Phát triển nguồn lực tài chính cho Vùng đồng bằng sông Hồng

Bài - Ảnh: THY HẰNG 26/07/2022 18:28

Để tăng cường nguồn lực tài chính, thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn ĐBSH nhằm hiện thực hóa các định hướng Nhóm chuyên gia Viện ĐT&NC BIDV đưa ra 6 đề xuất.

>>>Thương mại ven sông Hồng phát triển theo hướng nào?

Ngày 26/7, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Nam Định tổ chức Hội thảo “Phát triển kết cấu hạ tầng và kinh tế biển vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tại Nam Định. 

Hội thảo “Phát triển kết cấu hạ tầng và kinh tế biển vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tại Nam Định.

Hội thảo “Phát triển kết cấu hạ tầng và kinh tế biển vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tại Nam Định.

Phát triển chưa tương xứng

Theo TS.Cấn Văn Lực và Nhóm chuyên gia Viện ĐT&NC BIDV đánh giá, Để đáp ứng nhu cầu phát triển KTXH của Vùng, các nguồn lực tài chính đã được huy động khá hiệu quả, đa dạng bao gồm: vốn ngân sách, vốn đầu tư của khu vực tư nhân, vốn FDI, vốn tín dụng ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân và các nguồn vốn huy động khác theo xu hướng phát triển ngày càng hiện đại của thị trường tài chính Việt Nam và Vùng (cổ phiếu, trái phiếu, các quỹ đầu tư, Fintech, các nền tảng tài chính số...

Theo Cục thống kê các tỉnh, vốn của khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Vùng (60,1%), tiếp theo là vốn FDI (24,1%), vốn ngân sách chiếm tỷ trọng nhỏ nhất trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội của cả Vùng (15,7%).

Tuy nhiên, nguồn lực tài chính còn nhiều hạn chế, ví dụ như hiệu quả vốn ngân sách còn hạn chế: (i) Tỷ lệ chi chuyển nguồn từ năm trước sang năm sau còn cao: Tỷ trọng chi chuyển nguồn/tổng chi NSĐP tăng từ mức 18,1% năm 2016 lên 22,3% năm 2021, phản ánh bất cập trong công tác sử dụng ngân sách của Vùng: nhiều mục chi đã dự toán song không thực hiện được trong khi nhiều nhiệm vụ quan trọng khác không được bố trí ngân sách để triển khai gây lãng phí nguồn lực; việc triển khai các kế hoạch, nhiệm vụ chậm so với kế hoạch của TW giao và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội (chẳng hạn, đến nay vẫn còn có tỉnh chưa triển khai phân bổ dự toán ngân sách năm 2021 hoặc chưa có quyết toán chính thức ngân sách năm 2019, 2020); công tác chuyển giao vốn bổ sung từ TW chậm.

Cùng với đó, nhiều khoản chi kết dư, tồn đọng từ nhiều năm chưa được giải quyết triệt để đã và đang giảm hiệu quả chi ngân sách trong bối cảnh cân đối ngân sách còn khó khăn; (ii) Chi đầu tư phát triển vẫn tăng chậm ở nhiều địa phương chủ yếu do tiến độ giải ngân đầu công chậm, các khó khăn, vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính, xử lý vi phạm về đầu tư công... còn chưa thực sự được giải quyết triệt để và hiệu quả; (iii) Thu NSĐP đang bộc lộ một số yếu tố kém bền vững như phụ thuộc của nguồn thu NS vào doanh nghiệp FDI, một số doanh nghiệp, Tập đoàn lớn (chẳng hạn thu NS của Hưng Yên tăng mạnh vượt dự toán trong 6T/2022 là do số thuế của hai dự án lớn của Vinhomes) điều này tiềm ẩn rủi ro khi tốc độ tăng trưởng thu NS của khối doanh nghiệp FDI có xu hướng chậm lại năm 2020-2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh, sự gián đoạn các chuỗi cung ứng; thu tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng khoảng 13-15% tổng thu NSĐP, cao hơn mức trung bình cả nước là 8- 10%, đồng thời, có thời điểm tăng đột biến 40-50% (thậm chí 80-90%) ở nhiều địa phương có thể là dấu hiệu của tình trạng tăng nóng, đầu cơ BĐS.

