PHÁP LUẬT CUỐI TUẦN: Bảo hộ thương hiệu Việt – “Cuộc chiến không tiếng súng”

Diendandoanhnghiep.vn Từ câu chuyện ồn ào của gạo ST25 và trước đó là hàng loạt bài học nhãn tiền về tranh chấp bảo hộ thượng hiệu, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp Việt…

Dư luận thời gian vừa qua tiếp tục “nóng” lên khi thương hiệu gạo ST25 của Việt Nam bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thương mại độc quyền tại Mỹ, dù còn gây tranh cãi về tính hợp pháp, thế nhưng, một lần nữa câu chuyện về bảo hộ thương hiệu quốc gia lại được nhắc tới.

Không riêng gạo ST25 hôm nay, mà trước đó đã có hàng loạt những bài học nhãn tiền về kiện tụng đòi lại thương quyền từ kẹo dừa Bến Tre, Vinataba, võng xếp Duy Lợi, cà phê Trung Nguyên, cà phê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phú Quốc... đủ để thấy, dù Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, song thương hiệu Việt với cuộc chiến thương hiệu bên ngoài biên giới vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp chú ý.

Cuộc chiến bảo vệ thương hiệu luôn là vấn đề cấp thiết đối với các doanh nghiệp nhất là khi Việt Nam đang hội nhập ngày một sâu rộng

Cuộc chiến bảo vệ thương hiệu luôn là vấn đề cấp thiết đối với các doanh nghiệp nhất là khi Việt Nam đang hội nhập ngày một sâu rộng

Thực tế, những cuộc chiến bảo vệ thương hiệu của chúng ta trước đó, đều thu về những kết quả khả quan, đem lại những chiến thắng nhất định trên các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ,… tuy nhiên, không vì thế mà xem nhẹ việc bảo hộ thương hiệu, nhất là khi Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng, bất cứ khi nào, một cuộc chiến không tiếng súng như đã từng cũng sẽ tiếp tục nổ ra và thương hiệu gạo ST25 bây giờ là một ví dụ điển hình.

Nên nhớ, dù chiến thắng trong các cuộc đòi lại thương hiệu Việt bên ngoài biên giới, thế nhưng, các doanh nghiệp cũng mất không ít tiền của và thời gian cho việc vác đơn đi kiện, thay vì cảnh "mất bò mới lo làm chuồng", tại sao không chủ động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu độc quyền?

Chúng ta có những sản phẩm, đặc sản nổi tiếng được người tiêu dùng ưa thích là một việc, nhưng để thương mại hóa nó với một hành lang pháp lý an toàn khi vượt ra khỏi biên giới của đất nước lại là một việc khác, không phải doanh nghiệp, nhà khoa học nào cũng có thể hiểu và làm được.

Như ông Hồ Quang Cua - cha đẻ gạo ST25 từng tâm sự: "Tôi không làm được gì vì không rành pháp luật về lĩnh vực này, tôi chỉ tập trung về chuyên môn của một nhà khoa học về chọn tạo giống lúa".

Và trên thực tế, mặc dù từ đầu năm đến nay, tại thị trường Mỹ sản lượng gạo ST25 chiếm đến 98% lượng gạo xuất khẩu, nhưng doanh nghiệp của ông Cua không trực tiếp xuất mà phải thông qua các doanh nghiệp khác, trong đó khi rời biên giới quốc gia thì lệ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp nước bạn và hệ thống phân phối của họ, chấp nhận bỏ ngỏ một phân khúc lớn trong chuỗi giá trị nông sản nổi tiếng của mình.

Theo Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ, ST25 là tên giống cây trồng của ông Hồ Quang Cua và các đồng sở hữu đã được cấp quyền bảo hộ độc quyền. Tuy nhiên, việc nhãn hiệu gạo ST25 hay các thương hiệu Việt khác bị người ta rình rập đánh cắp công khai bằng các công cụ pháp lý đăng ký nhãn hiệu vẫn cho thấy thế yếu của các doanh nghiệp Việt khi vươn ra biển lớn.

Doanh nghiệp Việt vẫn loay hoay trong cuộc chiến bảo vệ thương hiệu dù trước đó đã có nhiều bài học nhãn tiền như vụ nước mắm Phú Quốc

Doanh nghiệp Việt vẫn loay hoay trong cuộc chiến bảo vệ thương hiệu dù trước đó đã có nhiều bài học nhãn tiền như vụ nước mắm Phú Quốc

Cục Sở hữu Trí tuệ cũng khuyến cáo, khi nghiên cứu thị trường xuất khẩu, một trong số những yếu tố quan trọng nhất là phải hiểu được các quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở thị trường xuất khẩu, bởi trước khi xuất khẩu các doanh nghiệp ít nhất phải bảo đảm rằng sản phẩm của mình tuân thủ các quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở thị trường xuất khẩu và không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác trên thị trường đó.

Cũng theo Cục Sở hữu Trí tuệ, mỗi một sản phẩm, dịch vụ có thể được bảo hộ dưới nhiều hình thức khác nhau, điều quan trọng là doanh nghiệp cần lựa chọn cách thức để bảo hộ một cách hiệu quả nhất để tránh việc các đối thủ cạnh tranh sao chép hoặc làm giả sản phẩm hoặc thậm chí cấm ngược lại việc mình sử dụng sản phẩm của chính mình.

