Pháp luật Việt Nam trước ngưỡng cửa hội nhập: Còn nhiều chồng chéo

Huyền Trang 17/10/2019 12:30

Theo các chuyên gia, trước ngưỡng cửa hội nhập pháp luật về kinh doanh của Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm để có được sự thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp.

Sáng 17/10, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo: “Pháp luật Việt Nam đã sẵn sàng cho hội nhập?”

Còn nhiều chồng chéo trong hệ thống pháp luật

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, có 10 tiêu chí để đánh giá một văn bản pháp luật tốt là: sự cần thiết, tính hợp lý, tính thống nhất, tính khả thi, tình minh bạch, chi phí tuân thủ thấp, đảm bảo quyền tự do kinh doanh, thúc đẩy cạnh tranh, giảm nguy cơ nhũng nhiễu, đủ tính tiên liệu.

Pháp luật Việt Nam còn rất nhiều việc để làm để tốt hơn. Nhiều doanh nghiệp phản ánh với VCCI rằng, thời gian qua pháp luật có nhiều thay đổi nhưng vẫn phức tạp, trung bình 1 luật có tới 10,5 nghị định, 37 thông tư của các bộ, ngành, nên quy định từ luật có thể thuận lợi nhưng xuống nghị định, thông tư lại không còn được đảm bảo.

Ông Tuấn cho biết thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị VCCI rà soát, đánh giá thực trạng chồng chéo luật và nghị định Việt Nam hiện nay. VCCI nhận thấy rằng, có rất nhiều xung đột pháp luật, đặc biệt nếu đi đến các địa phương sẽ gặp rất nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư đất đai, xây dựng, bất động sản gặp những vấn đề rất phức tạp.

Có 20 ví dụ điển hình về xung đột về các bộ luật, thông tư như: Luật Nhà ở tại Điều 171.2: yêu cầu thêm các loại tài liệu ngoài các tài liệu quy định tại Luật Đầu tư trong Hồ sơ để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Luật Đầu tư tại Điều 33 quy định các tài liệu trong hồ sơ dự án đầu tư để thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và không có quy định về việc các văn bản pháp luật khác được quyền yêu cầu thêm tài liệu trong hồ sơ này…

“Ngoài 20 ví dụ điển hình, tôi tin rằng có thể tìm được rất nhiều trường hợp chồng chéo khác”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, việc chồng chéo luật sẽ dẫn đến nhiều hệ quả, khiến doanh nghiệp và nhà đầu tư phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp; đi lại mất thời gian, nộp nhiều hồ sơ; chi phí giao dịch tốn kém; tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra; đình trệ hoạt động; rủi ro nguy cơ vi phạm pháp luật…

Đáng nói, theo ông Tuấn các doanh nghiệp còn bị “ám ảnh” bởi vấn đề hồi tố, khi các quy định áp dụng khác nhau, khiến doanh nghiệp có thể một ngày bị cơ quan nhà nước yêu cầu nộp lại một khoản tiền lớn…

Ngoài ra, với những mô hình kinh doanh mới, Việt Nam còn tương đối lúng túng. Hiện pháp luật có 2 xu hướng với mô hình kinh doanh mới, một là dùng mô hình cũ áp dụng vào, hai là “mặc kệ”.

Cần một cơ quan độc lập trong thiết kế và xây dựng chính sách

Để hệ thống pháp luật kinh doanh Việt Nam được thông thoáng, ông Tuấn khuyến nghị, các cơ quan soạn thảo pháp luật cần cơ chế nhận biết loại bỏ quy định không cần thiết, đảm bảo quyền tự do kinh, chống cài cắm lợi ích, chống chồng chéo pháp luật…

Để đạt hiệu quả cao thì việc cắt giảm các thủ tục cần hướng đến thực chất, làm sao cho doanh nghiệp và người dân được thụ hưởng nhiều điều kiện thuận lợi nhất chứ không phải cắt giảm theo thành tích. Các doanh nghiệp, chuyên gia, hiệp hội ngành hàng nên tham gia sâu vào quá trình này.

Với quá trình soạn thảo thông tư, nghị định, luật cần có quy trình kiểm soát chặt chẽ biên bản ra thủ tục hành chính mới. Đặt ra điều kiện kinh doanh mới phải tiến hành thận trọng qua nhiều bước tham vấn, quan sát chặt chẽ và cần có cơ quan thẩm định độc lập thì mới ngăn chặn được tình trạng ra các điều kiện kinh doanh mới không phù hợp.

Hội thảo: “Pháp luật Việt Nam đã sẵn sàng cho hội nhập?” thu hút sự quan tâm tham dự của rất nhiều chuyên gia, hiệp hội.

Hội thảo: “Pháp luật Việt Nam đã sẵn sàng cho hội nhập?” thu hút sự quan tâm tham dự của rất nhiều chuyên gia, hiệp hội.

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, trong quá trình cắt giảm điều kiện kinh doanh, các bộ ngành không nên giao cho các vụ, cục vốn đang thực hiện cấp phép tiến hành chủ trì các chương trình rà soát, ban hành văn bản và cắt giảm. Bởi kinh nghiệm đến thực tiễn cho thấy, đơn vị nào đang được quyền cấp phép, bằng cách này hay cách khác luôn tìm cách giữ lại tư duy cấp phép hay giữ lại điều kiện kinh doanh.

Trong từng bộ, ngành cụ thể, việc chủ trì chương trình cắt giảm nên giao cho những đơn vị độc lập, không thực hiện chức năng quản lý Nhà nước hay cấp phép, có như vậy mới đảm bảo tính khách quan, bền vững.

Đồng quan điểm TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định, dù hệ thống pháp luật còn nhiều chồng chéo nhưng cải cách không nhiều vì đấy là những chỗ có rất nhiều quyền lợi.

“Vì thế, muốn sửa đổi lại hệ thống pháp luật thì không nên để từng bộ sửa mà phải có 1 nhóm chuyên gia độc lập, phải có sự chỉ đạo của một Phó Thủ tướng. Các tổ chức xã hội, doanh nghiệp phải đi đầu trong chuyện này”, ông Cung nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Pháp luật Việt Nam trước ngưỡng cửa hội nhập: Còn nhiều chồng chéo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO