Phó Thủ tướng: Cán bộ thanh tra phải tận tuỵ, dũng cảm, không để bị mua chuộc

Diendandoanhnghiep.vn Đây là ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2018, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm của Thanh tra Chính phủ.

 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương và ghi nhận những nỗ lực, kết quả mà toàn ngành thanh tra đạt được 6 tháng đầu năm 2018 với những chuyển biến rõ rệt so với cùng kỳ năm 2017.

Cụ thể, công tác xây dựng ngành được củng cố và kiện toàn; xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra theo đúng định hướng; ngành đã phát huy được vai trò nòng cốt trong việc tham mưu triển khai thực hiện các giải pháp trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; tiếp tục thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; đẩy mạnh xây dựng thể chế, giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Tố cáo (sửa đổi), hoàn thiện và trình Quốc hội cho ý kiến về Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi)...

Tồn tại tiêu cực trong công tác thanh kiểm tra

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực cũng chỉ ra một số hạn chế, yếu kém mà ngành thanh tra cần thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc, đề ra giải pháp khắc phục.

Đó là, việc kết luận một số cuộc thanh tra còn chậm (có vụ việc kết luận nhiều lần), có vụ việc thanh tra chỉ ra khuyết điểm nhưng xử lý thế nào lại không nêu, quản lý đoàn chưa chặt chẽ, có nhiều trường hợp tiêu cực trong tiến hành thanh tra, chất lượng một số cuộc thanh tra còn hạn chế, một số cán bộ thanh tra chưa hiểu đầy đủ các quy định trong Luật Thanh tra, còn cứng nhắc về phạm vi các cuộc thanh tra.

Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, chậm được khắc phục, hiệu quả công tác tiếp công dân chưa cao, giải quyết khiếu nại tố cáo còn chậm, có vụ việc còn thiếu chính xác, chưa khách quan, công dân chưa đồng tình, bức xúc, kéo dài.

Tình hình khiếu nại tố cáo còn tiềm ẩn nhiều khó lường, phức tạp, khiếu nại lên Trung ương tăng cao (26,8%), giải quyết việc việc khiếu nại tố cáo còn chậm, tỷ lệ giải quyết thuộc thẩm quyền thấp so với kế hoạch đề ra (71,5%); quá trình giải quyết còn né tránh, đùn đẩy, không mạnh dạn sửa sai; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo còn hạn chế.

Công tác phòng chống tham nhũng của nhiều cấp, nhiều ngành còn thiếu quyết liệt, việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, hiệu quả chưa cao; việc phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo còn hạn chế, số vụ việc phát hiện còn ít so với thực tế vi phạm; việc nắm bắt tình hình để tham mưu thanh tra đột xuất các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng còn hạn chế.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng thể chế đã có nhiều cố gắng nhưng một số nhiệm vụ còn chậm, chất lượng chưa cao, nhất là các thông tư hướng dẫn nghiệp vụ; công tác xây dựng ngành.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Cán bộ thanh tra phải thật sự tận tuỵ với công việc, dũng cảm trong đấu tranh với cái sai và không bị mua chuộc”.

Kết luận thanh tra phải bảo đảm chính xác, khách quan

Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu, Thanh tra Chính phủ cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương nỗ lực triển khai công tác xây dựng pháp luật, nhất là Luật Phòng, chống tham nhũng. Quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ cần kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để khắc phục sơ hở, bất cập trong quản lý nhà nước, chỉ ra những nguyên nhân phát sinh khiếu nại tố cáo kéo dài, đặc biệt là các quy định về thu hồi đất, giá đất, bền bù, tái định cư. “Quá trình thu hồi đất phải bảo đảm hài hoà lợi ích chính đáng của người dân, nhà đầu tư và Nhà nước”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Về công tác thanh tra, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu phải bám sát, đáp ứng yêu cầu của việc thực hiện nhiệm vụ và kế hoạch phát triển KT-XH của đất nước, các cấp, các ngành; tăng cường phối hợp và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương để hạn chế và xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, phòng chống tham nhũng. “Các kết luận thanh tra phải bảo đảm chính xác, khách quan, các trường hợp có dấu hiệu tội phạm phải chuyển sang cơ quan điều tra, đồng thời gửi cho Viện Kiểm sát biết để theo dõi, phối hợp”, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu.

Đồng thời đẩy mạnh giám sát hoạt động của các đoàn thanh tra, nâng cao chất lượng thẩm định dự thảo kết luận thanh tra và công tác xử lý sau thanh tra để thu hồi tiền, tài sản về cho Nhà nước; chủ động theo dõi, đôn đốc các cơ quan liên quan thực hiện kết luận thanh tra, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề phát sinh, bảo đảm kết luận thanh tra phải được thực hiện hiệu quả, kiểm tra sau thanh tra, ai gây ra phải cũng phải xử lý, không có chuyện “hạ cánh an toàn”.

Trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu ngành Thanh tra phải thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác này, rà soát và giải quyết các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ.

“Thực hiện đúng quan điểm của Đảng và Nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên quan điểm cái gì dân đúng thì phải giải quyết, dân chưa đúng thì giải thích, qua đó tạo sự gắn bó giữa Chính phủ với nhân dân. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành để tham khảo, vận dụng chính sách có tình, có lý, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Tiếp tục chỉ đạo, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để chủ động nắm bắt và xử lý tình huống phức tạp phát sinh; thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; nâng cao chất lượng tiếp công dân, tăng cường đối thoại, hướng dẫn và giải thích pháp luật để nâng cao nhận thức của công dân. Đồng thời cũng xử lý nghiêm một số phần tử xấu kích động nhân dân, gây mất an ninh trật tự.

Về công tác phòng, chống tham nhũng, Phó Thủ tướng Thường trực chỉ rõ phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng ngừa tham nhũng theo hướng đi vào thực chất, tập trung phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ việc tham nhũng; tập trung thanh tra các vụ việc nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng, thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng gây thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội bức xúc.

“Đẩy nhanh tiến độ thanh tra, kết luận các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng, đổi mới phương thức theo dõi, đánh giá kết quả công tác phòng chống tham nhũng, chỉ rõ những nơi làm tốt, nơi làm chưa tốt”, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Phó Thủ tướng: Cán bộ thanh tra phải tận tuỵ, dũng cảm, không để bị mua chuộc tại chuyên mục Kinh tế của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711676055 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711676055 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10