Bên cạnh đó, hoạt động tín dụng ngân hàng còn nhiều bất cập: (i) Một số tỉnh có số lượng chi nhánh thấp so với trung bình của Vùng (26 chi nhánh NHTM) và cả nước (22 chi nhánh), chủ yếu là các tỉnh Nam ĐBSH như Hà Nam và Thái Bình (18), Nam Định và Ninh Bình (17) do quy mô, năng lực kinh tế, thu nhập bình quân/người thấp hơn so với các tỉnh Bắc ĐBSH. (ii) Quy mô dư nợ Vùng còn thấp so với cả nước: Quy mô dư nợ của Vùng chỉ chiếm khoảng 8,45% tổng dư nợ toàn nền kinh tế trong giai đoạn 2016-2021, thấp hơn nhiều nhu cầu vốn cho phát triển của địa bàn chiến lược, nhiều lợi thế và năng động này. Dư nợ tín dụng, huy động vốn tập trung chủ yếu tại Hà Nội (chiếm khoảng 80% tổng dư nợ và huy động vốn toàn Vùng), 10 tỉnh còn lại chỉ chiếm khoảng 22% tổng dư nợ tín dụng của Vùng; hơn nữa, tỷ trọng vốn ngắn hạn/tổng dư nợ tín dụng còn cao (khoảng 70-80%), chưa đáp ứng nhu cầu vốn trung dài hạn; (iii) Quy mô và năng lực, mức độ lành mạnh của một số TCTD, quỹ TDND trên địa bàn còn hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của người dân và DN; thách thức khả năng phát triển các dịch vụ ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt; (iv) Ngành ngân hàng trên địa bàn ĐBSH cũng đối diện với nhiều thách thức chung của ngành ngân hàng Việt Nam như khung pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới còn chậm, cơ cấu lại các TCTD yếu kém còn chậm, nợ xấu tiềm ẩn gia tăng, tội phạm tài chính gia tăng...

TS.Cấn Văn Lực và Nhóm chuyên gia Viện ĐT&NC BIDV

TS.Cấn Văn Lực và Nhóm chuyên gia Viện ĐT&NC BIDV.

Về thu hút vốn FDI cũng chưa tương xứng với tiềm năng của Vùng. Vốn bình quân/dự án ở mức thấp (chỉ 14,2 triệu USD/dự án), thấp hơn so với mức 26-27 triệu USD của Vùng Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và DHMT, ĐBSCL; một số tỉnh thu hút đầu tư FDI thấp hơn so với lợi thế, chưa phát huy hiệu quả các chính sách ưu đãi (Quảng Ninh, Vĩnh Phúc chỉ chiếm 5-6% tổng FDI của Vùng); tỷ trọng vốn FDI thực hiện so với tổng vốn đầu tư toàn xã hội của nhiều tỉnh còn thấp so với mức bình quân toàn vùng (chẳng hạn, Hà Nội có tỷ lệ thu hút FDI chiếm tỷ trọng cao nhất toàn vùng 29,8% song vốn FDI thực hiện chỉ chiếm 12% tổng vốn ĐT toàn xã hội); quy mô vốn/dự án FDI của các tỉnh Nam ĐBSH (Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình) là 10,5 triệu USD, thấp hơn mức bình quân của Vùng là 14,2 triệu USD. Cùng với đó số liệu về giải ngân vốn FDI chưa được thống kê đầy đủ, điều này ảnh hưởng đến việc đánh giá chính xác tỷ trọng, mức đóng góp của vốn FDI trong các hoạt động kinh tế, xã hội của địa phương.

