"Phát triển bền vững" đã và đang được cộng đồng doanh nghiệp Việt ứng dụng. Tuy nhiên, việc ứng dụng vào thực tiễn doanh nghiệp vẫn còn rất hạn chế, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp SME.
Doanh nghiệp không chỉ được đo bằng lợi nhuận…
Tại Diễn đàn “Cùng tiến tới doanh nghiệp tương lai” do Hiệp hội doanh nhân nữ TP.HCM (Hawee) vừa tổ chức tại TP.HCM đã cho thấy sự cần thiết của sự liên kết, chia sẻ giữa các doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh thì mới có thể tạo ra giá trị chung cho nền kinh tế…
Như lời khẳng định của bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty JPNJ kiêm Chủ tịch Hawee: “Phát triển ổn định và bền vững là tất yếu, vì cùng với sự gia tăng dân số thế giới, nhu cầu của con người ngày càng tăng, trong khi nguồn tài nguyên ngày một cạn kiệt, môi trường đất, nước, không khí ô nhiễm ngày một trầm trọng…”.
Chính vì thế, vào năm 2015, Liên hiệp quốc (LHQ) đã ra tuyên bố chung về Phát triển bền vững trong vòng 15 năm (2015-2030). Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ký kết tuyên bố chung này, nhưng đến nay, trong khi các quốc gia Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Indonesia… đã đưa báo cáo Phát triển bền vững vào luật doanh nghiệp thì Việt Nam vẫn chưa thể thực hiện.
Mặc dù vậy, bà Dung cho rằng, Việt Nam sẽ nhanh chóng thực hiện điều này để hội nhập với khu vực và thế giới. Hay theo ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững (VBCSD): Phát triển bền vững là một xu thế tất yếu – nhằm hướng đến một nền kinh tế xanh, không chỉ là tiền, mà lợi ích cho toàn xã hội.
Với thông điệp này, chính các doanh nghiệp trong nước cũng phải thích ứng, tìm hiểu để thay đổi, nếu không muốn người tiêu dùng tiềm năng - thế hệ milinials, quyết định sự tồn vong của doanh nghiệp - rất quan tâm đến vấn đề Phát triển bền vững.
Bởi hiện nay, việc đánh giá thành công của một doanh nghiệp không chỉ được đo bằng lợi nhuận mà còn bao gồm cách doanh nghiệp đó ứng xử, cảm kết trách nhiệm với môi trường, xã hội như thế nào? khi cả ba yếu tố này tạo thành vòng tròn, có sự liên kết chặt chẽ thì doanh nghiệp mới Phát triển bền vững.
Từ đó, bà Dung gợi ý một số hành động cụ thể cho các doanh nghiệp: Tạo ra sản phẩm/ dịch vụ mang tính bền vững: chẳng hạn sản phẩm có thể tái chế, vòng đời lâu dài, xem con người là yếu tố quan trọng trong doanh nghiệp; Cải thiện tính hiệu quả trong sản xuất như: Giảm tiêu thụ điện, nước, nhiêu liệu, khí thải…Tuân thủ luật bảo vệ môi trường quốc gia.
Có thể bạn quan tâm
14:33, 24/09/2019
18:48, 13/09/2019
05:00, 13/09/2019
16:48, 12/09/2019
14:57, 12/09/2019
Trên quan điểm này, bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch HĐQT Công ty Vĩnh Hoàn chia sẻ, khi thành lập Vĩnh Hoàn, khát khao duy nhất của tôi là góp phần xây dựng nên ngành thực phẩm chế biến Việt Nam. Bởi vì sản phẩm của chúng tôi là sản phẩm nông nghiệp nên áp lực về môi trường là rất lớn, và bí quyết của Vĩnh Hoàn nằm ở yếu tố con người.
Bà Khanh cho biết thêm: 22 năm trước, đội ngũ nhân viên của Vĩnh Hoàn đã được huấn luyện về tư duy Phát triển bền vững, từ đó chuyển thông điệp này đến những hộ chăn nuôi là các chính sách về môi trường, đảm bảo nguồn cá đầu ra đáp ứng được chất lượng, chuyển tải tư duy về cộng đồng, xã hội đến đối tác và khách hàng.
