Để phát triển thị trường nguyên vật liệu thứ cấp cần có sự tham gia của các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp lớn, siêu nhỏ nhỏ và vừa, cũng như các nhà đầu tư và các cơ sở nghiên cứu.
Ở bài trước Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin về việc, phát triển thị trường nguyên liệu thứ cấp cần có bức tranh tổng thể về cơ sở dũ liệu. Trong đó, liên quan đến các cấp độ của tiến trình xây dựng thị trường nguyên, vật liệu thứ cấp, ông Andrew Thomas Mangan- Giám đốc Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Hoa Kỳ, đã nhấn mạnh tới cấp độ xây dựng sàn giao dịch nguyên liệu thứ cấp.
- Với kinh nghiệm phát triển tại thị trường Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, nhà đầu tư Mỹ đã phát triển sàn giao dịch nguyên liệu thứ cấp như thế nào, thưa ông?
Trong tiến trình xây dựng thị trường nguyên liệu thứ cấp có nhiều cấp độ khác nhau. Ở cấp độ đơn giản nhất là xây dựng sàn giao dịch thị trường nguyên liệu thứ cấp. Tuy nhiên đây là sàn giao dịch trực tuyến, mọi thông tin về thông số, chi tiết kỹ thuật của từng loại nguyên liệu sẽ hiện lên khi người dùng chỉ vào ảnh vào vào thăm sàn giao dịch này.
Ngoài ra, cũng tại sàn giao dịch này, doanh nghiệp có thể sử dụng bảng điều kiện để theo dõi tiến độ trao đổi nguyên, vật liệu thứ cấp, cũng như kết nối với các doanh nghiệp khác. Ví dụ như liên kết với doanh nghiệp có thể chứng nhận về khả năng sử dụng hiệu quả một nguyên, vật liệu thứ cấp nào đó.
Hoặc, sàn giao dịch sẽ kết nối các bên có liên quan, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp bên cung ứng và doanh nghiệp tìm nguồn nguyên liệu. Có thể xem đây là một “sân chơi” cho các bên có liên quan tiếp cận dịch vụ, nguồn nguyên liệu. Đáng chú ý, đây sẽ là sàn giao dịch tự động. Nguyên lý hoạt động của sàn đó là ứng dụng tự động hoá, phân tích dữ liệu từ cơ sở dữ liệu sau đó số hoá.
Bên cạnh việc xây dựng sàn giao dịch, thì yếu tố về vận chuyển cũng cần phải được tính toán kỹ lưỡng. Đặc biệt, trong trường hợp tập hợp nguyên, vật liệu thứ cấp với khối lượng lớn thì kế hoạch thu gom như thế nào? Vận chuyển ra sao? Bài toán này đòi hỏi việc vận chuyện ở mức cao hơn, không chỉ đơn thuần dừng lại ở việc nhận diện nguyên, vật liệu thứ cấp mà còn phải là kết nối và vận chuyển.
- Vậy tiềm năng xây dựng sàn giao dịch thị trường nguyên liệu thứ cấp trực tuyến này ở Việt Nam sẽ như thế nào thưa ông?
Được biết, để chuẩn bị cho việc xây dựng thị trường nguyên liệu thứ cấp, hiện thực hoá sáng kiến của nền kinh tế tuần hoàn, đầu năm 2019, VCCI, VBCSD đã mời đại diện các bộ ngành, tham gia vào Tổ công tác nền kinh tế tuần hoàn, và xác định nhu cầu dữ liệu cần thu thập.
Theo đó, đến quý II/2019, sẽ tiến hành thu thập dữ liệu trên thị trường. Hiện nay đang có các nhóm làm việc tiến hành phỏng vấn tại cơ sở để thu thập thông tin về thị trường, trong quý III sẽ phân tích và tìm ra các cơ hội cụ thể, chi tiết.
Dựa trên những kết quả số liệu thu thập sơ bộ, chúng tôi thấy được xu hướng lớn, kinh doanh tích cực về sử dụng nguyên vật liệu thứ cấp tại Việt Nam, trong đó có nguyên vật liệu từ nhựa tái chế.
