Phát triển bền vững "giấy thông hành" giúp doanh nghiệp hội nhập quốc tế

Hà Thanh Trang 08/05/2018 10:22

Phát triển bền vững giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư và mở rộng thị trường.

Đây là nhận định của ông Nguyễn Quang Vinh, Ủy viên Ban thường trực, Tổng thư ký VCCI, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) tại Lễ Phát động “Chương trình Đánh giá, Công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2018” do VCCI và VBCSD tổ chức sáng ngày 8/5 tại Hà Nội.

Kinh doanh tốt hơn, thế giới tốt hơn

Ông Nguyễn Quang Vinh

Ông Nguyễn Quang Vinh - Ủy viên Ban thường trực, Tổng thư ký VCCI, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD).

Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết, đây là năm thứ 3 triển khai Chương trình, Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững CSI tiếp tục được sử dụng làm thước đo đánh giá, đo lường mức độ phát triển bền vững của các doanh nghiệp tham gia chương trình.

Theo đó, khi nhắc đến phát triển bền vững, bên cạnh vai trò dẫn dắt, định hướng của Chính phủ, thì phải kể đến vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp. Bởi, mỗi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đều tạo ra những tác động nhất định đến mọi mặt của đời sống xã hội và môi trường nơi doanh nghiệp hoạt động. Và đó cũng là lí do vì sao chúng ta nói “kinh doanh tốt hơn, thế giới tốt hơn”.

Chia sẻ về một trong những điểm mới của Chương trình Đánh giá, Công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2018, Tổng Thư ký VCCI cho biết: “Qua mỗi năm triển khai, chúng tôi đều nỗ lực cập nhật, điều chỉnh Bộ chỉ số theo hướng đơn giản, dễ sử dụng để nhiều doanh nghiệp hơn nữa, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ đều có thể áp dụng được CSI. Từ 151 tiêu chí trong năm 2016, xuống còn 134 tiêu chí năm 2017 và năm nay được rút gọn tiếp – chỉ còn 132 tiêu chí”.

Theo đó, Bộ chỉ số CSI mà VCCI cùng các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế dày công xây dựng chính là một công cụ hết sức hữu hiệu để các doanh nghiệp áp dụng. 132 tiêu chí của CSI được chia theo 3 trụ cột chính: kinh tế, xã hội và môi trường. Đó là một công cụ quản trị doanh nghiệp hữu dụng, để doanh nghiệp soi minh vào đó, khoanh vùng được những lỗ hổng trong quản trị, trong hoạt động hiện hành của doanh nghiệp mình nhằm giảm thiểu rủi ro, hay ngược lại, xác định được những ưu điểm của doanh nghiệp và nắm bắt những cơ hội kinh doanh tiềm năng từ đó.

Ngoài ra, chia sẻ thêm một điểm mới thứ 2 của “Chương trình Đánh giá, Công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2018” đó là VBCSD-VCCI đã phối hợp với các nhóm chuyên gia xác lập một “mức chuẩn phát triển bền vững” bên cạnh hoạt động vinh danh 100 doanh nghiệp thực hiện phát triển bền vững xuất sắc nhất, các doanh nghiệp đạt mức trên chuẩn trên đều được ghi nhận là “doanh nghiệp bền vững”.

“Đây chính là cách VCCI khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp thực hiện phát triển bền vững để họ hiểu rằng, không lọt Top 100 không có nghĩa là doanh nghiệp đứng ngoài “cuộc chơi” phát triển bền vững", ông Nguyễn Quang Vinh chia sẻ.

 “Thông qua chương trình, VCCI xếp hạng và vinh danh các doanh nghiệp tiên phong, thực hiện phát triển bền vững xuất sắc nhất. Đây cũng chính là giấy thông hành giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín với Chính phủ, các cơ quan quản lý, nhà đầu tư và người tiêu dùng, giúp họ dễ dàng thu hút các nguồn vốn đầu tư hơn nữa. Nhưng trên hết, chúng tôi mong muốn có thể xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp bền vững”, ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.

Nỗ lực thúc đẩy phát triển bền vững

Cũng theo Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VBCSD, năm 2018 sẽ là năm đầu tiên VBCSD-VCCI được lãnh đạo Chính phủ giao tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững, phối hợp với Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh và Ngân hàng thế giới. Dự kiến, Hội nghị  diễn ra vào ngày 05/07 tại Hà Nội.

“Chúng tôi rất vinh dự khi đón nhận trọng trách này bởi điều đó minh chứng cho việc những nỗ lực thúc đẩy phát triển bền vững trong những năm vừa qua của VBCSD-VCCI đã được Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao”, ông Nguyễn Quang Vinh chia sẻ.

Phát triển bền vững giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư và mở rộng thị trường.

Phát triển bền vững giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư và mở rộng thị trường.

Theo đó, Hội nghị dự kiến sẽ được diễn ra trong 2 phiên, phiên buổi sáng dự kiến nội dung sẽ tập trung vào các nội dung chính: nền kinh tế tuần hoàn, tương lai của việc làm, lập báo cáo bền vững, đổi mới sáng tạo và phiên buổi chiều sẽ tập trung vào cuộc đối thoại giữa Chính phủ và các bên liên quan để thúc đẩy hợp tác công tư nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh CMCN 4.0 hiện nay.

Cũng theo ông Nguyễn Quang Vinh, chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nền kinh tế tuần hoàn cũng là một chương trình trọng điểm dài hơi của VBCSD-VCCI.

Theo đó, hoạt động đầu tiên của Chương trình chính là sáng kiến “Không xả thải vào thiên nhiên” đã được khởi động vào cuối tháng 1/2018. Sáng kiến này là nỗ lực chung của VBCSD-VCCI, Unilever Việt Nam, Coca-Cola Việt Nam và Dow Chemical Việt Nam để giải quyết những vấn đề phát sinh từ chất thải nhựa, đồng thời xây dựng và phát triển những mô hình kinh doanh tiên tiến, theo định hướng kinh tế tuần hoàn.

“Không chỉ dừng lại ở ngành nhựa, chúng tôi rất hoan ngênh các doanh nghiệp trong các ngành khác như vật liệu xây dựng, thủy sản, dệt may, da giày... phối hợp cùng chúng tôi triển khai các sáng kiến mới. Nền kinh tế tuần hoàn, nơi không còn khái niệm chất thải, nơi mọi nguồn lực đều được tận dụng và khai thác hiệu quả, giúp giải quyết các vấn đề môi trường chính là đích đến cuối cùng của chúng tôi thông qua chương trình này”, ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phát triển bền vững "giấy thông hành" giúp doanh nghiệp hội nhập quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO