Bị cho là “oan ức” khi tòa tuyên phải hoàn trả 200 tỷ đồng được xác định là vật chứng vụ án cho Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam, VNECO đã làm đơn kêu cứu đến các cơ quan có thẩm quyền.
Liên quan đến vụ án “Hứa Thị Phấn và đồng phạm”, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm, ra Bản án hình sự phúc thẩm số: 618/2018/HS-PT ngày 02/11/2018, tuyên “Buộc Tổng Công ty Cổ phần Xây dựng Điện Việt Nam phải hoàn trả lại số tiền 200.000.000.000 (hai trăm tỷ) đồng được xác định là vật chứng vụ án, cho Ngân hàng TM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam”, TCty CP Xây dựng Điện Việt Nam – VNECO cho rằng phán quyết của tòa hoàn toàn thiếu căn cứ.
Oan cho doanh nghiệp?
Theo đó, vào ngày 12/10/2007, VNECO và bà Ngô Kim Huệ ký kết Hợp đồng Hợp tác đầu tư về xây dựng công trình phức hợp cao tầng trên khu đất 80.352m2 tại thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Phương thức góp vốn là bà Ngô Kim Huệ góp bằng quyền sử dụng lô đất trị giá 357,5 tỷ đồng, được sở hữu 10% dự án. Trong lúc chờ hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng dự án để đảm bảo quyền lợi cho bà Huệ thì bà Huệ được nhận khoản vốn góp của VNECO tương đương 90% giá trị lô đất là 321,75 tỷ đồng. VNECO đã chuyển cho bà Huệ số tiền 310 tỷ đồng theo 8 ủy nhiệm chi từ 22/10/2007 đến 07/11/2007 bằng nguồn vốn tiền phát hành trái phiếu và vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, việc sang tên để VNECO đứng tên trong Giấy CNQSDĐ lô đất trên không hoàn thành đúng tiến độ theo thỏa thuận trong Hợp đồng. Do đó, đến ngày 25/6/2010 hai bên đã lập Biên bản làm việc thống nhất chấm dứt hợp đồng hợp tác và nghĩa vụ tài chính do bà Huệ vi phạm hợp đồng.
Có thể bạn quan tâm
Trên cơ sở đó, ngày 30/6/2010 VNECO và bà Ngô Kim Huệ thống nhất ký Bản thanh lý hợp đồng hợp tác đầu tư số: 1001/TLHĐ/VNECO-NKH, theo đó bà Ngô Kim Huệ phải trả lại cho VNECO số tiền 400 tỷ đồng bao gồm 310 tỷ đồng tiền gốc đã góp và 90 tỷ đồng bù đắp các khoản lãi vay, chi phí khác phát sinh. Thực hiện thanh lý Hợp đồng, Bà Huệ đã chuyển trả cho công ty số tiền 400 tỷ đồng chia làm 4 lần (mỗi lần 100 tỷ đồng) vào các ngày 30/7/2010, 09/09/2010, 22/02/2011 và 17/3/2011.
Sau khi thu được tiền từ bà Ngô Kim Huệ, VNECO đã sử dụng toàn bộ để thanh toán các chi phí như trả tiền nhân công, tiền lương, tiền vật tư, tiền đền bù và các chi phí khác... phục vụ thi công các công trình điện quốc gia như: ĐZ 550 kV Sơn La - Hòa Bình, ĐZ 500 kV Sơn La - Hiệp Hòa, ĐZ 220 kV Bản Lả - Vinh, ĐZ 500 kV Phú Mỹ - Sông Mây, ĐZ 220 kV TĐ Đồng Nai 3, ĐZ 220 kV Thanh Hóa - Vinh, ĐZ 220 kV Vũng Áng - Hà Tĩnh...
Thế nhưng bất ngờ, VNECO được xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án “Hứa Thị Phấn và đồng phạm” lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng do có liên quan đến số tiền 200 tỷ đồng bà Ngô Kim Huệ đã chuyển cho Tổng Công ty trong số tiền 400 tỷ đồng trên.
“Ai sai người nấy chịu”
Theo lý giải của VNECO, việc TAND TP.HCM và TAND cấp cao tại TP.HCM giải quyết vụ án nêu trên là không đúng quy định pháp luật, không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của VNECO. Tòa án hai cấp xác định số tiền 200 tỷ đồng mà bà Ngô Kim Huệ chuyển cho VNECO là vật chứng của vụ án để thu hồi là không đúng pháp luật.
Chứng minh nhận định trên, VNECO căn cứ vào Điều 122, BLDS 2005 thì giao dịch dân sự giữa VNECO và bà Ngô Kim Huệ đáp ứng đủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự về chủ thể giao kết; về ý chí của chủ thể, về mục đích và nội dung và về hình thức Hợp đồng. Quan hệ hợp tác đầu tư giữa TCty CP Xây dựng Điện Việt Nam và bà Ngô Kim Huệ là hoàn toàn hợp pháp, tự nguyện, việc thỏa thuận về chấm dứt, thanh lý hợp đồng cũng tự nguyện, không nhằm mục đích che giấu giao dịch khác, do đó hợp đồng, giao dịch đã có hiệu lực pháp luật và được thực hiện xong (đến nay đã 8 năm). Vì vậy không có căn cứ để hủy bỏ những giao dịch này để thu hồi tài sản.
Mặt khác, việc TAND TP. HCM và TAND cấp cao tại TP. HCM xét xử và tuyên xử lý vật chứng như trên là không đúng quy định pháp luật. Rõ ràng số tiền 400 tỷ đồng TCty nhận được là thông qua một giao dịch hợp pháp và đã kết thúc, thời điểm chuyển giao quyền sở hữu số tiền này là từ thời điểm bị cáo Ngô Kim Huệ chuyển tiền. Mặt khác tiền là tài sản vật cùng loại chứ không phải loại vật đặc định nên việc thu giữ tài sản coi là vật chứng vụ án hoàn toàn không có căn cứ.
Theo ông Trần Văn Huy, Bí thư Đảng ủy, Phó TGĐ VNECO: “Số tiền VNECO chuyển cho bà Huệ là tiền của VNECO, khi bà Huệ không hoàn tất hợp đồng kinh tế và trả lại cho VNECO là điều tất nhiên và Tòa tuyên VNECO trả lại cho nhà nước số tiền đó là điều “bất hợp lý” vì “tội ai người nấy chịu”. Nếu bà Huệ làm thất thoát tiền của nhà nước thì bà Huệ phải chịu trách nhiệm chứ không phải VNECO.”
Kỳ 2: Luật sư nói gì?