Ngày 11/2, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Agribank và VNPT.
Làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, một trong những điểm sáng về kinh tế được báo chí đánh giá cao trong năm 2018 là việc Chính phủ đã thành lập và đưa vào hoạt động Uỷ ban. Nhắc lại khoảng thời gian 5 năm chuẩn bị cho việc thành lập Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Phó Thủ tướng khẳng định mô hình hoạt động hiện nay của cơ quan này đã được Chính phủ chắt lọc, tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý ở trong và ngoài nước, bảo đảm phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế- xã hội của Việt Nam và việc quản lý, sử dụng vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.
Ủy ban là điểm sáng kinh tế trong năm 2018
Việc các Bộ, ngành bàn giao 19 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước về Uỷ ban trong năm qua chỉ là bước đầu, Phó Thủ tướng đề nghị Uỷ ban nắm vững thực trạng của từng đơn vị để có cách ứng xử phù hợp với từng lĩnh vực. Đặc biệt, Ủy ban cần tiếp tục kiện toàn, sắp xếp bộ máy, tuyển dụng cán bộ, công chức để có đội ngũ cán bộ tinh, gọn, có năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.
Có thể bạn quan tâm
18:00, 30/01/2019
16:32, 30/01/2019
18:12, 17/11/2018
13:21, 10/11/2018
“Tuyển dụng cán bộ vào làm việc tại Uỷ ban phải bảo đảm các tiêu chí trong sáng, tự trọng và có trách nhiệm. Mỗi vị trí việc làm đều phải đảm bảo đủ khả năng xây dựng được 1 Đề án cải cách cách hoạt động của các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc. Không đủ các yếu tố này thì không nên vào và tuyển dụng vào làm việc tại Uỷ ban”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cho biết cuối quý I/2019, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp sẽ công bố Sách trắng về thực trạng doanh nghiệp năm 2018, trong đó có nội dung so hiệu quả sử dụng đồng vốn giữa doanh nghiệp nhà nước với các doanh nghiệp khác, từ đó nghiên cứu, đề xuất Chính phủ hoàn thiện thể chế, chính sách.
Để đạt được yêu cầu trên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh Ủy ban cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, các chương trình hành động của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, kết luận của Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp trong cơ cấu lại các Tập đoàn, Tổng công ty trong đó Phó Thủ tướng yêu cầu Uỷ ban thoái toàn bộ vốn không phải lĩnh vực kinh doanh chính ra khỏi Tập đoàn, tổng công ty, ở những lĩnh vực, địa bàn không cần nắm giữ, trừ trường hợp đặc biệt, chấm dứt việc phát triển đa ngành, đa lĩnh vực.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho biết, phương châm hoạt động của Ủy ban trong năm 2019 là “Đoàn kết, tâm huyết, trách nhiệm và hiệu quả”, mỗi cán bộ, bên cạnh việc phải có trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp, phải có tinh thần đoàn kết, gắn bó, tâm huyết để thực hiện tốt nhiệm vụ Chính phủ giao.
Ông Nguyễn Hoàng Anh mong muốn các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với Ủy ban, có cơ chế phối hợp mang tính nguyên tắc trong quản lý, phát triển vốn và cơ cấu lại hoạt động của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần tháo gỡ các vướng mắc về cơ sở pháp lý, tránh xung đột pháp luật và xây dựng mối quan hệ phối hợp giữa bộ, ngành với Ủy ban tốt hơn.
Agribank phải bám sát “trận địa” nông nghiệp
Còn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ghi nhận những nỗ lực của Agribank trong 5 năm qua với việc tái cơ cấu thành công giai đoạn I. Năm 2018 là năm kết thúc “có hậu” với Agribank, khi các chỉ số về dư nợ tín dụng, lợi nhuận trước thuế đều tốt lên, nợ xấu nội bản giảm so với năm 2017. Là ngân hàng có mạng lưới lớn nhất Việt Nam, gắn với tam nông, 70% dư nợ tín dụng trong khoảng 1 triệu tỷ đồng trực tiếp cho vay lĩnh vực tam nông- lĩnh vực chiến lược mà Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm.
Năm 2018, Agribank đã đạt được các “mốc” quan trọng như lợi nhuận 7.600 tỷ đồng, ngoài ra còn dành hơn 20.000 tỷ đồng dự phòng xử lý rủi ro, đóng góp thành công của ngành ngân hàng, vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tạo ra dư địa phát triển trong thời gian tới.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Agribank tiếp tục đảm bảo cung ứng vốn chất lượng cao cho nền kinh tế, tiếp tục tập trung triển khai thành công cơ cấu lại giai đoạn II. Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý sự phát triển của công nghệ, Fintech sẽ làm giảm bớt ưu thế về mạng lưới của Agribank nên ngân hàng phải cơ cấu lại bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu qủa hơn, tăng cường ứng dụng công nghệ, nhưng vẫn phải “bám sát trận địa là nông nghiệp, nông dân, nông thôn, sát tới từng hộ nông dân, từng hợp tác xã, nông trại, trang trại”, cùng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tài chính vi mô đẩy lùi tín dụng đen ở nông thôn.
Ngoài phát triển tín dụng, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Agirbank phải nâng chỉ tiêu tăng trưởng dịch vụ phi tín dụng 25% trong năm 2019 thay vì mục tiêu 21% bằng các giải pháp căn cơ và áp lực lãnh đạo; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị để chuyển đổi thành ngân hàng thương mại cổ phần, thực hiện IPO vào cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020.
VNPT phải làm “bùng nổ” ứng dụng KHCN tại Việt Nam
Với Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng gần 5 năm thực hiện tái cơ cấu, VNPT đã có bước chuyển mạnh mẽ, năm 2018 doanh thu đạt gần 155.000 tỷ đồng, lợi nhuận tăng 25% so với thực hiện năm 2017, tốc độ tăng trưởng 25,3%, thu nhập bình quân của người lao động lên đến 28 triệu đồng/tháng, đây là những con số rất ấn tượng.
Vấn đề quan trọng là trong bối cảnh vừa thực hiện tái cơ cấu, vừa chịu sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, VNPT đã bước đầu thể hiện vai trò dẫn dắt trong xây dựng Chính phủ điện tử, thiết lập nền tảng hạ tầng số, thúc đẩy chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực giáo dục, y tế… Chính phủ đánh giá VNPT cơ bản đã thực hiện được vai trò dẫn dắt, tiên phong trong cách mạng công nghiệp và xây dựng chiến lược 4.0. Giai đoạn tới, VNPT sẽ là hình mẫu làm bùng nổ ứng dụng khoa học công nghệ tại Việt Nam, vươn lên trở thành nhà cung cấp hàng đầu về dịch vụ số vào năm 2025, trở thành trung tâm giao dịch số tại Đông Nam Á và châu Á vào năm 2030 theo Chiến lược phát triển đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phó Thủ tướng đề nghị VNPT bám sát các nội dung Đề án Chuyển đổi số quốc gia mà Chính phủ đang xây dựng, đóng góp cho Chính phủ, cho Bộ Thông tin và Truyền thông trong quá trình xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số tại Việt Nam, các chính sách đầu tư cho an toàn thông tin, chủ quyền số và sở hữu trí tuệ; chuẩn bị tốt các điều kiện để IPO công ty mẹ VNPT vào cuối năm 2019 một cách cẩn trọng, toàn diện, đúng quy định của pháp luật, công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm và đảm bảo lợi ích cao nhất của đất nước.