Đặc biệt, quy mô của doanh nghiệp còn nhỏ, hoạt động kinh doanh còn khó khăn. Mặc dù số lượng doanh nghiệp tương đối lớn so với các vùng và cả nước song quy mô doanh nghiệp nhỏ (hơn 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ), vốn đăng ký bình quân/ doanh nghiệp thành lập mới chỉ khoảng 12,9 tỷ đồng/ doanh nghiệp, thấp hơn mức bình quân của cả nước (16,6 tỷ đồng/ doanh nghiệp), thấp hơn so với Đông Nam Bộ (23,3 tỷ đồng/ doanh nghiệp); tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có lãi thấp hơn so với hầu hết các Vùng khác (tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi đạt 43,5% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả kinh doanh, thấp hơn Vùng Trung du miền núi phía Bắc (51,3%) và Vùng ĐBSCL (60,6%); tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu của DN còn thấp (trung bình chỉ 2,3%/năm); ROA, ROE sụt giảm trong giai đoạn 2015-2019.

>>>Giải pháp kết nối chuỗi đô thị thông minh vùng Đồng bằng sông Hồng

>>>Nền tảng bản đồ tiên phong cung cấp thông tin quy hoạch sông Hồng, sông Đuống có gì đặc biệt?

Sáu giải pháp đột phá

Để tăng cường nguồn lực tài chính, thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn ĐBSH nhằm hiện thực hóa các định hướng, mục tiêu trong giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nhóm nghiên cứu đề xuất 6 nhóm giải pháp trọng tâm, đột phá.

Thứ nhất, sớm hoàn thiện các quy hoạch quan trọng của Vùng: (i) “Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSH giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050” tạo điều kiện cho 11 địa phương xây dựng quy hoạch tỉnh/TP, đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, hỗ trợ nhau cùng phát triển; trong đó chú trọng ứng dụng phương pháp đánh giá SWOT (thế mạnh- điểm yếu; cơ hội-thách thức), các phương pháp đánh giá định lượng trong phân tích, đánh giá về tiềm năng, lợi thế, thực trạng và triển vọng của Vùng; (ii) Ban hành chiến lược/quy hoạch phát triển từng tiểu vùng trong Vùng ĐBSH như tiểu vùng Bắc ĐBSH, tiểu vùng Nam ĐBSH, vùng kinh tế Đông Bắc Bộ (tam giác Hà Nội –Hải Phòng –Quảng Ninh) với các định hướng nhất quán, phù hợp với Quy hoạch tổng thể Vùng ĐBSH; xây dựng các chỉ tiêu có tính định lượng, khả thi, phát huy được vai trò, vị thế của từng tiểu vùng trong sự phát triển chung của Vùng ĐBSH.

Thứ hai, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư – kinh doanh; nâng tầm quy mô và hiệu quả thực chất của cơ chế liên kết Vùng để thu hút và phát triển các nguồn lực tài chính: (i) Cải thiện chỉ số PCI (nhất là các địa phương có sự sụt giảm PCI trong giai đoạn 2016-2021), triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi mang tính đột phá về thu hút vốn FDI và vốn trong nước phù hợp đối với các định hướng phát triển chủ đạo của từng địa phương như: Nam Định thành “hạt nhân” của tiểu vùng Nam ĐBSH, là trung tâm công nghiệp, giáo dục - đào tạo nghề; Hà Nội thành trung tâm tài chính - ngân hàng đẳng cấp quốc tế; Hải Phòng – Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển của Vùng; (ii) Xây dựng kế hoạch, cơ chế liên kết vùng rõ ràng và khả thi trong phát triển KT-XH, tập trung vào liên kết CSHT, KH-CN, phát triển nguồn nhân lực, du lịch, logistics, chế biến – chế tạo, giáo dục – y tế...v.v.; (iii) Xây dựng bộ phận điều phối, cơ quan chuyên trách thúc đẩy điều phối vùng.

