Phát triển ngân hàng mở tại Việt Nam: Còn khoảng trống pháp lý

Diendandoanhnghiep.vn Ngân hàng mở là một mô hình sáng tạo không chỉ từ góc độ cạnh tranh mà còn ở góc độ gắn kết khách hàng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề về kỹ thuật và pháp lý cần phải hoàn thiện.

>> Cơ hội cho ngân hàng số ở Việt Nam (kỳ 1): Xu thế tất yếu của kinh tế số

Ý nghĩa từ mô hình kinh doanh mới

Trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển như hiện nay, việc các tổ chức cùng hợp tác để phát triển và phục vụ khách hàng tốt hơn ngày càng phổ biến. Ngân hàng mở (Open Banking) cũng là một mô hình kinh doanh mới và tiềm năng theo xu hướng này.

Các nghiên cứu cho thấy, ngân hàng mở đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển và đổi mới của các dịch vụ ngân hàng - tài chính (ảnh minh hoạ)

Các nghiên cứu cho thấy, ngân hàng mở đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển và đổi mới của các dịch vụ ngân hàng - tài chính (ảnh minh hoạ)

Theo đó, ngân hàng cho phép bên thứ ba viết ứng dụng và cung cấp dịch vụ từ chính dữ liệu của ngân hàng. Tuy nhiên, cũng có một số rủi ro đối với khách hàng khi nhiều dữ liệu của họ được chia sẻ rộng rãi hơn.

Về mặt công nghệ, ngân hàng mở dựa trên các API là một phương tiện kết nối hai phần mềm với nhau để trao đổi thông điệp hoặc dữ liệu ở định dạng chuẩn hay nói một cách đơn giản hơn, đó chỉ là một cách giúp phần mềm nói chuyện với phần mềm khác. API mở không chỉ cho phép các tương tác được chuẩn hóa giữa các bên tham gia mà còn thúc đẩy đổi mới trong mô hình kinh doanh. Nhờ các API mở mà các nhà phát triển bên ngoài có thể tạo các chương trình, công cụ hoặc ứng dụng phù hợp với thông tin do ngân hàng cung cấp.

Các nghiên cứu cho thấy, ngân hàng mở đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển và đổi mới của các dịch vụ ngân hàng - tài chính. Với việc phát triển dịch vụ ngân hàng mở, các ngân hàng sẽ bắt đầu tạo mối quan hệ đối tác với một số ngân hàng, công ty dịch vụ tài chính và nhà cung cấp bên thứ ba khác, dẫn đến một giai đoạn mới của tài chính mở. Điều này hỗ trợ chuyển đổi các ngân hàng thành “thị trường” cung cấp sản phẩm đặc thù từ đề nghị của tổ chức và nhà cung cấp bên thứ ba khác để khách hàng của họ lựa chọn.

Cùng với đó là tạo sự cạnh tranh nhiều hơn trong ngành tài chính khi là nền tảng trung gian giúp dân chủ hóa khả năng cá nhân hóa, trong khi vẫn giữ cân bằng chi phí. Với ưu điểm này, mọi ngân hàng đều có thể nâng cao dịch vụ mà không còn phải lựa chọn giữa cá nhân hóa hay hiệu quả chi phí, tạo điều kiện cho sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành tài chính. Nhưng chính sự cạnh tranh này mới buộc các ngân hàng liên tục nâng cấp dịch vụ để níu chân khách hàng. Đồng thời là cơ hội để các ngân hàng tăng cường mối quan hệ với người tiêu dùng, tạo ra nhiều cuộc trao đổi về chi tiêu và lựa chọn quản lý tiền.

Quy định ngân hàng mở phụ thuộc rất nhiều vào API và đóng vai trò là tài sản quý giá cho các công ty dịch vụ tài chính. Bởi vì, nó cho phép họ tăng cường cung cấp dịch vụ, cải thiện sự tham gia của khách hàng và xây dựng các kênh doanh thu kỹ thuật số mới.

>> Còn nhiều dư địa phát triển ngân hàng số

Thực trạng triển khai tại Việt Nam

Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0, đây chính là nền tảng để các bộ, ban, ngành xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin và công nghệ số để bảo đảm an toàn, an ninh mạng tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số.

