"Phải khắc phục xu hướng kêu, đổ thừa cho cơ chế, pháp luật"

ĐỖ HUYỀN 13/07/2021 14:00

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ “bắt bệnh” của không ít địa phương là luôn “kêu” chính sách, pháp luật “vướng” nhưng không nêu được "vướng" chỗ nào.

Sáng 13/7, tiếp tục phiên họp thứ 58, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch tài chính; kế hoạch vay, trả nợ công và kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Nêu ý kiến về các nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, các báo cáo của Chính phủ cũng như của cơ quan thẩm tra có chất lượng tốt, bám sát các nghị quyết và cơ bản phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, nội dung cần đánh giá đúng, làm nổi bật thành tựu của 4 năm nhiệm kỳ khoá XIV cũng như sự “vượt khó” của năm 2020.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng cần làm rõ thêm những vướng mắc, khó khăn khi vận hành cơ chế mới của đầu tư công. Thực tế cho thấy 5 năm qua, cơ bản khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp. Sau khi sửa luật Đầu tư công kết hợp sự điều hành thì tỷ lệ giải ngân năm 2020 rất cao, đạt gần 98%.

Kế hoạch tài chính đảm bảo chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên. Cơ cấu thu tích cực khi thu nội địa cao (như Hà Nội là 93%). Cơ cấu tỷ lệ chi tích cực khi giảm mạnh chi thường xuyên. Tuy vậy, ông Vương Đình Huệ cũng đặt vấn đề, tại sao nhiều địa phương thực hiện tốt việc này nhưng nhiều nơi khác lại chưa làm được.

Nhấn mạnh đến các nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội nêu: Phải khẳng định nhiệm vụ trọng tâm là thể chế hóa chủ trương, định hướng của nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, đặc biệt là những điểm mới, những điểm cần đổi mới so với trước.

"Phải khắc phục xu hướng kêu, đổ thừa cho cơ chế, pháp luật. Phải nói rõ là cần sửa cái gì, sửa thế nào chứ không chỉ có kêu không. Cái gì không phù hợp, vướng mắc thì phải chỉ ra cụ thể, cùng với đề xuất, kiến nghị", Chủ tịch Quốc hội nói. 

Ông nêu ví dụ về giải ngân đầu tư công năm vừa rồi đạt tới 98%, nhưng có năm đạt thấp, một số ngành, địa phương đạt thấp, là do tổ chức thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý tới đây cần đánh giá việc thực hiện các nghị quyết đặc thù cho các địa phương. 

"Tôi thấy rằng phần lớn các địa phương chỉ bàn và kiến nghị cơ chế đặc thù trong chính sách chi, để chi được nhiều. Trước đây tôi ở Hà Nội, khi họp thì các sở, ngành chỉ thích trình chính sách chi cho nhiều thôi, chứ không bàn đến biện pháp làm sao để có thu tốt, tạo ra nguồn lực cho phát triển", ông đặt vấn đề.

Cũng đề cập đến vấn đề thể chế, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lên tiếng: "Nhiều địa phương, nhiều nơi kêu vướng thể chế, kêu vướng luật, nhưng lại không nêu là vướng như thế nào, nên sửa ra sao".

Ông Định cũng nêu câu chuyện ở Khánh Hòa khi ông về làm bí thư Tỉnh ủy, một số sở, ngành khi đụng đến việc cứ kêu vướng luật, khó làm. "Cứ 15 ngày tôi yêu cầu họp một lần nghe các bên báo cáo, cuối cùng có phải vướng đâu, là do cách tổ chức thực hiện", ông Định nói.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định tới đây sẽ đẩy mạnh cơ chế phối hợp với các đoàn đại biểu Quốc hội, với HĐND các cấp để rà soát cơ chế, chính sách, pháp luật.

Có thể bạn quan tâm

  • BẤT ĐỘNG SẢN TUẦN TỪ 31/8 - 5/9: Hàng trăm dự án tiếp tục "ách tắc" vì vướng luật

    11:30, 06/09/2020

  • Hàng trăm dự án nhà ở tiếp tục "ách tắc" vì vướng luật

    03:00, 02/09/2020

  • Giải cứu tắc nghẽn Tân Sơn Nhất: Loay hoay vì vướng luật

    13:29, 17/05/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Phải khắc phục xu hướng kêu, đổ thừa cho cơ chế, pháp luật"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO