Kể từ ngày 24/11, tại TP HCM, các hộ gia đình, chủ nguồn thải phải phân loại rác và chuyển giao theo ba nhóm chất thải.
UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành qui định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Theo đó, kể từ ngày 24/11, các hộ gia đình, chủ nguồn thải phải phân loại rác và chuyển giao theo ba nhóm chất thải.
Thứ nhất, nhóm hữu cơ dễ phân hủy: Bao gồm thức ăn thừa, lá cây, xác động vật, thực vật… Nhóm rác thải này cần được chứa trong túi rác màu trắng hoặc màu xanh.
Thứ hai, nhóm có khả năng tái sử dụng: gồm các loại chất thải có thể tái chế như giấy, gỗ, nhựa, nilon, cao su, thủy tinh, kim loại…, được chứa trong túi màu khác.
Thứ ba, nhóm chất thải còn lại: Các loại rác không thuộc hai nhóm trên nhưng không bao gồm chất thải nguy hại, như phế thải vật liệu xây dựng, cũng cần được để riêng trong bao chứa rác khác màu xanh và trắng.
Các nhóm rác này sẽ được đơn vị thu gom rác tới lấy theo các ngày khác nhau.
Tại hầu hết các quốc gia phát triển, qui định phân loại rác đã được thực hiện từ lâu. Chẳng hạn tại Nhật Bản, quốc gia vốn có "thương hiệu" về giữ gìn vệ sinh môi trường và đường phố sạch đẹp, những qui định đổ rác ở đây hết sức nghiêm ngặt. Rác chỉ được đổ trong khoảng thời gian từ sáng sớm đến 8:30 sáng của ngày thu rác theo quy định. Rác được chia thành 6 loại: rác đốt được, rác không đốt được, rác tài nguyên, rác có hại, rác cồng kềnh, rác thu gom. Mỗi loại rác sẽ có những cách thức bỏ rác, chế độ bỏ rác, nơi bỏ rác, ngày bỏ rác khác nhau, mức phí khác nhau và cả mức phạt khác nhau.
Không quá chi tiết như vậy, nhưng Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia, và nhiều nước khác từ Á sang Âu Mỹ cũng đều có những qui định phân loại rác và kiểm soát khá chặt chẽ, bởi phân loại rác không chỉ giúp bảo vệ môi trường hiệu quả mà còn giúp mang lại những nguồn lợi to lớn cho nền kinh tế.
Venice, thành phố du lịch xinh đẹp của Ý, có đủ lượng điện dùng cho toàn thành phố chỉ nhờ vào nguồn rác tái chế ra điện. Và Sanfrancisco, một trong những thành phố đi đầu trong tái chế rác trên thế giới, hiện đã tái chế được trên 90% lượng rác thải hàng năm. Sanfrancisco vẫn đang đặt mục tiêu đạt đến con số 100% - có nghĩa là không thải một miligam chất thải nào ra môi trường! Để đạt được những con số ấn tượng đó, các thành phố không chỉ dựa vào tiềm lực công nghệ, kinh tế, mà một phần rất lớn còn nhờ vào phân loại rác nguồn.
Có thể bạn quan tâm
16:59, 16/11/2018
11:00, 06/11/2018
05:17, 23/10/2018
Thành phố Hồ Chí Minh hiện mỗi ngày thải ra khoảng 8.000 - 8.500 tấn chất thải sinh hoạt. Nếu được phân loại tốt và xử lý tốt, lợi ích thu được sẽ lên đến hàng ngàn tỉ đồng nhờ việc giảm chi phí chôn lấp, chi phí phân loại rác, chi phí xử lý môi trường, và bán các sản phẩm tái chế từ rác! Và không chỉ lý do về kinh tế. Việc mỗi người dân, mỗi gia đình có ý thức phân loại rác nguồn còn thể hiện một bước tiến rất lớn về văn minh, về trách nhiệm với môi trường thành phố nói riêng, với môi trường toàn cầu nói chung, hơn thế, còn với cả thế hệ mai sau.
Vậy nên không ít người dân ủng hộ qui định mới này, như đã mong chờ từ lâu. Tuy vậy, qui định mới về phân loại rác này vẫn còn khá nhiều điểm chưa phù hợp cần giải quyết để có thể triển khai một cách hiệu quả nhất.
Trước hết là mức phạt. Khoản 4 Điều 20 của quy định phân loại rác nêu rõ, hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng.
Theo các chuyên gia, nếu xử lý nghiêm túc từ đầu chắc chắn sẽ gây ra tranh chấp, phản ứng và bất bình trong dân. Bởi bản thân việc thu gom rác cũng còn quá nhiều vấn đề. Sát ngày qui định có hiệu lực, thành phố vẫn ngập tràn các xe chở rác không đậy nắp, không có ngăn riêng, rơi rác hoặc rớt nước thải dọc đường. Người dân thì chưa phân loại rác bao giờ, nhiều người chưa được biết đến qui định này và cũng chưa biết cách phân loại, nhất là những người lớn tuổi, nên phạt ngay lập tức là không thể.
Nhưng cũng vì không phạt được ngay, chưa thể xử lý ngay từ đầu, thì sẽ dẫn đến qui định không thực hiện đúng. Điều đó sẽ tạo thói quen "nhờn", tùy tiện với pháp luật, không tôn trọng qui định pháp luật cả về phía người chấp hành và người thực hiện.
Lẽ ra, thành phố nên có lộ trình cụ thể, thời gian đầu tập trung tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện, nâng cao ý thức và nhận thức của người dân, đồng thời chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, sau khoảng 2-3 tháng áp dụng hình thức cảnh cáo, và sau khoảng 6 tháng mới chính thức áp mức phạt. Qui định pháp luật cần phải hợp lý để người dân thích nghi được, và nhất định phải thực thi nghiêm minh.