Mục tiêu của ngành Hải quan 2018 được nhấn mạnh trong hai nội dung: thực hiện “từ tiền sang hậu kiểm”, tham mưu thu hẹp danh mục kiểm tra chuyên ngành trước thông quan hàng hoá, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2017 ước tính doanh nghiệp tiết kiệm được hơn 200 triệu USD cho thủ tục thông quan; tiết kiệm trên 15 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu, 33 triệu giờ lưu kho đối với hàng nhập khẩu.
Hậu kiểm chứ không buông lỏng
Để giúp doanh nghiệp thông quan hàng hóa nhanh, giảm bớt thời gian, chi phí, hoạt động kiểm tra chuyên ngành về chất lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu đã được chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Quy định này đã nhận được phản hồi tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp.
Đặc biệt, Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức với 11 bộ, ngành. Hầu hết các thủ tục hành chính đã được triển khai trên Cổng thông tin Một cửa quốc gia, trừ thủ tục thông quan hàng hóa của Tổng cục Hải quan, 40 thủ tục hành chính của 10 bộ, ngành. Theo số liệu sơ kết, đã có khoảng trên 500 nghìn hồ sơ hành chính đã được xử lý và hơn 15 nghìn doanh nghiệp tham gia. Cơ chế một cửa ASEAN cũng đã được phê duyệt theo Nghị định thư pháp lý của 10/10 nước thành viên ASEAN.
Song song đó, Tổng cục Hải quan cũng đã chính thức có thông báo các đơn vị liên quan đến hoạt động thông quan nâng cao hoạt động khai báo hàng hóa trên Cồng thông tin Một cửa quốc gia. Bộ Công Thương cũng đã có những bước tiếp theo trên Cổng thông tin Một cửa quốc gia với các hoạt động khai báo liên quan đến lĩnh vực xuất, nhập hóa chất.
Cơ chế Một cửa quốc gia đường hàng không cũng đã chính thức có hiệu lực. Theo đó, từ thời điểm chính thức kết nối, toàn bộ các thông tin liên quan sẽ được khai báo bằng phương thức điện tử và được liên kết với tất cả hệ thống quản lý của các cơ quan nhà nước tại cảng hàng không. Với hình thức này, khi thông tin được gửi đến một cơ quan quản lý nhà nước thì ngay lập tức được tự động chia sẻ cho tất cả cơ quan liên quan, kết nối tất cả các khâu, đảm bảo tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí.
Hiện nay các bộ, ngành vẫn tiến hành triển khai, đẩy mạnh để tiếp tục đưa các thủ tục hành chính lên Cổng thông tin Một cửa quốc gia, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa về thời gian và kinh phí cho mọi cá nhân và tổ chức. Đây là những phần việc lớn, quan trọng mà Chính phủ vẫn luôn chỉ đạo các bộ, ngành phải tăng cường đẩy mạnh, đảm bảo hiệu quả của Cổng thông tin Một cửa quốc gia...
Thu hẹp danh mục kiểm tra chuyên ngành
Thực tế, Việt Nam phát triển kinh tế dựa nhiều vào xuất nhập khẩu, đã cán mốc kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 400 tỷ USD, gấp khoảng 1,7 lần GDP. Nếu không khẩn trương tháo được nút thắt kiểm tra chuyên ngành (liên quan đến các bộ ngành khác nhau) sẽ có ảnh hưởng rất xấu đến doanh nghiệp, mà ngành hải quan cố gắng mấy ở các khâu sau cũng không giải quyết được.
Lãnh đạo ngành hải quan yêu cầu toàn ngành cần tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch… Ngành hải quan cần quán triệt phải thực hiện nhiệm vụ kép vừa tạo thuận lợi thương mại tối đa, vừa đảm bảo kiểm soát đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Lãnh đạo ngành hải quan cũng hứa sẽ phấn đấu hoàn thành vượt mức 4% chỉ tiêu được giao hoặc hơn. “Ngành hải quan sẽ tăng cường chấn chỉnh, xử lý nghiêm cán bộ không tính đúng trị giá tính thuế, áp mã số mặt hàng không đúng biểu thuế, giám sát kiểm tra lỏng lẻo không đúng quy định…” ông Nguyễn Văn Cẩn lưu ý các cán bộ hải quan trên toàn quốc.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN, cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại khẳng định: Chi phí thông quan trực tiếp cho 1 lô hàng giảm 19 USD cho cả xuất và nhập khẩu. Tính tới 15/12/2017, ước tính doanh nghiệp Việt Nam tiết kiệm 205 triệu USD cho 10,81 triệu tờ khai thủ tục thông quan; giảm hơn 15 triệu giờ lưu kho hàng xuất khẩu và 33 triệu giờ lưu kho bãi hàng nhập khẩu.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng vẫn cho biết, trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành vẫn chiếm tỷ trọng quá lớn trong số lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu… Qua khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp về hải quan và triển khai NSW, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết 25% doanh nghiệp đánh giá thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành khó và rất khó, 67% bình thường và chỉ 8% cho biết dễ, rất dễ. Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, ước tính NSW chỉ tạo thuận lợi được 7%-8% số doanh nghiệp khảo sát, còn “hành” tới 25% số doanh nghiệp.
Chính vì vậy, năm 2018 phải có đột phá về thực hiện hải quan một cửa. Yêu cầu trong năm 2018, các Bộ phấn đấu triển khai đủ 130 thủ tục hành chính mới theo đăng ký tại kế hoạch tổng thể triển khai NSW và ASW giai đoạn 2016-2020; tiếp tục rà soát và bổ sung các thủ tục mới vào kế hoạch chung; chính thức kết nối ASW.
Về lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, phấn đấu giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành tại khâu thông quan từ 30%-35% trên tổng số các lô hàng xuất nhập khẩu như hiện nay xuống còn 15% nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, song vẫn phải bảo đảm hiệu quả trong quản lý nhà nước, chống buôn lậu và gian lận thương mại. Thống nhất một đơn vị thực hiện kiểm tra chuyên ngành, chấm dứt tình trạng một mặt hàng chịu sự quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều cơ quan khác nhau.