Các ngân hàng thương mại cũng đã nhận thức được tiềm năng, thách thức cũng như nhu cầu cấp thiết phải đáp ứng nhu cầu xây dựng hệ sinh thái ngân hàng mở (ảnh minh hoạ)

Các ngân hàng thương mại cũng đã nhận thức được tiềm năng, thách thức cũng như nhu cầu cấp thiết phải đáp ứng nhu cầu xây dựng hệ sinh thái ngân hàng mở (ảnh minh hoạ)

Các ngân hàng thương mại cũng đã nhận thức được tiềm năng, thách thức cũng như nhu cầu cấp thiết phải đáp ứng nhu cầu xây dựng hệ sinh thái ngân hàng mở. Thống đốc NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo về lĩnh vực Fintech theo Quyết định số 328/QĐ-NHNN, nghiên cứu, xây dựng việc kết nối, chia sẻ dữ liệu thông qua giao diện chương trình ứng dụng Open API là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ban.

Tháng 6/2018, Cục Công nghệ thông tin của NHNN đã tiến hành khảo sát giao diện kết nối ứng dụng Open API trong lĩnh vực tài chính ngân hàng để xác định: Một là, hiện trạng cung cấp, chia sẻ dữ liệu giữa ngân hàng với khách hàng và bên thứ ba; Hai là, nhu cầu về chuẩn kết nối chung cho ngành ngân hàng với các công ty Fintech. Kết quả khảo sát chính là cơ sở để NHNN hoạch định khung pháp lý xây dựng hệ sinh thái Open Banking tại Việt Nam.

Các ngân hàng thương mại cũng đã nhận thức được tiềm năng, thách thức cũng như nhu cầu cấp thiết phải xây dựng hệ sinh thái ngân hàng mở. Hiện đã có rất nhiều ngân hàng ở Việt Nam đang ứng dụng ngân hàng mở trong hoạt động của mình. Một số ngân hàng như VietinBank, Agribank, BIDV, VPBank, Vietcombank... đều đã triển khai ngân hàng mở.

Ví dụ, VietinBank đã phát triển nền tảng chia sẻ giao diện lập trình ứng dụng mở (Open APIs) mang tên VietinBank iConnect. VietinBank đã có hơn 127 API được cung cấp trên thị trường với hơn 73 đối tác trên nền tảng iConnect; BIDV đã thúc đẩy và hoàn thiện cổng thanh toán theo hướng ngân hàng mở (BIDV Paygate) kết nối với gần 2.000 nhà cung cấp dịch vụ bán lẻ và các trung gian thanh toán. Điều này cho phép khách hàng thanh toán hóa đơn điện, nước, truyên hình, Internet, viễn thông, mua vé máy bay, vé xem phim, học phí, viện phí, nộp thuế và các dịch vụ công không dùng tiền mặt; Ứng dụng ngân hàng số Timo Plus kết hợp Bản Việt Bank...

Hay TPBank với dịch vụ kết nối thanh toán qua API mở cho phép doanh nghiệp truy vấn, theo dõi sự thay đổi số dư tài khoản, trạng thái của giao dịch chuyển tiền đi và các thông tin khác theo nhu cầu như: Lấy mã định dạng của các ngân hàng, thông tin của ngân hàng chuyển tiền đến, lấy thông tin điện chuyển tiền... bất cứ lúc nào mà không cần phải liên hệ với ngân hàng, giúp doanh nghiệp lớn có nhu cầu thực hiện hàng nghìn giao dịch chuyển tiền mỗi ngày nhanh chóng và đơn giản, gia tăng khả năng quản lý dòng tiền, cũng như tiết kiệm được nguồn nhân lực, thời gian và chi phí tài chính.

5 gợi mở chính sách

Trên cơ sở đánh giá kinh nghiệm phát triển trên thế giới và thực trạng phát triển ngân hàng mở tại Việt Nam, có một số hàm ý chính sách như sau:

Thứ nhất, xây dựng chiến lược phù hợp. Trong giai đoạn chuyển hóa ngân hàng từ mô hình truyền thống sang mô hình mở, các ngân hàng cần phải đưa ra lựa chọn chiến lược trước sự cạnh tranh của thị trường hoặc nhu cầu pháp lý, dựa trên vị thế thị trường của chính họ và trách rủi ro. Các ngân hàng buộc phải cân nhắc xem có nên chủ động xây dựng các dịch vụ được cá nhân hóa để có được khách hàng hay chiếm lĩnh thị phần.

Thứ hai, xây dựng kho dữ liệu tiện ích. Theo giới chuyên gia, cốt lõi của Open Banking là dữ liệu. Để thực sự “mở”, dữ liệu phải được truy cập tự do và các tổ chức tài chính phải hợp nhất dữ liệu nội bộ và cung cấp chúng cho ứng dụng kết hợp với dữ liệu bên ngoài.

