Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính của ngành y tế phải đảm bảo cân đối cả về mặt kinh tế và xã hội.
Đồng thời đảm bảo hài hòa giữa nhu cầu cải cách hành chính đơn giản hóa các thủ tục để tạo điều kiện thương mại tối đa và thực chất cho doanh nghiệp.
Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi làm việc tại Bộ Y tế về việc thực hiện Cơ chế một cửa Quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, công tác kiểm tra chuyên ngành năm 2018 và kế hoạch triển khai năm 2019-2020, được tổ chức chiều ngày 17/11, tại Hà Nội.
Tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp
Theo đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Bộ Y tế cần tiếp tục quán triệt và nâng cao nhận thức về tác động tích cực của việc thực hiện Cơ chế một cửa Quốc gia (NSW), Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) một cách toàn diện. Cụ thể trên hai khía cạnh đó là kinh tế và xã hội trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh như kết nối cơ chế một cửa, đơn giản hoá, cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành… Đây là những yếu tố quan trọng trong việc thể hiện vai trò của Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Cũng theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, mặc dù Bộ Y tế nói riêng và việc cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam nói chung đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, vẫn còn rất xa so với yêu cầu. "Vì vậy, chúng ta vẫn phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp và giảm bớt các thủ tục hành chính" - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng lưu ý: "Cần tránh trường hợp cắt giảm thủ tục hành chính mang tính hình thức, cài cắm thêm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, và khoảng cách giữa văn bản với tổ chức thực thi vẫn còn rất lớn….".
Để làm tốt những việc nêu trên, Phó Thủ tướng yêu cầu, hoạt động phối hợp giữa Trung tâm tiếp nhận thông tin với Cục, Vụ, Viện, đơn vị chức năng của Bộ phải tốt. Bởi, theo Phó Thủ tướng, hoạt động kết nối NSW, ASW hay Chính phủ điện tử… thì công nghệ thông tin chỉ là phương tiện, công cụ, quan trọng nhất vẫn phải là thể chế, thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, việc phối hợp liên ngành một cách chặt chẽ với các Bộ khác như Tổng cục hải quan, Bộ Tài chính, Bộ GTVT, Bộ NN và PT NT….cũng được Phó Thủ tướng lưu ý.
Theo Quyết định số 1254/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy NSW, ASW, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020, từ nay đến 2020, Bộ Y tế phải triển khai mới 37 thủ tục thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, trong đó, 23 thủ tục hành chính triển khai trong 2018 và 14 thủ tục hành chính triển khai giai đoạn 2019-2020.
Được biết, tính đến thời điểm hiện nay, Bộ Y tế đã kết nối được 7/23 thủ tục hành chính với cổng thông tin một của quốc gia. Trong đó, có 1 thủ tục hành chính lĩnh vực thiết bị y tế, 6 thủ tục hành chính lĩnh vực dược.
Ngoài ra, sẽ hoàn thành kết nối 10 thủ tục hành chính trong tháng 12 năm 2018 và 6 thủ tục hành chính còn lại sẽ hoàn thành trong tháng 1 năm 2019.
Nhận định về những nỗ lực của Bộ Y tế trong việc cắt giảm các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: “Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Y tế trong việc kết nối các thủ tục hành chính với NSW, ASW.
Theo đó, "những hoạt động chỉnh sửa, bổ sung thông tin hướng dẫn cần sớm đưa vào thực thi và đề nghị phối hợp cùng VCCI thực hiện, hướng dẫn cộng đồng doanh nghiệp. Đảm bảo cộng đồng doanh nghiệp hiểu đúng và các cơ quan quản lý của Bộ Y tế kiểm tra được, giám sát được, không gây phiền hà cho doanh nghiệp" - ông Hoàng Quang Phòng thể hiện kỳ vọng.
Bên cạnh đó, ông Phó Chủ tịch VCCI cũng đề nghị, khi ban hành các văn bản, Bộ cần phối hợp với VCCI, Hiệp hội Doanh nghiệp, doanh nghiệp để lấy ý kiến một cách rộng rãi đảm bảo tính phù hợp, “sự hiểu biết” giữa cơ quan quản lý và cơ quan thực thi.
Cũng theo Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đánh giá cao, việc cắt giảm 1.363/1.871 điều kiện đầu tư, kinh doanh, đạt 72,85% và 169/234 thủ tục hành chính đạt 72,22% của Bộ Y tế. Tuy nhiên, trong việc thu thập những kiến nghị, khó khăn của doanh nghiệp của VCCI cho thấy, việc trả lời của ngành y tế trước những vướng mắc của doanh nghiệp còn chưa kịp thời.
Ngoài ra, để đảm bảo việc tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp một cách nhanh chóng, kịp thời, trong những văn bản chỉ đạo, hướng dẫn xử lý vướng mắc cho doanh nghiệp ở cấp dưới, VCCI mong muốn cơ quan quản lý cần có sự kiểm tra theo ngành dọc của mình để nắm được tiến trình tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã thực hiện đến đâu, thực hiện như thế nào hoặc có thể đề xuất cơ quan trực tiếp giải quyết thay vì trích dẫn lại các điều khoản quy định trong Luật để doanh nghiệp tự tra cứu lại.
“Cộng đồng cũng nỗ lực và quyết tâm thực hiện theo những hướng dẫn quy định của ngành y tế tuy nhiên, những quy định, hướng dẫn này cần có sự chi tiết hoá, nếu không thì rất khó thực hiện, mà khó thực hiện thì sẽ cản trở hoạt động của doanh nghiệp” - ông Hoàng Quang Phòng khẳng định.
Đồng tình và ghi nhận những phản ảnh của Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Vụ truyền thông, Vụ pháp chế, sau khi có Nghị định 15/2018 nên cung cấp thông tin một cách rõ ràng tới báo chí về việc cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, để doanh nghiệp biết và nắm được quyền lợi của minh. Theo đó, đây là cơ sở để VCCI, cộng đồng doanh nghiệp giám sát, kiểm tra hoạt động cắt giảm, tiến độ cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành đến đâu, việc cắt giảm có thực chất hay không?”.
Chỉ ra một trong số những nguyên nhân chưa thể hoàn thành các thủ tục đúng thời hạn, đại diện Bộ Y tế cho biết, đó là do sự thay đổi danh mục, quy trình nghiệp vụ đối với các thủ tục hành chính tham gia thực hiện Cơ chế một cửa Quốc gia do các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung như sửa đổi nghị định 36/2016/NĐ/CP quy định về quản lý trang thiết bị y tế dẫn đến xây dựng mới, cập nhật, nâng cấp các dịch vụ công trực tuyến kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Bên cạnh đó cũng phải kể đến khó khăn do trình độ công nghệ thông tin của các doanh nghiệp nhỏ còn chưa cao, thay đổi nhân sự thực hiện cơ chế một cửa nhiều lần, nhân sự mới cần được đào tạo dẫn đến khó khăn trong việc nhập hồ sơ.
Tuy nhiên, trước những nguyên nhân này, có ý kiến phản biện cho rằng, cần phải có kế hoạch đào tạo cho doanh nghiệp để đảm bảo rằng, khi các thủ tục hành chính được kết nối với NSW, ASW doanh nghiệp có thể sử dụng được ngay.