Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, phạm vi quy hoạch gồm phần lãnh thổ thành phố Đà Nẵng với diện tích tự nhiên là 1.284,88 km2; trong đó, các quận nội thành chiếm diện tích 246,71km2, các huyện ngoại thành chiếm diện tích 1.038,17 km2 (trong đó huyện Hoàng Sa có diện tích 305 km2).
Quy hoạch phải đảm bảo sự tuân thủ, bám sát các quy trình, nội dung, nguyên tắc theo Luật Quy hoạch, Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch.
Bên cạnh đó, đảm bảo tính thống nhất, tổng thể, đồng bộ và hệ thống giữa quy hoạch thành phố với chiến lược và kết hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo sự kết hợp hiệu quả giữa quản lý ngành/lĩnh vực với quản lý lãnh thổ, bảo vệ môi trường và quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; các phân tích, đánh giá và định hướng phát triển được dựa trên mối quan hệ tổng thể, có tính hệ thống, tính kết nối liên ngành, lĩnh vực và liên vùng.
Đảm bảo tính bền vững trong lập quy hoạch dựa trên cả ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường cho một thời gian dài, tầm nhìn đến năm 2050. Đảm bảo tính khả thi, phù hợp với khả năng thực tế và nguồn lực thực hiện của thành phố thời kỳ 2021 - 2030 và khả năng huy động nguồn lực trong tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng các phương án, định hướng phát triển phù hợp với xu thế phát triển và vận động của bối cảnh trong và ngoài nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Đảm bảo tính liên tục, kế thừa của quy hoạch thời kỳ trước và tính ổn định. Nội dung quy hoạch sẽ chọn lọc, kế thừa các chủ trương chính sách lớn của Đảng và Nhà nước (trong đó có cụ thể hóa các nội dung của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030) cũng như các quy hoạch quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trước đó.
Nội dung quy hoạch cần phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của thành phố; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn; quan điểm, mục tiêu và lựa chọn phương án phát triển thành phố; phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn thành phố; lựa chọn phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội;...
Quy hoạch được lập dựa trên phương pháp tiếp cận tổng hợp, đa chiều, đa lĩnh vực, đảm bảo các yêu cầu về tính khoa học, tính phù hợp, tính thực tiễn và ứng dụng công nghệ hiện đại.