Luật pháp có một lịch sử rất dài song trùng với sự xuất hiện của hình thái nhà nước đầu tiên của loài người.
Chính vì thế, kỹ năng làm Luật luôn gắn liền với sự tiến bộ hay thụt lùi của một quốc gia, dân tộc.
Trong khi đó, từ nhiều năm nay, quan điểm tiếp cận khi làm luật là “chọn bỏ” thay vì “chọn cho” như trước đây. Luật và các văn bản dưới luật chắc chắn không thể ghi hết tất cả những vấn đề của cuộc sống. Ấy là chưa kể cuộc sống luôn phát sinh những cái mới, những cái mà pháp luật, vốn luôn lạc hậu so với cuộc sống.
Thiếu khả thi
Một đạo Luật mới “Luật Phòng, chống tác hại rượu bia” là điều cần thiết trong thực tế Việt Nam đang tiến dần đến tấm huy chương tệ hại- một trong những nước tiêu thụ rượu, bia nhiều nhất thế giới. Nhưng để nhanh chóng đẩy luật vào đời sống, Nghị định 100/NĐ-CP cấp tốc được ký và cũng rất mau lẹ có hiệu lực trong 2 ngày - khi chưa ráo mực lại dường như… sai quy trình. Bởi nó rút ngắn tới 43 ngày so những văn bản hướng dẫn thi hành Luật thông thường và ngay lập tức phát sinh... hệ lụy.
Việc ngăn chặn tác hại của rượu bia là rất hợp lý trong bối cảnh hiện nay nhưng khi xây dựng hành lang pháp lý cần phải dựa theo ý kiến đa chiều, phải tham khảo các luật tương đồng ở các quốc gia khác, đặc biệt phải có cơ sở khoa học. Xây dựng luật mà chỉ dựa vào ý chí cá nhân, quyết tâm chính trị của một nhóm người sẽ dẫn đến hậu quả là luật vi hiến, bị phản đối và phải sửa luật liên tục. Từ đó xã hội coi thường những người làm luật và không tin tưởng vào hệ thống luật pháp.
Hơn nữa, Luật mới đã hạ “tấm lưới quy phạm” xuống thấp đến mức “cấm tiệt” rượu bia khiến tất cả những ai động đến một giọt alcohol, ethylic cũng dễ bị xử phạt. Nhưng những chất hóa học này đâu chỉ có ở bia rượu, chẳng phải vì thế mà thông lệ luật pháp thế giới đều có “ngưỡng” nhất định. Các nước trên thế giới cũng có quy định về nồng độ cồn trong máu khi tham gia giao thông. Đơn cử, Mỹ cho phép người lái xe từ 21 tuổi trở lên có nồng độ cồn trong máu (BAC) là 0,08%. Nước Nga chỉ cho phép tài xế lái xe khi nồng độ cồn không quá 0,03. Ở châu Á, tại Trung Quốc, tài xế có nồng độ cồn trong máu giữa ngưỡng 0,02 – 0,08% đã bị xem là phạm luật. Nhật Bản và Hàn Quốc đồng áp dụng tiêu chuẩn dưới 0,03%.
Từ đây, một loạt vấn đề rất đỗi khoa học được đặt ra: Ngưỡng cồn trong máu, khí thở bao nhiêu mới đủ tác động tiêu cực đến hệ thần kinh? Một ly, một chai hay một lít?
Trống pháp lý
Thật ngỡ ngàng, bức tranh kinh tế bất động sản Việt Nam mấy năm nay luôn sôi động nhưng chẳng nhà làm Luật nào ngó ngàng đến loại hình mang tên condotel cho đến khi xuất hiện tiếng kêu cứu!
Sau khi condotel Đà Nẵng “vỡ trận” từ khóa về cụm từ này tăng đến hàng triệu trên google - nó cho thấy hầu hết chúng ta còn rất mù mờ về phân khúc “căn hộ khách sạn”. Từ đây các cơ quan hữu quan mới ngồi lại để nghiên cứu một hành lang pháp lý.