Bởi theo bà Khanh “Cho dù bán sản phẩm tốt nhưng ra thị trường quốc tế, đối tác sẵn sàng trả giá từng cent một. Và cách của chúng tôi là chia sẻ thông tin với họ, thuyết phục họ, để họ hiểu được câu chuyện và hành trình chúng tôi đang theo đuổi. Đó không phải là vì lợi ích của công ty mà là vì người chăn nuôi, vì môi trường xung quanh. Khi mọi chuyện tốt dần lên, nhiều đối tác đến thăm trại chăn nuôi vô cùng ngạc nhiên vì chẳng khác nào khu du lịch sinh thái”.
Với nhà phân phối, trong chính sách, Vĩnh Hoàn không chỉ có giá ưu đãi mà còn hỗ trợ để họ nhận diện được Phát triển bền vững.
Trong môi trường kinh doanh, yếu tố con người góp phần phát triển bền vững
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Edwin Van der Sloot – Tổng giám đốc Công ty Scancom Việt Nam và bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Saigon Food hoàn toàn tán đồng với việc chú trọng đào tạo, xây dựng đội ngũ nhân sự.
Với Scancom, việc nói đi đôi với hành động đã trở thành văn hóa công ty, cách ứng xử giữa nhân viên với nhân viên, giữa cấp trên với cấp dưới. Scancom cũng dành khá nhiều thời gian để trang bị kiến thức, kỹ năng cho nhân viên, để họ hiểu được triết lý kinh doanh của công ty. Ông Edwin cho biết, chi phí ban đầu có thể cao nhưng sẽ giảm dần theo thời gian và hiệu quả đạt được như kỳ vọng.
Hay như lời chia sẻ của bà Lâm Saigon Food: Khi mới ra đời trong hơn hai năm đầu, nhưng thị phần thực phẩm chế biến đã chiếm trên thị trường không hề nhỏ với các sản phẩm cháo tươi ăn liền... Sự tin dùng của khách hàng chính là lời khẳng định chắc nịch cho chất lượng sản phẩm.
Vì là sản phẩm chăm sóc bữa ăn, sức khỏe cho người tiêu dùng nên đòi hỏi sự chi li, tỉ mỉ ở người thực hiện. Do đó, bí quyết then chốt là đào tạo nhân viên, dồn sự yêu thương, chăm chút cho sản phẩm. Quá trình đào tạo này gồm nhiều cấp: từ học kỳ cho sinh viên, tuyển sinh, quản trị viên tập sự hay gần đây là chương trình metori. Tất cả đều hướng đến mục tiêu duy nhất: tạo ra sản phẩm tốt nhất, bền vững trong lòng người tiêu dùng.
Cũng như lời nói của tỷ phú Warren Buffett:“Nếu muốn đi nhanh thì đi một mình. Nếu muốn đi thật xa hãy đi cùng nhau”. Rõ ràng, muốn đi xa, doanh nghiệp cần có những người bạn đồng hành cùng chí hướng, cùng quyết tâm. Muốn Phát triển bền vững, không doanh nghiệp nào có thể đứng ngoài vòng liên kết: lợi nhuận – môi trường – xã hội. Mọi sự bắt đầu từ tâm, khi đặt hết yêu thương vào hành trình phát triển, doanh nghiệp sẽ tìm được hướng Phát triển bền vững thiết thực và phù hợp.
Theo số liệu từ nghiên cứu và thống kê của Diễn đàn Kinh tế thế giới, doanh nghiệp Phát triển bền vững sẽ thu được lợi ích về nhiều mặt. Cụ thể: tăng 20% doanh thu, giảm 16% chi phí và tăng 30% giá trị thương hiệu. Nghiên cứu cũng chỉ ra 65% nhà đầu tư kỳ vọng doanh nghiệp xây dựng đường hướng quản trị không chỉ đối với việc kinh doanh mà còn đặt trong vòng tròn liên kết với môi trường và trách nhiệm xã hội.