PHÁP LUẬT CUỐI TUẦN: "Dọn rác” mạng xã hội, cần quy tắc và chế tài nghiêm khắc

Diendandoanhnghiep.vn Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được ban hành trước thực trạng vi phạm đang ngày một gia tăng và diễn biến phức tạp là điều hết sức thiết thực, bên cạnh đó cần chế tài nghiêm khắc bảo đảm tính răn đe.

Theo thống kê, năm 2020 có 64% dân số nước ta sử dụng điện thoại thông minh được trang bị kết nối 3G, 4G, trong đó, người dùng đã dành 25% thời gian sử dụng smartphone để lướt Facebook và 12% thời gian để xem YouTube. Như vậy, tính trung bình có khoảng 24 triệu người dành 37% thời gian trong ngày (tức mỗi ngày khoảng hơn 8 tiếng đồng hồ) để lang thang và sống cùng mạng xã hội.

Từ đó có thể thấy, các mạng xã hội đang có một vai trò lớn trong đời sống xã hội hiện nay, thế nhưng, thời gian qua, nhiều đối tượng đã lợi dụng các tính năng của mạng xã hội như livestream, chia sẻ hình ảnh, video clip, lập group chat để đăng tải những nội dung phản cảm, vi phạm pháp luật. Trong đó, có nhiều nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các cá nhân, tổ chức, sử dụng từ ngữ thiếu văn hóa, phản cảm, tung tin giả, quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... tác động tiêu cực đến dư luận và ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Các mạng xã hội đang đóng một vai trò lớn trong đời sống xã hội hiện nay - Ảnh minh họa

Các mạng xã hội đang đóng một vai trò lớn trong đời sống xã hội hiện nay - Ảnh minh họa

Những cái tên từng làm “nóng” dư luận như kênh: Hưng Vlog, Hưng troll, kênh Thơ Nguyễn... và mới đây là kênh YouTube Hoàng Anh-Timmy chứa đựng nhiều nội dung phản cảm, đã bị cơ quan quản lý xử phạt nghiêm khắc. Cùng với đó, không ít nghệ sĩ nổi tiếng lợi dụng mạng xã hội để quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh sai sự thật, cổ xúy lối sống lệch lạc... khiến dư luận xã hội vô cùng quan ngại.

Đáng nói, hiện tượng vi phạm trên các trang mạng xã hội còn có sự tham gia của một số giang hồ, thanh niên, thiếu niên,… thiếu kiến thức văn hóa, lười lao động đua nhau “sáng tạo nội dung số” mà thực chất là quay những video clip nhảm nhí, dung tục, cổ xúy cho lối sống, hành vi sai lệch để "câu like", "câu view" nhằm mục đích kiếm tiền.

Trước thực trạng trên, Bộ Thông tin và truyền thông đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, trong đó nhấn mạnh cá nhân, tổ chức không đăng tải thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, quảng cáo trái phép...

Cụ thể, các quy tắc ứng xử chung được đưa ra như tôn trọng, tuân thủ pháp luật; quy tắc lành mạnh phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; quy tắc an toàn, bảo mật thông tin; quy tắc trách nhiệm.

Việc ra đời Bộ quy tắc ứng xử của Bộ Thông tin và Truyền thông vừa qua nhận được nhiều ủng hộ và kỳ vọng từ dư luận trước tình trạng vi phạm tràn lan trên mạng xã hội hiện nay - Ảnh minh họa

Việc ra đời Bộ quy tắc ứng xử của Bộ Thông tin và Truyền thông vừa qua nhận được nhiều ủng hộ và kỳ vọng từ dư luận trước tình trạng vi phạm tràn lan trên mạng xã hội hiện nay - Ảnh minh họa

Trong đó, các cá nhân, tổ chức khi tham gia mạng xã hội không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục, không tung tin giả, sai sự thật, không quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... Cơ quan Nhà nước được khuyến khích nên có phản hồi những ý kiến trên mạng xã hội liên quan tới chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan, tổ chức mình.

Đặc biệt, các nhà cung cấp dịch vụ mạng phải tuân thủ nhiều nguyên tắc, trong đó có nguyên tắc ban hành và công khai các biện pháp phát hiện, thông báo và phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý, ngăn chặn, loại bỏ các nội dung thông tin vi phạm bản quyền, vi phạm pháp luật; có biện pháp để bảo đảm sự an toàn và phát triển lành mạnh của trẻ em, trẻ vị thành niên trên mạng xã hội theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Việc ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội như nêu trên của Bộ Thông tin và Truyền thông là hết sức thiết thực, kịp thời, nhất là khi các hành vi vi phạm ứng xử trên mạng xã hội đang ngày một gia tăng và diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, hệ lụy đe dọa lên đời sống xã hội.

Không chỉ dư luận xã hội, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông, công nghệ cũng đánh giá cao Bộ quy tắc mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành, cùng kỳ vọng sẽ giúp nâng cao nhận thức cho cộng đồng về việc nên ứng xử như thế nào trên môi trường Internet để có sự thấu cảm, tôn trọng nhau, là một công dân số có trách nhiệm…

Thế nhưng, bên cạnh những mặt tích cực, đáng kỳ vọng sẽ có tác động thay đổi thực tế hiện nay, một số chuyên gia cũng cho rằng, vẫn cần có những chế tài nghiêm khắc, đủ tính răn đe song hành cùng Bộ quy tắc này. 

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh Bộ quy tắc ứng xử vẫn cần thêm chế tài đủ nghiêm khắc, mang tính răn đe... - Ảnh minh họa

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh Bộ quy tắc ứng xử vẫn cần thêm chế tài đủ nghiêm khắc, mang tính răn đe... - Ảnh minh họa

Thông tin với báo chí, TS Phạm Hải Chung - giảng viên Viện đào tạo báo chí và truyền thông (Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) bên cạnh việc đáng giá cao tính thực tiễn của Bộ quy tắc này, cũng cho rằng, để Bộ quy tắc ứng xử đem lại hiệu quả thực tế còn cần nhiều thứ khác như phải có hệ thống chế tài pháp luật hoàn chỉnh song hành, các nhà cung cấp nền tảng mạng phải thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình và rất cần có sự tham gia của giáo dục để nâng cao năng lực số cho người dân.

Hay như, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông - Nguyễn Quang Đồng đánh giá, Bộ quy tắc chỉ mang tính hướng dẫn hành vi, giúp điều chỉnh hành vi của công dân để tránh ngưỡng vi phạm pháp luật, không có giá trị bắt buộc thực thi, nên không thể kỳ vọng nó sẽ giúp thay đổi mạnh mẽ cách hành xử của mọi người trên mạng xã hội. Để phát huy hiệu quả tốt hơn của bộ quy tắc Bộ Thông tin và truyền thông cần thúc đẩy các hội nghề nghiệp sử dụng bộ quy tắc chung này như những gợi ý mang tính nguyên tắc để xây dựng, ban hành bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội chi tiết cho từng hội của mình.

Dưới góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN chia sẻ, việc Bộ Thông tin và truyền thông ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là đáng hoan nghênh, tuy nhiên, Bộ quy tắc này còn mang tính khuyến nghị, không có giá trị bắt buộc thực thi, trong khi, thực trạng lạm dụng mạng xã hội để phát ngôn tiêu cực như: vu khống, bôi nhọ cá nhân hay kích động ứng xử xấu đã đến mức báo động, gây ra nhiều hệ lụy,…

Theo Luật sư Hiệp, nếu áp dụng Điều 101 của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc,... vào xử lý vi phạm sẽ là chưa thực sự nghiêm khắc, đủ tính răn đe. 

“Đối với những YouTuber, Facebooker có lượng theo dõi lớn thì mức phạt này so với doanh thu hàng trăm triệu đến vài tỷ đồng là con số quá chênh lệch và không đủ sức nặng. Vì vậy, các cơ quan Nhà nước cần nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh quy định pháp luật nhằm nâng cao chế tài xử phạt, cần nghiêm khắc hơn đối với những hành vi vi phạm có tác động xấu, ảnh hưởng đời sống tinh thần của người dân và nguy hại hơn là gây ra những hệ lụy, tác động tiêu cực tới xã hội, bên cạnh Bộ quy tắc ứng xử mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành”, Luật sư Hiệp nêu quan điểm.

Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vừa được Bộ TT-TT ban hành, chính thức có hiệu lực từ 17/6. Theo đó, 3 nhóm đối tượng áp dụng gồm: cơ quan nhà nước, cán bộ, công viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng mạng xã hội (MXH); tổ chức, cá nhân khác sử dụng MXH; nhà cung cấp dịch vụ MXH tại Việt Nam.

Bộ cũng đưa ra 4 quy tắc ứng xử chung gồm: quy tắc Tôn trọng, tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; quy tắc Lành mạnh (hành vi, ứng xử trên MXH phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam); quy tắc An toàn, bảo mật thông tin (tuân thủ các quy định và hướng dẫn về bảo vệ an toàn và bảo mật thông tin; quy tắc Trách nhiệm (chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên MXH, và phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật).

Đáng chú ý, Bộ quy tắc cũng khuyến cáo cá nhân/tổ chức sử dụng MXH nên sử dụng họ, tên thật cá nhân; chỉ chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo...Bộ quy tắc này nhấn mạnh, không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép...

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết PHÁP LUẬT CUỐI TUẦN: "Dọn rác” mạng xã hội, cần quy tắc và chế tài nghiêm khắc tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711694913 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711694913 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10