Dữ liệu vệ tinh của NASA cho thấy hồ nước lớn nhất trên mặt trăng Titan của sao Thổ sâu gấp 10 lần so với suy đoán trước đây.
Tàu vũ trụ Cassini đã lao vào bầu khí quyển của Titan để "tự sát" cách đây ba năm nhưng dữ liệu từ những quỹ đạo bay cuối cùng của nó vẫn tiếp tục mang đến những phát hiện mới quý giá. Một nghiên cứu xuất bản gần đây trên Tạp chí Nghiên cứu Địa vật lý Hành tinh tiết lộ rằng hồ Kraken Mare khổng lồ trên mặt trăng Titan đầy bí ẩn của sao Thổ sâu hơn gần gấp 10 lần so với ước tính ban đầu.
Dựa trên dữ liệu mà Cassini thu thập trong vòng quỹ đạo lần thứ 104 của nó, các nhà thiên văn học đã xác định được Kraken Mare sâu hơn 300 m - tương đương chiều cao của tòa nhà chọc trời Chrysler ở New York. Trên thực tế, hồ sâu đến mức radar của Cassini không thể thăm dò tới đáy.
Thành phần hóa học của hồ cũng khiến các nhà khoa học ngạc nhiên. Nó chứa hỗn hợp ethane và methane, khác với các mô hình trước đây cho thấy ethane chiếm ưu thế do hồ có vị trí địa lý nằm xa các cực của mặt trăng hơn. Việc tìm hiểu độ sâu và thành phần của Kraken Mare có thể hé lộ thêm về những đặc điểm hóa học và chu kỳ lượng mưa trên Titan.
"Tầm quan trọng của Kraken Mare bắt nguồn từ chính kích thước khổng lồ của hồ. Nếu được đặt trên Trái Đất, nó bao phủ cả năm Hồ lớn ở Bắc Mỹ. Hồ nước này chứa tới 80% chất lỏng bề mặt của mặt trăng Titan", tác giả chính của nghiên cứu Valerio Poggiali, nhà thiên văn học tại Trung tâm Vật lý Thiên văn và Khoa học Hành tinh của Đại học Cornell, cho hay.
Trong khi hóa học của Titan khác lạ so với Trái Đất, địa lý của mặt trăng gợi nhớ đến các đầm lầy hoặc vùng có nhiều hồ nước trên hành tinh của chúng ta. Titan cũng là mặt trăng duy nhất trong hệ Mặt Trời sở hữu bầu khí quyển dày - một lớp bọc nitơ thể khí, so với bầu khí quyển chủ yếu gồm nitơ và oxy của Trái Đất. Điều đó khiến Titan trở nên khác biệt so với vô số mặt trăng trong hệ Mặt Trời, thường có ngoại quyển mỏng manh hoặc không có bầu khí quyển.
Các nhà khoa học cũng hy vọng có thể tìm ra nguồn gốc của methane lỏng trên mặt trăng Titan. Do cách xa Mặt Trời hơn 10 lần so với Trái Đất, thiên thể này nhận được năng lượng từ Mặt Trời ít hơn 100 lần so với hành tinh của chúng ta. Với ánh sáng yếu ớt, đáng lẽ Titan phải chuyển đổi methane trong khí quyển của nó thành ethane, nhưng mô hình hiện tại cho thấy bằng cách nào đó, mặt trăng đã quay vòng toàn bộ khí methane trên về mặt của nó theo chu kỳ 10 triệu năm.
NASA đang lên kế hoạch phóng một tàu ngầm thăm dò xuống hồ Kraken Mare vào năm 2030. Poggiali cho biết, dữ liệu mới được phân tích từ Cassini có thể giúp các kỹ sư hiệu chỉnh tốt hơn thiết bị định vị bằng sóng âm (sonar) trên tàu.
Nguồn Space