Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Thanh toán không dùng tiền mặt sẽ bùng nổ ở Việt Nam

Lê Mỹ 11/06/2019 11:04

Việt Nam sẽ bùng nổ thanh toán không dùng tiền mặt như 10 năm trước đã bùng nổ sử dụng điện thoại di động...

Đó là nhận định của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại hội thảo "Xã hội không tiền mặt -Chính sách và Thực tiễn tại Việt Nam" vừa được tổ chức sáng ngày 11/6/2019 tại TP. HCM. Theo Phó Thú tướng, lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) hướng tới chỉ 1 cái "Không", nhưng sẽ có rất nhiều cái "Có".

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo hội thảo.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo hội thảo.

Lợi ích từ thanh toán không tiền mặt

Trên thực tế, có rất nhiều lợi ích với thanh toán không dùng tiền mặt. Trước hết, chúng ta có sự tiện lợi và giảm chi phí cho người dân, cho doanh nghiệp. Đến nay, nhiều phụ huynh vẫn phải đi xa để nộp tiền học phí cho con, như vậy là 1 trường hợp bất tiện, lãng phí thời gian, công sức.

Thứ hai, chúng ta có được sự minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp và nền kinh tế, của thu nhập người dân. Nền kinh tế càng minh bạch, công khai, thì càng phát triển, qua đó góp phần phòng chống tham nhũng.

Thứ ba là phòng chống rửa tiền của các tội phạm quốc tế.

Thứ tư, chúng ta tiết kiệm và giảm được nhiều chi phí. Đơn giản như giảm được chi phí in tiền. Các doanh nghiệp, cơ quan, công sở cung ứng dịch vụ công cũng giảm được chi phí đóng gói, vận chuyển, kho bãi..., góp phần tiết kiệm cho ngân sách.

Thứ năm, chúng ta có sự phát triển các dịch vụ ngân hàng gia tăng với dịch vụ phi tín dụng. Việc lập ngân hàng ra không chỉ để "chăm chăm" đi phục vụ tín dụng. Ngân hàng sẽ đi được nhiều "chân", chứ không chỉ dựa vào tăng trưởng tín dụng. Trong xu thế mới, đi theo con đường tăng trưởng dịch vụ đối với các ngân hàng là quan trọng, huy động được vốn khả dụng tăng, tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận của các ngân hàng có các dịch vụ phi tín dụng sẽ ngày càng tăng. Điển hình như Vietcombank từng giữ vị trí số 1 với tỷ trọng tín dụng và dịch vụ phi tín dụng 50:50, nhưng vị thế đó đến nay đã thay đổi.

Có thể bạn quan tâm

  • Thanh toán không dùng tiền mặt: Đâu dễ!

    Thanh toán không dùng tiền mặt: Đâu dễ!

    09:00, 13/05/2019

  • Ì ạch thanh toán không dùng tiền mặt

    Ì ạch thanh toán không dùng tiền mặt

    10:40, 02/03/2019

  • Xu hướng hợp tác cung cấp giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt

    Xu hướng hợp tác cung cấp giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt

    12:07, 25/01/2019

  • Thanh toán không dùng tiền mặt đẩy lùi nạn kinh doanh hóa đơn trái phép

    Thanh toán không dùng tiền mặt đẩy lùi nạn kinh doanh hóa đơn trái phép

    15:45, 31/10/2018

  • Hợp tác ngân hàng – FinTech: Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

    Hợp tác ngân hàng – FinTech: Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

    22:22, 18/04/2017

  • Nhiều quy định mới về thanh toán không dùng tiền mặt

    Nhiều quy định mới về thanh toán không dùng tiền mặt

    07:22, 09/07/2016

Thứ sáu, chúng ta có được sự phổ cập trong tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho mọi người dân trên toàn lãnh thổ, kể cả vùng sâu, vùng xa để thực hiện tài chính toàn diện. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng các Lãnh đạo Bộ, ngành trải nghiệm các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt do các ngân hàng, các đơn ví ví điện tử, doanh nghiệp...triển khai.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng các Lãnh đạo Bộ, ngành trải nghiệm các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt do các ngân hàng, các đơn ví ví điện tử, doanh nghiệp... triển khai.

Dịch vụ công đã bắt nhịp thanh toán số

Riêng về dịch vụ công, Chính phủ yêu cầu thúc đẩy ứng dụng, kết nối công nghệ thanh toán đạt đến cấp độ 4 - tức hoàn toàn thanh toán phi tiền mặt. 

Theo Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN Phạm Tiến Dũng, thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công đến nay đã được phát triển mạnh với khung pháp lý hoàn chỉnh, nền tảng hạ tầng bước đầu đang được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán tham gia kết nối sẵn sàng. Tỷ lệ người dùng thanh toán số để thanh toán các dịch vụ công cũng đã tăng trưởng mạnh, ví dụ trong lĩnh vực ứng dụng thanh toán tiền điện của EVN - Từ chỗ chỉ có 14,88% khách hàng sử dụng, đến 2017 đã tăng lên hơn 44% khách hàng tương đương hơn 26 triệu khách hàng sử dụng. Ở lĩnh vực hải quan, tỷ lệ ứng dụng thanh toán phi tiền mặt đầu vào, đầu ra đạt mức cao trên 95%.