Thứ ba, chú trọng phát triển doanh nghiệp hiệu quả, bền vững, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đối mới sáng tạo: (i) Tăng cường phối hợp giữa Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số và Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC), các trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước (trong đó có Hà Nội) trong hỗ trợ hệ sinh thái startups về vốn, công nghệ, thị trường; kỹ năng kinh doanh, truyền thông quảng bá, thương mại hóa sản phẩm...; (ii) Hình thành các DN số, DN đã chuyển đổi số thành công, DN ứng dụng CNTT có quy mô lớn, có năng lực và khả năng dẫn dắt, thúc đẩy chuyển đổi số của các DN trong các ngành có tiềm năng, lợi thế của Vùng như điện tử, viễn thông, sản xuất phần mềm, trí tuệ nhân tạo, sản xuất ô tô, công nghiệp hỗ trợ, tài chính ngân hàng, du lịch, các dịch vụ thương mại, logistics, nông nghiệp công nghệ cao, y tế chuyên sâu và dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao...(iii) Ban hành kịp thời các chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ, đặc biệt các DN phụ trợ, tham gia chuỗi liên kết, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; đầu mối chuyển giao công nghệ giữa DN FDI và DN trong nước; (iv) Nâng tầm quy mô và chất lượng của hệ thống DN, góp phần tạo nguồn thu NSĐP bền vững hơn (tốc độ tăng trưởng số lượng DN khoảng 10- 15%/năm, quy mô vốn bình quân/DN thành lập mới gấp 1,5-2 lần mức hiện tại và cao hơn so với mức trung bình cả nước; đồng thời gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục - đào tạo và các cơ hội việc làm, gia tăng thu nhập; nâng cao kỹ năng mềm và khả năng thích nghi và làm chủ công nghệ mới của CMCN 4.0; (v) Tiên phong, thí điểm trong phát triển mô hình HTX hiện đại theo Nghị quyết 19/NĐ-TW ngày 16/06/2022 và phát triển kinh tế tập thể theo Nghị quyết 20/NQ-TW ngày 16/06/2022 (tối thiểu 20% dân số tham gia HTX và tổ chức kinh tế tập thể; ít nhất 70% HTX tham gia các chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản; thu nhập bình quân người dân nông thôn gấp 2-3 lần năm 2021).

Thứ tư, tăng cường nguồn lực ngân sách địa phương: (i) Sớm ban hành Luật NSNN sửa đổi và Nghị định 163/2016/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật NSNN 2015 nhằm tạo thuận lợi, chủ động cho Vùng ĐBSH tự chủ ngân sách để thúc đẩy phát triển, phối hợp giữa các chính quyền địa phương, chú trọng các quy định mới về bội chi NSĐP; công khai dự toán, quyết toán NSĐP, báo cáo thuyết minh về tình hình thực hiện ngân sách; (ii) Nghiên cứu xây dựng cơ chế ưu đãi về thu - chi tài chính, ngân sách cho một số địa phương thuộc Vùng ĐBSH như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… (iii) Chú trọng hiện đại hóa tài chính công như nộp thuế điện tử, hải quan điện tử; dịch vụ công trực tuyến, thu phí lệ phí trực tuyến; tăng thu - chi ngân sách thông qua kết nối trực tuyến giữa KBNN và các NHTM; (iv) Tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến về chuyển đổi số tài chính công, phát triển Chính phủ số; hiện đại hóa thủ tục hành chính giữa các địa phương trong vùng và với các Vùng của cả nước; (v) Thí điểm thu thuế BĐS, triển khai mạnh giải pháp chống chuyển giá, thất thu thuế, nợ đọng thuế, nhất là tại các địa phương nhiều DN FDI...v.v.; (vi) đẩy mạnh hợp tác công tư (PPP) thực chất, hiệu quả; (vii) đi đầu về giải ngân đầu tư công, quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng.

