Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô.
Đây là một trong những nội dung trong Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025, đã được Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý của đại diện văn nghệ sĩ, các nhà khoa học, trí thức, chức sắc tôn giáo; bí thư đảng ủy, hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, học viện trên địa bàn Hà Nội, ngày 5/6.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, đây là hội nghị thứ hai trong số 10 hội nghị lấy ý kiến sẽ được tổ chức nhằm hoàn thiện Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ mong muốn các đại biểu thẳng thắn đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trí tuệ, tập trung làm rõ những thành tựu, hạn chế, khuyết điểm, nguyên nhân để từ đó định hình chính xác phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp.
“Tất cả để có Dự thảo Văn kiện tốt nhất trình ra Đại hội, làm cơ sở xây dựng và phát triển Thủ đô trong 5 năm tới, tầm nhìn đến năm 2030 (thời điểm kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam) và năm 2045 (thời điểm kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam)”, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, Dự thảo Báo cáo chính trị có rất nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến các văn nghệ sĩ, trí thức, các nhà khoa học, chức sắc tôn giáo, lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng, học viện.
Chủ đề đại hội là tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, gương mẫu; phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới.
Xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại” và phương châm đại hội: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”. Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản trị xã hội, quản trị kinh tế…
Xây dựng cơ chế phù hợp để thu hút, trọng dụng nhân tài, nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội.
Phát huy các giá trị văn hóa ngàn năm văn hiến, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, tự lực, tự cường, niềm tin, ý chí và khát vọng vươn lên.
Đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội Trần Quốc Chiêm đánh giá, Dự thảo Báo cáo chính trị đã đánh giá sát tình hình của Thủ đô trong 5 năm qua và đề ra đúng mục tiêu, nhiệm vụ những năm tiếp theo.
Còn PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội cho rằng, Dự thảo Báo cáo chính trị là công trình công phu, đã có cái nhìn bao quát và đánh giá sát tình hình thực tiễn Thủ đô. Tuy nhiên, bà Bùi Thị An đề nghị nên tách phần xây dựng Đảng thành mục lớn riêng rẽ, vì đây là vấn đề có thể coi là quan trọng nhất của đại hội.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam bày tỏ tâm đắc với thành tố “sáng tạo” trong phương châm của Đại hội. Đồng thời coi đây là chính là ý tưởng có thể nâng tầm Thủ đô lên một đô thị sáng tạo.
“Phải viết nổi bật hơn về kết quả xây dựng nông thôn mới, vì đây là lĩnh vực có thành tích rất lớn, làm cho thành phố vững tin vào thực hiện các chỉ tiêu trong giai đoạn mới”, ông Nghiêm đề nghị.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội và Linh mục Dương Phú Oanh, Trưởng ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam thành phố Hà Nội đồng quan điểm, Dự thảo Báo cáo chính trị đã thể hiện rõ tầm nhìn phát triển của Thủ đô; đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, hòa hợp và đồng hành cùng Thủ đô trong giai đoạn mới.
GS.TS Trần Thọ Đạt, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế quốc dân góp ý, Dự thảo Báo cáo chính trị cần làm rõ hơn mô hình cơ cấu kinh tế của Thủ đô trong giai đoạn mới.
Trong đó, Hà Nội nhất định phải theo hướng lấy dịch vụ là chính. Với chỉ tiêu 63-64% dịch vụ trong cơ cấu kinh tế 5 năm tới là còn khiêm tốn, GS.TS Trần Thọ Đạt đề nghị Tiểu ban Văn kiện xem xét thêm để làm nổi trội hơn vai trò của lĩnh vực dịch vụ.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đề nghị, Dự thảo Báo cáo chính trị cần nhấn mạnh tính toàn diện của công tác quy hoạch trong giai đoạn mới thay vì chỉ chú tâm vào quy hoạch giao thông, hạ tầng.
Đồng tình với ba khâu đột phá, trong đó có nguồn nhân lực, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đề nghị, Dự thảo Báo cáo chính trị cần làm toát lên khát vọng của Thủ đô, qua đó truyền đi thông điệp giúp thu hút đầu tư, “chiêu hiền đãi sĩ”.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ trân trọng các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm và có giá trị cao. Thành ủy Hà Nội sẽ tiếp thu đầy đủ và ở mức cao nhất từng ý kiến để tập trung hoàn thiện các nội dung Dự thảo Báo cáo chính trị. Trong đó, trọng tâm tập trung xem xét, hoàn thiện là các nội dung liên quan đến quy hoạch và quản lý quy hoạch; phát triển và liên kết Vùng Thủ đô.
Bổ sung, chỉnh sửa Luật Thủ đô, vận hành chính quyền đô thị, phát triển đô thị thông minh; xây dựng Thủ đô thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, khai thác hiệu quả tiềm năng, nguồn lực chất xám sẵn có và rất phong phú của Hà Nội...
Có thể bạn quan tâm
19:16, 26/05/2020
16:08, 19/05/2020
17:35, 16/05/2020