Thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã đầu tư cơ sở hạ tầng, ban hành các chính sách thu hút doanh nghiệp, xây dựng và hoàn thiện các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực theo hướng phát triển bền vững.
Có chiều dài 65 km bờ biển, Bến Tre đã xác định kinh tế biển đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hình thành chuỗi giá trị sản phẩm
Ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, trong thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã ban hành và triển khai các chương trình, nghị quyết về phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững. Đồng thời, tỉnh cũng lồng ghép thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển, khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế biển.
Việc hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm đã giúp Bến Tre, phát huy tốt các thế mạnh, tiềm năng để phát triển kinh tế biển. Đặc biệt là các ngành kinh tế thuần biển đóng góp giá trị khá lớn trong tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh. Diện tích nuôi thủy sản năm 2018 đạt 46.000 ha, tạo ra sản lượng nuôi khoảng 267.000 tấn, trong đó có trên 90% sản lượng nuôi có giá trị kinh tế cao, chất lượng tốt phục vụ chế biến và xuất khẩu. Hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản với đội tàu khai thác thuỷ sản được tập trung đầu tư, nâng cấp. Tổng số lượng tàu khai thác thuỷ sản đăng ký 3.996 chiếc, trong đó có 2.100 tàu khai thác xa bờ, với công suất bình quân 580 CV/chiếc. Đặc biệt, các tổ, đội khai thác đã liên kết và thành lập được 160 Tổ hợp tác, với 1.745 tàu nhằm hỗ trợ, nâng cao hiệu quả khai thác và bảo vệ an ninh trên biển. Dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển; cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, với việc đầu tư các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão, trong đó có 01 cảng cá cấp vùng; hệ thống giao thông cơ bản thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa và giao thương; hạ tầng điện, thủy lợi cung cấp kịp thời cho nhu cầu khai thác, chế biến thủy hải sản.
Tỉnh Bến Tre đặc biệt chú trọng phát triển mạnh loại hình dịch vụ hậu cần nghề cá, thu mua, sơ chế hàng thủy sản, qua đó góp phần nâng giá trị tiêu thụ sản phẩm. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Nhật, Mỹ, EU, các nước Trung và Nam Mỹ và một số nước Châu Á.
Theo ông Nguyễn Trúc Sơn, những năm gần đây, tỉnh Bến Tre đang tích cực kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch ở các huyện biển. Với đặc thù “biển phù sa”, Bến Tre có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái biển, đặc biệt là vùng biển cồn Bửng, huyện Thạnh Phú và xã Thừa Đức, huyện Bình Đại, với lượng khách tham quan tại các huyện ven biển ngày càng tăng (bình quân 15%/năm), doanh thu ngành du lịch tăng bình quân 25%/năm. Đầu tư du lịch tập trung vào 4 nhóm, du lịch trải nghiệm lịch sử văn hóa, sinh thái rừng; di tích lịch sử; liên kết nông nghiệp gắn với phát triển du lịch; du lịch ứng phó với biến đổi khí hậu…
Bến Tre sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch biển tại các vùng có tiềm năng phát triển du lịch biển như: khu vực Thừa Đức, Cồn Nhàn - Cồn Ngoài, Cồn Hố, Cồn Bửng.
Bên cạnh đó, với lợi thế bờ biển dài 65km, số giờ nắng trung bình 7-9h/ngày, Bến Tre có điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án năng lượng tái tạo, nhất là phát triển điện gió và điện mặt trời. Hiện nay, tỉnh đã thu hút được 11 dự án điện gió, với tổng vốn đăng ký 35.495 tỷ đồng. Các dự án này đang hoàn tất các thủ tục pháp lý trước khi triển khai dự án, trong đó có 01 dự án điện gió, dự kiến tháng 12/2019, giai đoạn 1 của dự án sẽ hoạt động với công suất 30 MW.
Đặc biệt, tỉnh Bến Tre đã xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tập trung gắn với phát triển các khu đô thị ven biển. Hiện, tỉnh đang thu hút đầu tư vào KCN Phú Thuận và CCN Bình Thới (Bình Đại); CCN An Hòa Tây, CCN Thị trấn - An Đức (Ba Tri); lập quy hoạch chi tiết CCN An Nhơn (Thạnh Phú).
Có thể bạn quan tâm
17:14, 01/11/2019
17:09, 01/11/2019
17:05, 01/11/2019
16:54, 01/11/2019
Kinh tế biển đạt tối thiểu 30% GRDP
Ông Nguyễn Trúc Sơn cho biết, thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tỉnh Bến Tre đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành một trong những tỉnh phát triển mạnh và bền vững về kinh tế biển. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh dựa vào kinh tế biển với đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển đạt tối thiểu 30% tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh.
Trên cơ sở đánh giá tiềm năng phát triển, Bến Tre đã xác định tập trung phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế đột phá. Trước tiên, có sự ưu tiên trong phát triển tiềm năng về năng lượng tái tạo thông qua tập trung triển khai và kêu gọi đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời, nhất là những vùng đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả.
Song song với phát triển điện gió, tỉnh Bến Tre cũng tập trung phát triển du lịch biển. Trong đó, quan tâm đầu tư và kêu gọi đầu tư hoàn thiện hạ tầng phát triển du lịch, nhất là giao thông, điện, nước tại các vùng có tiềm năng phát triển du lịch biển; Xây dựng, phát triển, đa dạng hoá các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển bền vững, gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị di sản thiên nhiên, văn hoá của tỉnh.
Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư hạ tầng các khu, CCN trên địa bàn 03 huyện ven biển Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú, tỉnh cũng nghiên cứu các phương án phát triển đô thị ven biển bền vững, đô thị thông minh gắn với đảm bảo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Ông Nguyễn Trúc Sơn cho biết, để đạt mục tiêu đề ra, Bến Tre sẽ có những định hướng cụ thể, tạo đột trong từng lĩnh vực. Chẳng hạn, trong nuôi trồng thủy sản, tỉnh sẽ ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học và thân thiện với môi trường, nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm an toàn. Bến Tre phấn đấu đến năm 2030 diện tích nuôi thủy sản biển đạt 42.000 ha, sản lượng đạt 136.000 tấn, 100% diệntích tập trung thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực đạt chứng nhận VietGap, GlobalGAP, ASC, BAP.... Bên cạnh việc nuôi trồng thủy sản, Bến Tre cũng đẩy mạnh khai thác, đánh bắt hải sản xa bờ gắn với tiếp tục đổi mới cơ cấu thuyền, nghề và phát triển các mô hình dịch vụ trên biển; khai thác hải sản gần bờ gắn với phát triển du lịch, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường…
Tỉnh Bến Tre cũng đặt mục tiêu thu hút các doanh nghiệp đầu tư 5-6 nhà máy chế biến thủy sản, trong đó 2-3 nhà máy chế biến tôm. Và trong tương lai sẽ hình thành 01 khu công nghiệp kinh tế biển tại huyện Thạnh Phú để phục vụ các hoạt động kinh tế, công nghiệp biển…
Theo ông Nguyễn Trúc Sơn, cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn 03 huyện biển, tỉnh Bến Tre cũng nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các nhà đầu tư triển khai các dự án trên địa bàn.