Tuy nhiên, ông Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh: "Dù dịch vụ hạ tầng của ngành ngân hàng tốt, nhưng vẫn tiếp tục cần đẩy mạnh để đáp ứng số lượng, phạm vi thanh toán. Về phía các đơn vị dịch vụ, khảo sát sơ bộ để kết nối các dịch vụ công phải có 1 chuẩn chung, một cổng kết nối như cổng kết nối chuyển mạch. Chúng ta nói nhiều về 4.0 nhưng việc chia sẻ cơ sở dữ liệu vẫn còn chưa có điểm đồng nhất. Mấu chốt bên cạnh đầu tư kỹ thuật phải thay đổi mô hình cung cấp dịch vụ và quy trình cung cấp dịch vụ". 

Chia sẻ từ góc độ đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán, bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, về kỹ thuật, công nghệ đã đáp ứng công nghệ thanh toán trong dịch vụ công. Trong thời gian qua, Vietcombank đã tập trung nguồn lực phục vụ công nghệ thanh toán, thay đổi, chú trọng, phục vụ thu thuế nội địa và thu thuế xuất khẩu. Toàn bộ các kênh thanh toán khách hàng cho đến hiện nay đều phục vụ cho thanh toán. Toàn bộ các chi nhánh của ngân hàng đều đáp ứng nhu cầu thanh toán này.

Vietcombank đã đạt được những dấu ấn nhất định trong thúc đẩy thanh toán phi tiền mặt tại khối dịch vụ công địa phương, như hơn 1.300 dịch vụ công trực tuyến được Vietcombank phục vụ công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt tại Quảng Ninh. Y tế và giáo dục cũng được Vietcombank cung ứng dịch vụ trọn gói thông tin, lịch sử người khám bệnh và thanh toán.... "Vấn đề bây giờ chỉ là sự kết nối giữa các đơn vị dịch vụ công với ngân hàng", bà Yến nói.

Nhìn nhận sự tiện lợi sẽ là chìa khóa giữ chân người dùng khi sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng giám đốc Sacombank cũng chia sẻ ngân hàng này có tới 97% dịch vụ ủy thác thanh toán điện nước trên online. Điều đó cho thấy, người dân đã và đang lựa chọn các dịch vụ sao cho tiện lợi nhất, và một khi đã sử dụng dịch vụ tiện lợi, khách hàng gần như không hủy dịch vụ.

Nhưng "tất cả mới chỉ bắt đầu"

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định: "Thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam chắc chắn sẽ bùng nổ như điện thoại di động đã bùng nổ ở 10 năm trước. Sự bùng nổ trước hết ở thanh toán trên điện thoại di động với vị thế Việt Nam là một trong những nước tăng trưởng tốt nhất... Tất cả những yếu tố đó sẽ góp phần tăng trưởng dịch vụ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế".

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, chúng ta đã làm được nhiều việc nhưng tất cả mới chỉ là bước đầu. Trong đó, thanh toán không dùng tiền mặt cũng có những vấn đề bất tiện cần khắc phục. Đối với thanh toán không dùng tiền mặt, cần tăng trưởng nhanh để bắt kịp các nước. Ngoài ra, cần có chiến lược phổ cập tài chính toàn diện để toàn dân được sử dụng dịch vụ với thanh toán không dùng tiền mặt để không một ai bị bỏ lại phía sau. "Chúng ta đến nay mới đạt 14% thanh toán không dùng tiền mặt/ tổng phương tiện thanh toán. Trong khi Hàn Quốc đạt trên 80% thanh toán, trên 3,5 triệu điểm giao dịch POS với 64,5 triệu giao dịch trên 52 triệu dân/ ngày. Trong 3 năm tới chúng ta phải đạt gấp đôi tỷ lệ hiện tại (trên 30%) và tiến tới đạt trên 50% thanh toán không tiền mặt/ tổng phương tiện thanh toán", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, muốn được như mục tiêu đề ra, một số nhiệm vụ trước mắt phải làm là cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho các phương tiện thanh toán và mô hình thanh toán mới. Cái gì chưa có hành lang pháp lý thì có thể triển khai thí điểm. Qua xem xét các nền kinh tế chia sẻ, sẽ không có khung khổ pháp lý chung cho mọi mô hình. Do đó, thí điểm, điều chỉnh trên từng mô hình và hoàn thiện dần là cần thiết.

Ngoài ra, cần thực hiện chuẩn hóa quốc gia mã QRCode, chuẩn hóa công nghệ thông tin để phục vụ hệ thống công, các chính sách liên quan đến phí phải hài hòa giữa ngân hàng, trung gian thanh toán, công ty công nghệ, người sử dụng dịch vụ... 

"Tiếp tục phát triển Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020, Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch công. Hoàn thiện hạ tầng cơ sở đáp ứng tính liên thông, kết nối, chia sẻ..., tránh trường hợp "mỗi anh làm một kiểu". Riêng về đầu tư hạ tầng, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét ngoài ngành ngân hàng có thể kêu gọi các nhà đầu tư khác; phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông trình đề án thí điểm Mobile Money... Theo đó, các cơ quan Bộ ngành cũng như Phó Thủ tướng sẽ tham mưu cho Thủ tướng để phát triển và hoàn thiện hệ sinh thái thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Thanh toán không dùng tiền mặt sẽ bùng nổ ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO