Những ngày này, con phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm, Hà Nội) ngập sắc đỏ của các gian hàng bán đồ cúng lễ, trang trí dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Ghi nhận của PV, bộ lễ cúng ông Công, ông Táo không quá đa dạng về mẫu mã , chỉ có mũ, giầy, cá chép và tiền vàng… nhưng do gia đình nào cũng phải sắm một bộ lễ nên hàng bán được nhiều hơn. Những loại đồ cúng lễ được bày bán chủ yếu là lồng đèn, phong bao tiền lì xì, đồng xu phú quý, câu đối, chùm pháo, mũ, áo, hia, vàng mã, tiền âm phủ…
Nhiều tháng trước, các cơ sở sản xuất ở nhiều nơi đã tích hàng để phục vụ dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Nguyên liệu để làm vàng mã gồm giấy thiếc, giấy bồi, khung tre, bột màu, keo hồ… Thường thì sản xuất hàng mã là tự phát, cha truyền con nối còn nhỏ lẻ theo khu vực hoặc vùng miền.
Một tiểu thương chuyên bán đồ cúng lễ tại phố Hàng Mã cho biết: “Những ngày cận Tết Ông Công - Ông Táo, trung bình một ngày chúng tôi bán từ vài chục đến vài trăm bộ đồ lễ. Giá bán so với năm ngoái tăng nhẹ 3 – 5%. Ví dụ giá một cặp đồ cúng lễ gồm 03 quần áo Ông Công - Ông Táo và ông 30 dao động 150.000 đồng đến 250.000 đồng, quần áo người âm có giá 80.000 đồng, tiền vàng, thỏi vàng thần tài khoảng từ 30.000 đồng/vật phẩm…Nhiều khách hàng đến mua hiện nay đến từ các tiểu thương ở các huyện, tỉnh lân cận TP Hà Nội. Ngoài ra, nếu có đơn hàng lớn chúng tôi cũng có thể gom hàng trong ngày và khách hàng có thể đặt theo yêu cầu”.
Theo quan niệm dân gian, ngày Tết ông Công ông Táo (23 tháng Chạp hằng năm) là ngày Táo quân lên chầu trời để báo với Ngọc Hoàng những việc làm của gia chủ trong năm đó, đồng thời cầu phúc cho gia đình năm mới an khang, thịnh vượng. Đây là tín ngưỡng có từ lâu đời, giàu tính nhân văn, hướng con người đến việc gìn giữ các giá trị văn hoá truyền thống, chăm lo, vun vén cho hạnh phúc gia đình.