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI, dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng môi trường kinh doanh theo PCI, vẫn còn những điểm tối mà chúng ta chưa thể hài lòng: Tính minh bạch của môi trường kinh doanh còn chưa cao, thiết chế pháp lý, hệ thống giải quyết tranh chấp cho doanh nghiệp chưa tốt, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu...

“Đặc biệt, năm 2017, trung bình vẫn có trên 59% doanh nghiệp cho biết họ vẫn còn phải trả các chi phí không chính thức, dù chỉ số này đã giảm so với những năm trước, 28% doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng với kết quả giải quyết công việc của các công chức”, Chủ tịch VCCI nói.

TS Vũ Tiến Lộc cũng cho biết, doanh nghiệp đang lo lắng hơn về những phiền hà trong việc tiếp cận đất đai và sự rủi ro trong việc bảo đảm quyền sử dụng đất. Tình hình an ninh trật tự ở một số địa phương cũng là mối quan ngại cho nhiều doanh nghiệp…

Mặc dù điểm số PCI trung vị có được cải thiện, nhưng đang có sự chững lại của các Ngôi sao cải cách thuộc nhóm tiên phong với điểm số chỉ quẩn quanh ở mức 70/100, cho thấy cải cách cần có thêm những động lực mới, mà việc tiếp tục cải cách thể chế với khâu đột phá là cải cách thủ tục hành chính ở cấp các bộ ngành trung ương cần được đẩy mạnh để có thể nâng trần thể chế, tạo thêm dư địa cho cải cách ở cấp địa phương và cơ sở.

“Theo hướng này, chúng ta kỳ vọng yêu cầu cải cách cắt giảm bắt buộc tối thiểu 30-50% thủ tục hành chính và các điều kiện kinh doanh trong năm 2018 của tất cả các bộ ngành theo Nghị quyết của Chính phủ sẽ là một giải pháp quan trọng”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Để kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn và có tính cạnh tranh hơn, trách nhiệm không chỉ thuộc về các cơ quan chính quyền các cấp mà còn ở chính cộng đồng doanh nghiệp. Chính quyền phải đẩy mạnh cải cách thể chế / Doanh nghiệp phải nâng cấp về quản trị để bắt kịp với những chuẩn mực toàn cầu - TS Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Thủ tướng đã nêu mục tiêu cải cách thể chế của Chính phủ là bắt kịp những chuẩn mực tiên tiến của các nước ASEAN, của OECD…, doanh nghiệp cũng phải theo gương chính phủ hướng tới các mục tiêu này trong quản trị

Để đưa ra những khuyến nghị cho doanh nghiệp, Báo cáo PCI lần này đã dành hẳn 1 chương để khắc họa bức tranh khu vực doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam.

“Một trong những thách thức phát triển quan trọng nhất đối với Việt Nam hiện nay là năng lực còn hạn chế của các doanh nghiệp tư nhân trong việc cải thiện năng suất và mở rộng quy mô để cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Tại Việt Nam, dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới gia tăng, nhưng khu doanh nghiệp tư nhân lại đang nhỏ đi cả về quy mô vốn và lao động. Hội chứng thiếu vắng các doanh nghiệp cỡ vừa “Missing the Middle” đã không được khắc phục.

Đặc biệt, theo Chủ tịch VCCI, sau 30 năm đổi mới, chúng ta vẫn chưa có được một thế hệ các nhà công nghiệp ngang tầm thế giới. Chỉ 14% doanh nghiệp Việt có lĩnh vực hoạt động chính là chế tạo. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao (gấp tới gần 2 lần GDP) nhưng khu vực tư nhân vẫn hướng vào thị trường trong nước là chủ yếu, xuất khẩu vẫn lệ thuộc vào các FDI (tới 70%). Chỉ 11% doanh nghiệp tư nhân trong nước có sản phẩm và dịch vụ xuất khẩu. Chỉ 6% doanh nghiệp tư nhân có cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho các doanh nghiệp FDI. Hệ số chuyển giao công nghệ từ FDI cho các doanh nghiệp nội địa thấp nhất trong ASEAN...

Việt Nam có chất lượng quản trị doanh nghiệp thấp so với các chuẩn mực quốc tế và so với chính các FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Nhận định này của Báo cáo PCI cũng phù hợp với xếp hạng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Việt Nam có thứ hạng thấp nhất về quản trị doanh nghiệp trong số 6 nước được xếp hạng trong khu vực ASEAN bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

“Vì vậy, quốc tế hóa doanh nghiệp tư nhân, nâng cấp chất lượng quản trị của khu vực doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam là một hướng đi cấp thiết”, TS Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Bởi theo TS Vũ Tiến Lộc, điều này giúp Việt Nam có thể thoát ra khỏi “bẫy thu nhập trung bình” để doanh nghiệp Việt có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Gợi mở dư địa cải cách

Theo TS Vũ Tiến Lộc, ý nghĩa lớn nhất của Báo cáo PCI hàng năm không phải là điểm số và càng không phải là thứ hạng, mà chính là những dư địa cải cách được gợi mở và những mô hình, công nghệ cải cách được tổng kết và chia sẻ.

Cùng với việc công bố PCI hàng năm, VCCI đã có nhiều cố gắng hỗ trợ các địa phương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của mình. Sau hội nghị này, như thông lệ, các hoạt động tiếp nối cũng sẽ được triển khai, đặc biệt là phổ biến và nhân rộng những thực tiễn tốt ở các địa phương đi trước, ví dụ các mô hình như DDCI (Xếp hạng năng lực cạnh tranh các sở ban ngành, quận huyện), Nhất thể hóa hiệp hội doanh nghiệp cấp tỉnh, Chính quyền trực tuyến, Trung tâm hành chính công, Cơ quan xúc tiến và hỗ trợ đầu tư độc lập, Tổ công tác của chủ tịch tỉnh, Cà phê doanh nhân, Ngày thứ Hai doanh nghiệp…

“Tiếp theo những mệnh lệnh hành chính và thông điệp “chuyển lửa” thì những mô hình và công nghệ cải cách như vậy sẽ có tác dụng thiết thực thúc đẩy cỗ xe cải cách ở các địa phương”, TS Vũ Tiến Lộc nói. 

TS Vũ Tiến Lộc cho biết, trải qua 13 năm, hơn 120.000 lượt doanh nghiệp tại 63 tỉnh thành phố, riêng năm 2017 là 12.000 doanh nghiệp, đã tham gia trả lời các cuộc khảo sát.

Thay mặt VCCI và cộng đồng doanh nghiệp cả nước, Chủ tịch VCCI chúc mừng và vinh danh danh hiệu “Chính quyền kiến tạo” cho các địa phương đứng đầu trong bảng xếp hạng PCI năm nay, đặc biệt là quán quân mới của bảng xếp hạng, tỉnh Quảng Ninh, nơi khởi nguồn của nhiều sáng kiến cải cách táo bạo và hiệu quả.

Chúng tôi đánh giá cao các địa phương như Đồng Tháp, Long An, Bến Tre đã duy trì được thứ hạng cao và có tiến bộ vượt bậc trong năm qua.

“Hi vọng sự tươi mới của PCI trong nền kinh tế Việt Nam năm 2017 như bức tranh đầy mầu sắc “Sau khung cửa Mùa Xuân” sẽ mãi là niềm cảm hứng bất tận cho những nỗ lực cải cách của chúng ta”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết PCI: 13 năm “hành trình chuyển lửa” tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713568986 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713568986 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10