Hiện nay, 70% nguyên liệu sản xuất nhựa tại Việt Nam là nhập khẩu. Vì vậy, đây là cơ hội vô cùng lớn nếu các doanh nghiệp có thể đầu tư sản xuất nhựa từ sản phẩm nhựa tái chế thay cho việc nhập khẩu, với việc làm chủ nguồn nguyên liệu nhựa sản xuất.
Ngoài ra, cùng với chủ trương hạn chế tiến tới việc cấm nhập khẩu nhựa phế liệu để tái chế từ sau ngày 31/12/2024 của Chính phủ Việt Nam hồi tháng 3 vừa qua, thì đây thực sự là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia vào thị trường vẫn còn mới mẻ và tiềm năng này.
- Ông có thể dẫn chứng kết quả nào đó cụ thể của doanh nghiệp, nhà đầu tư?
Trước đây, một doanh nghiệp của Mỹ đã phải chôn lấp khoảng 11.000 tấn nhựa PET/năm, và doanh nghiệp này đã phải tiêu tốn 850.000 USD chi phí chôn lấp. Tuy nhiên, vào một ngày đẹp trời, trên thị trường xuất hiện một doanh nghiệp sản xuất xi măng có thể sử dụng sản phẩm nhựa này có thể kết hợp với than để tạo ra nguyên liệu sản xuất xi măng, do đó hai bên đã kết nối với nhau.
Kết quả là, doanh nghiệp này đã tiết kiệm ròng được 580.000 USD, trừ 260.000 USD ra, phần còn lại được tái đầu tư vào thiết bị máy móc đóng kiện, giảm chi phí xử lý, đồng thời chuyển lượng lớn nguyên liệu thứ cấp ra khỏi bãi rác, và hoàn toàn có thể sử dụng nguồn nguyên liệu này để thay thế cho than tại nhà máy xi măng.
Ngoài ra, một công ty bán dẫn khác của Mỹ đã xử lý vật liệu nhựa bị nhiễm dung môi – một trong những loại chất thải được coi là nguy hại. Theo đó, doanh nghiệp này đã kết hợp với một đối tác cung cấp dịch vụ để tách dung môi ra khỏi nhựa. Nhờ đó, đã giảm đáng kể chất nguy hại và tái sử dụng được chất thải nhựa. Mỗi năm, doanh nghiệp này đã tiết kiệm được khoảng 80.000 USD, thu hồi vật liệu được tái chế và giảm chi phí xử lý.
Theo đó, các doanh nghiệp đã sử dụng công nghệ mới, tuy nhiên những công nghệ này hoàn toàn không phức tạp, có thể ứng dụng tại Việt Nam để xử lý rác thải nhựa và các chất thải nguy hại gắn liền với nhựa. Những công nghệ này hoàn toàn có sẵn và có thể áp dụng trên quy mô toàn cầu.
- Vậy ông có kỳ vọng gì về sự hợp tác, chung tay của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, thưa ông?
Chúng tôi mong rằng, trong quá trình phát triển thị trường nguyên vật liệu thứ cấp này sẽ có sự tham gia của ngày càng nhiều các doanh nghiệp lớn, siêu nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp chia sẻ thông tin, liên kết với nhau để có thể tận dụng tối đa nguyên vật liệu thứ cấp trên hệ thống, cũng như các nhà đầu tư và các cơ sở nghiên cứu.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng cần tôn trọng nguyên tác đầy tư minh bạch, lành mạnh.
Về mặt pháp lý, những quy định, văn bản được ban hành trước đây có thể không phù hợp thậm chí là rào cản đối với nền tảng, thị trường nguyên liệu thứ cấp, cần phải được loại bỏ, hành lang pháp lý thông thoáng, xây dựng sân chơi bình đẳng mà ở đó tất cả các doanh nghiệp có thể tham gia và gia nhập thị trường.