Thông tin với báo chí, ông Vũ Đại Dương - Phó giám đốc One IBC, tập đoàn chuyên cung cấp dịch vụ nước ngoài cho biết, tại Việt Nam, vấn đề bản quyền và bảo hộ thương hiệu chưa thực sự được các doanh nghiệp ý thức và có sự quan tâm cần thiết.

"Ngay cả một số doanh nghiệp có tên tuổi lớn trong nước, khi tìm đến chúng tôi vẫn còn mơ hồ cho rằng mình đã đăng ký tại Việt Nam thì sẽ được bảo hộ trên toàn cầu. Trên thực tế, có đến hàng trăm loại bảo hộ thương hiệu khác nhau, với quyền hạn và phạm vi áp dụng khác nhau…”, ông Dương nói.

Các chuyên gia cũng phân tích, thương hiệu (tradebrand) hay nhãn hiệu (trademark) được hiểu là một biểu tượng, thông điệp về giá trị cốt lõi, một sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu mang trong nó nhiều yếu tố tổng hợp từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến truyền thống, lịch sử và hiện tại, được chuyển tải đến người tiêu dùng bằng thông tin, truyền thông, thương mại, được khách hàng ưa chuộng bằng niềm tin giá trị. Ngày nay, cùng với giá trị văn hóa cốt lõi, yếu tố công nghệ, đặc biệt là yếu tố pháp lý càng được chú ý hơn, nên nhiều thương hiệu (tradebrand) nổi tiếng luôn được quan tâm đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu (trademark).

Dù chiến thắng trong những cuộc chiến bảo vệ thương hiệu trước đó nhưng để bảo vệ thương hiệu, các doanh nghiệp cần chủ động

Dù chiến thắng trong những cuộc chiến bảo vệ thương hiệu trước đó nhưng để bảo vệ thương hiệu, các doanh nghiệp cần chủ động đừng để phải vất vả như thương hiệu kẹo dừa Bến Tre hay cà phê Trung Nguyên trước đó

Theo Chuyên gia kinh tế - TS Trần Hữu Hiệp, trách nhiệm bảo vệ thương trước tiên thuộc về doanh nghiệp, nhưng cũng không thể để họ tự bơi trong điều kiện thiếu kiến thức pháp lý và năng lực tiếp cận thị trường nước ngoài hạn chế. Theo đó, cần hỗ trợ thông tin, trợ giúp pháp lý khi doanh nghiệp rơi vào trường hợp tranh tụng bằng các phương thức phù hợp, điều quan trọng hơn là nâng cao năng lực tự bảo vệ mình của chủ thương hiệu.

“Về lâu dài, cần hình thành các tổ hợp đủ mạnh để hỗ trợ và ứng phó các cuộc chiến thương hiệu - nhãn hiệu tương tự, cần hỗ trợ xây dựng các thương hiệu quốc gia, vùng miền, địa phương và doanh nghiệp theo hướng tập trung vào các nhóm giải pháp: Thứ nhất, tập trung vào chính sách - pháp lý, quy hoạch - đầu tư; Thứ hai, khoa học và công nghệ và pháp lý; Thứ ba, về thị trường và tăng cường liên kết; Thứ tư, là nguồn nhân lực”, TS Trần Hữu Hiệp thông tin.

Thực tế, việc đánh mất thương hiệu, thiệt hại đầu tiên thuộc về doanh nghiệp khi không chỉ mất tài sản, doanh nghiệp còn mất cơ hội thị trường bởi sẽ không thể xuất khẩu sản phẩm vào thị trường nơi thương hiệu mình bị đánh cắp. Tiếp đến là quốc gia khi tên thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý của Việt Nam cũng là tài sản của Nhà nước và tài sản này sẽ rơi vào tay người khác khi thương hiệu thuộc quyền sở hữu của họ.

Do vậy, bảo hộ thương hiệu không chỉ là câu chuyện của những doanh nghiệp cụ thể, riêng biệt mà còn là của các cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu tình trạng bị đánh cắp thương hiệu vẫn tiếp diễn, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ngăn chặn ngay tại cửa khẩu biên giới các nước, thậm chí bị kiện do xâm phạm độc quyền nhãn hiệu. Về lâu dài, niềm tin của khách hàng sẽ suy giảm nghiêm trọng do không thể phân biệt được đâu là thực đâu là giả, lợi thế cạnh tranh cũng vì thế bị ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc mất đi.

Trong bối cảnh, Việt Nam đã gia nhập WTO, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới,… Nhà nước không thể làm thay hay hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp về bảo hộ thương hiệu, hơn lúc nào hết, trước những thách thức, đe dọa, cạnh tranh, doanh nghiệp cần chủ động bảo vệ mình, sản phẩm, tài sản trí tuệ do mình làm ra bằng các công cụ pháp lý đúng luật chơi thị trường mà mình muốn cung ứng, đồng thời có thể nhờ tới sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước, hiệp hội,...

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết PHÁP LUẬT CUỐI TUẦN: Bảo hộ thương hiệu Việt – “Cuộc chiến không tiếng súng” tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711616272 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711616272 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10