Thứ ba, tập trung vào nắm bắt nhu cầu của khách hàng. Open Banking mới phát triển nên công nghệ ngân hàng cũng là sở thích tiêu dùng của khách hàng. Ngân hàng mở thực sự tập trung vào các mối quan tâm cốt lõi của khách hàng. Khách hàng sẽ có nhiều sự lựa chọn, so sánh và chuyển đổi liền mạch với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính. Tình trạng tài chính của khách hàng được coi là một tổng thể. Bởi họ không cần phải xử lý nhiều tài khoản, mà chỉ cần thông qua dịch vụ tài chính, các nhu cầu của khách hàng có thể được đáp ứng như: xử lý tài khoản với hiệu quả cao, chuyển đổi tài khoản theo ý muốn.

Thứ tư, đầu tư thỏa đáng cho công nghệ bảo đảm an ninh. Hiện nay đã có rất nhiều nền tảng với các công nghệ tài chính tiên tiến, bao gồm: Việc phát hiện gian lận dựa trên Internet, tích hợp thanh toán dựa trên Internet, quản lý tài sản dựa trên Internet, trí tuệ nhân tạo (AI) và nền tảng blockchain.

Tuy nhiên, vì các công nghệ tài chính chỉ xử lý các ứng dụng chung, để áp dụng chúng cho các kịch bản cụ thể sẽ đòi hỏi cấu hình đáng kể. Điều này có thể là đòi hỏi quá sức đối với các ngân hàng vừa và nhỏ.

Thứ năm, xác định những chiến lược phù hợp cho các ngân hàng. Theo đó, cần bảo đảm các yêu cầu như: (1) Đầu tư, xây dựng nền tảng công nghệ thông tin ngân hàng để đảm bảo khả năng tổng hợp, cung cấp dữ liệu khách hàng và kết nối với các bên thứ ba thông qua các API mở; (2) Duy trì các mối quan hệ hiện có với khách hàng, đồng thời tích cực chuẩn bị cho lộ trình xây dựng ngân hàng mở để đảm bảo rằng ngân hàng vẫn là lựa chọn ưu tiên của khách hàng; (3) Hợp tác và tích hợp các tiện ích dịch vụ của các bên thứ ba nhằm nâng cao khả năng phân phối, xây dựng chuỗi giá trị cho dịch vụ ngân hàng cung cấp và tận dụng lợi thế người tiên phong trong hệ sinh thái ngân hàng mở; (4) Nâng cao khả năng bảo mật cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn công nghệ từ khung pháp lý quản lý cho ngân hàng mở của NHNN. Cuối cùng là sớm hoàn thiện khung pháp lý về Open Banking.

Thực tế, ngân hàng mở là một mô hình sáng tạo cho ngành tài chính, ngân hàng không chỉ từ góc độ cạnh tranh mà còn ở góc độ gắn kết khách hàng. Ngân hàng mở giúp khách hàng có những dịch vụ tốt, khách hàng quản lý các vấn đề tài chính của họ, đưa ra quyết định tốt hơn, tiết kiệm hơn. Sử dụng API, các ngân hàng có thể tích hợp với hệ thống nội bộ và các đối tác bên ngoài theo cách đơn giản hơn, an toàn và được kiểm soát.

Tuy nhiên, để ngân hàng mở tiếp tục phát triển thì còn nhiều vấn đề về kỹ thuật và pháp lý cần phải hoàn thiện. Theo đó, ngân hàng mở sẽ thay đổi căn bản mô hình kinh doanh, tiếp thị, kiểm soát rủi ro và hoạt động của các ngân hàng, mở rộng dịch vụ và tạo ra cơ hội bứt phá mới cho ngành ngân hàng.

Đồng thời, sự dịch chuyển mô hình kinh doanh ngân hàng từ hệ sinh thái đóng sang hệ sinh thái mở sẽ là bước đột phá quan trọng mang lại nhiều lợi ích hơn cho nền kinh tế, nhưng những rủi ro, thách thức vẫn đi cùng là điều khó tránh. Tuy nhiên, đây là xu hướng tất yếu của hoạt động kinh doanh ngân hàng trong thời đại CMCN 4.0. Vì thế, hệ thống ngân hàng Việt Nam cần chủ động tích cực trong quá trình chuyển đổi, bảo đảm lợi thế cạnh tranh và đáp ứng yêu cầu của lộ trình xây dựng hệ thống ngân hàng số quốc gia.

* ĐH Thương mại

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Phát triển ngân hàng mở tại Việt Nam: Còn khoảng trống pháp lý tại chuyên mục DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711642763 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711642763 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10