Đạo luật cao nhất trong lĩnh vực này - Luật Kinh doanh Bất động sản chỉ có quy định với chung cư bình thường nhưng với condotel thì không có quy định cụ thể nào. Điều đó khiến chính các nhà phát triển bất động sản, các đơn vị kinh doanh buộc phải… “ lách” bằng các thuật ngữ lắt léo: nhà ở không hình thành đơn vị ở. Quản lý nhà nước thì loay hoay chạy theo thuật ngữ mà chẳng “ngó ngàng” nó đang diễn ra và tạo ra những nguy cơ bất ổn cho thị trường thế nào?
Chính vì lẽ đó Thủ tướng Chính phủ phải ra “tối hậu thư” - Chỉ thị số 11/CT-TTg yêu cầu Bộ Xây dựng phải bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đối với các loại hình nhà ở chung cư, công trình căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú (officetel).
Có thể bạn quan tâm
12:52, 03/01/2020
11:01, 17/06/2019
00:30, 19/12/2019
06:00, 21/12/2019
Không sát với thực tiễn
Chưa có nghị định nào phải dự thảo và xây dựng lại tới 13 lần – và chưa có điểm kết thúc - đó là dự thảo Nghị định sửa đổi về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô (thay thế Nghị định 86) với quan điểm quản lý Grab, Go-Viet, FastGo… như taxi truyền thống.
Rõ ràng, mô hình kinh tế chia sẻ là những điển hình còn rất mới mẻ, cả với thế giới. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải dường như là cơ quan quản lý Nhà nước đầu tiên phải “đối đầu” với những ứng dụng này trong việc xây dựng cơ chế hoạt động và chính sách để quản lý. Đó cũng là lý do lý giải Dự thảo Nghị định thay thế NĐ 86 đã phải “chày vi, tróc vẩy” đến như vậy. Bởi, đây là một trong những Nghị định có sức tác động, ảnh hưởng lớn tới dân sinh, xã hội.
Chẳng phải ngẫu nhiên khi chủ trì cuộc họp lấy ý kiến lần đầu tiên về xây dựng Đề án mô hình kinh tế chia sẻ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, xây dựng luật chung hay Nghị định Chính phủ về kinh tế chia sẻ là rất khó bởi loại hình này thay đổi rất nhanh so với quy định. Cần xây dựng ngay các quy định điều chỉnh riêng lẻ ở từng lĩnh vực.
Bởi theo nghiên cứu của Công ty Kiểm toán PwC, ước tính doanh thu toàn cầu từ các công ty cung cấp ứng dụng nền tảng kinh doanh chia sẻ sẽ đạt tới 335 tỷ USD vào năm 2025. Nhưng giá trị lớn nhất của mô hình kinh doanh chia sẻ là tác động lên hầu hết các lĩnh vực kinh doanh truyền thống, buộc thay đổi, cạnh tranh và tận dụng tối đa các nguồn lực.
Mọi lý thuyết chỉ là màu xám
Thuở hồng hoang, khi chưa có Nhà nước, con người căn cứ vào “Khế ước xã hội” để duy trì trật tự. Mặc dù sơ khai nhưng Khế ước được tự nguyện thống nhất trên cơ sở tập tục, thói quen của cộng đồng, như một bản hợp đồng mà ở trên đó các thành viên xã hội thống nhất các nguyên tắc để cùng chung sống với nhau - đó là chân lý vĩnh cửu mà Luật hiện đại phải học tập.
Bất kể trong hoàn cảnh nào, Luật pháp phải là tiếng nói chung của toàn xã hội, phải “lẩy” từ cuộc sống ra được bản chất của vấn đề chứ không nên và không thể dựa vào hiện tượng để chế tài.
Nhân loại tiến bộ luôn dùng mọi biện pháp, nhắc nhở, giáo dục, răn dạy hậu thế và đặc biệt cảnh tỉnh họ - thông qua những bài học lịch sử về mối nguy cơ của những thế lực muốn đóng khung chân lý. Cùng với đó, là tạo lập những hệ thống ngăn chặn hiệu quả để “cây đời mãi mãi xanh tươi” theo dòng chảy của tạo hóa!