Thứ năm, phát triển hoạt động ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân vừa phù hợp với thế mạnh của Vùng vừa đảm bảo an toàn, lành mạnh. Cụ thể, cơ cấu lại hoạt động của QTDND trên địa bàn, đảm bảo thực hiện tốt tôn chỉ hoạt động, nâng cao chất lượng – hiệu quả; ngăn ngừa rủi ro, sai phạm. Kết hợp phát triển ngân hàng số với NH truyền thống trong điều kiện tốc độ chuyển đổi số của nhiều địa phương, nhiều NHTM trên địa bàn còn chậm hơn so với mặt bằng chung của Vùng và cả nước.

Phát triển các hình thức cho vay hợp vốn, đồng tài trợ để đáp ứng nhu cầu tín dụng của các dự án lớn trên địa bàn trong điều kiện quy mô, năng lực của các TCTD còn nhỏ;

Chú trọng đa dạng sản phẩm - dịch vụ tài chính phù hợp với nhiều loại hình DN, mô hình kinh doanh, đặc trưng văn hóa, thị hiếu tiêu dùng, mức độ ứng dụng công nghệ. Theo đó, với các địa phương phát triển công nghiệp, xuất khẩu trọng điểm của cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh... nên tập trung phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính phục vụ các DN công nghiệp chế biến chế tạo, xuất khẩu; sản phẩm khách hàng cá nhân cao cấp phục vụ tầng lớp trung lưu. Với các địa phương có thế mạnh về phát triển nông – lâm – ngư nghiệp (Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định), chú trọng vốn các sản phẩm theo chuỗi nông nghiệp, tín dụng xanh, bảo hiểm nông nghiệp; huy động vốn và phát triển có chọn lọc một số dịch vụ ngân hàng số phù hợp. Với những địa bàn có hoạt động thương mại với quốc tế lớn như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, nên tăng cường các sản phẩm tài trợ thương mại, thanh toán quốc tế, thanh toán không dùng tiền mặt...

Thứ sáu, tăng cường chuyển đổi số và phát triển tài chính xanh: (i) Xây dựng Trung tâm ngân hàng số, Fintech (nên đặt tại Hà Nội) để hỗ trợ NHNN, Ban chỉ đạo Fintech, các TCTD nói chung và các TCTD trên địa bàn ĐBSH trong quá trình vận hành cơ chế quản lý thử nghiệm với các mô hình kinh doanh mới như Fintech, cho vay ngang hàng, huy động vốn cộng đồng, Proptech (Bất động sản số), Insurtech (Bảo hiểm số) và an ninh mạng; (ii) Các TCTD trên địa bàn trên cơ sở chủ trương, hướng dẫn của Hội sở chính xây dựng lộ trình và kế hoạch cụ thể, phù hợp trong việc triển khai chuyển đổi số (tập trung vào giao dịch khách hàng và tác nghiệp), kế hoạch, chương trình phối hợp các Fintech, Bigtechs, các ví điện tử để tăng năng lực cạnh tranh trên địa bàn, phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại, tăng trải nghiệm của khách hàng; (iii) Phát triển tài chính, tín dụng xanh với lộ trình và cơ chế hỗ trợ phù hợp như thành lập bộ phận/nhóm tín dụng xanh (theo ngành dọc tại các NHTM); hỗ trợ về vốn dài hạn thông qua các chương trình ưu đãi lãi suất, không tính phần cho vay tín dụng xanh vào phần vốn để tính tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, cơ chế chia sẻ lãi suất cho vay...

Có thể bạn quan tâm

  • Xây dựng Quảng Ninh, Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển

    18:01, 26/07/2022

  • Giải pháp kết nối chuỗi đô thị thông minh vùng Đồng bằng sông Hồng

    02:55, 30/06/2022

  • Nền tảng bản đồ tiên phong cung cấp thông tin quy hoạch sông Hồng, sông Đuống có gì đặc biệt?

    10:55, 26/05/2022

  • Thương mại ven sông Hồng phát triển theo hướng nào?

    04:10, 24/04/2022

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng

    20:20, 19/04/2022

  • Rủi ro đầu tư bất động sản ven sông Hồng

    05:00, 16/04/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phát triển nguồn lực tài chính cho Vùng đồng bằng sông Hồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO