Phòng vệ cho nhôm Việt

Diendandoanhnghiep.vn Việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm nhôm thanh đùn ép có xuất xứ từ Trung Quốc sẽ giúp bảo vệ sản xuất nhôm trong nước.

Đó là khẳng định của Luật sư Lương Văn Chương - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.

Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2942/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm nhôm thanh đùn ép có xuất xứ từ Trung Quốc. Theo đó, mức thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhôm thanh đùn ép của Trung Quốc là từ 2,49% đến 35,58%.

- Đây được xem như là biện pháp bảo vệ doanh nghiệp trong bối cảnh ngành nhôm đang đứng trước khó khăn. Ông đánh giá như thế nào về việc này?

Từ tháng 3/2018, Mỹ bắt đầu áp dụng thuế bổ sung đối với một số sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu ở mức 10-25% tùy loại, với lý do “an ninh quốc phòng” dẫn tới những biến động, chuyển hướng của dòng lưu chuyển của các sản phẩm nhôm, thép sang các thị trường khác.

Và để bảo vệ mình, các thị trường, trong đó có Việt Nam cũng đã và đang tăng cường các biện pháp phòng vệ đối với nhôm nhập khẩu.

Về câu chuyện cụ thể của ngành nhôm, các doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước đang gặp rất nhiều những khó khăn sau chỉ mới hơn 1 năm nhôm giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập vào thị trường. Theo Hiệp hội Nhôm Việt Nam, thị phần nhôm Trung Quốc đang tăng đột biến. Nếu năm 2017, nhôm Trung Quốc chiếm 30% thị phần tại Việt Nam, nhôm trong nước giữ 70% thì nay, vị trí đảo ngược hoàn toàn với 70% thị phần thuộc về Trung Quốc, nhôm trong nước vỏn vẹn còn 30%.

Do đó, việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm nhôm thanh đùn ép có xuất xứ từ Trung Quốc sẽ giúp bảo vệ các sản phẩm có xuất xứ từ trong nước bởi với sự tràn ngập của hàng giá rẻ Trung Quốc vào Việt Nam.

- Nhưng nhiều quan điểm tỏ ra lo ngại rằng khi Việt Nam áp dụng biện pháp tự vệ, liệu có gây ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư và các đối tác FTA, hay dẫn đến hành động trả đũa, thưa ông?

Việc áp dụng biện pháp tự vệ hay các biện pháp phòng vệ thương mại khác là một thực tiễn phổ biến trên thế giới. Vì vậy, tôi nghĩ rằng điều này sẽ không tác động nhiều đến tâm lý của các nhà đầu tư hay các đối tác trong các FTA vì họ đã rất quen với các biện pháp này. Hơn nữa, khi các nhà đầu tư thực hiện các hoạt động đầu tư tại Việt Nam, Việt Nam sử dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại để tái thiết lập các điều kiện cạnh tranh công bằng trên thị trường lại có thể được coi là cách thức cần thiết để bảo vệ cho lợi ích của chính các nhà đầu tư đó.

Sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại là công cụ chính sách nhằm điều chỉnh luồng thương mại chứ không phải là công cụ bảo hộ sản xuất trong nước.

Còn vấn đề áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại có dẫn đến hành động trả đũa không? Điều này còn tùy thuộc vào bối cảnh của việc sử dụng biện pháp đó. Tuy nhiên, ở đây, tôi cũng cần nhấn mạnh đến nguy cơ Việt Nam có thể bị khởi kiện ra WTO do các biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng không tương thích với các quy định của WTO. Việt Nam đã từng thắng kiện Hoa Kỳ hay Indonesia tại WTO vì các thành viên này đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá hoặc tự vệ lên tôm hay tôn lạnh nhập khẩu từ Việt Nam.

Do đó, để đảm bảo không bị khởi kiện ra WTO, tôi cho rằng Việt Nam cần phải đảm bảo việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đó tuân thủ đầy đủ các quy định của WTO.

- Nhưng, cũng có một số luồng quan điểm cho rằng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ khiến các doanh nghiệp Việt không chịu đổi mới, không chịu phát triển, thưa ông?

Để các công cụ này thực sự phát huy tác dụng, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của doanh nghiệp chứ không phải là một công cụ để các doanh nghiệp lạm dụng, ỷ lại thì cơ quan chức năng phải có trách nhiệm phối hợp với cơ quan truyền thông, hiệp hội ngành hàng tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về các công cụ chính sách này.

Qua đó, sẽ giúp các doanh nghiệp hiểu rằng đây là các công cụ chính sách nhằm điều chỉnh luồng thương mại chứ không phải là các công cụ bảo hộ sản xuất trong nước, nắm rõ nguyên tắc áp dụng. Cụ thể, sử dụng công cụ nào, trong trường hợp nào, thời gian bao lâu, thủ tục đề nghị điều tra áp dụng ra sao…

Nhưng để tận dụng các công cụ phòng vệ thương mại ở trong nước, các doanh nghiệp cũng như các hiệp hội cần thể hiện sự chủ động, không chỉ ở việc yêu cầu cơ quan nhà nước tiến hành điều tra mà còn ở việc tích cực cung cấp thông tin, bằng chứng… để cơ quan điều tra có thể hoàn thành tốt các cuộc điều tra về phòng vệ thương mại.

- Hiện tại, chúng ta mới tiến hành phòng vệ thương mại với hàng hóa, vậy với dịch vụ thì sao, thưa ông?

Đây là một câu hỏi rất thú vị. Các quy định hiện hành của WTO hay của Việt Nam về phòng vệ thương mại đều chỉ giới hạn phạm vi áp dụng cho thương mại hàng hóa.

Về cơ bản, thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ có nhiều điểm khác biệt, chủ yếu từ tính chất của hàng hóa và dịch vụ là khác nhau. Không giống với hàng hóa, dịch vụ được cung ứng trên cơ sở bốn phương thức chính, bao gồm cung cấp qua biên giới, tiêu dùng ở nước ngoài, hiện diện thương mại và hiện diện thể nhân, trong đó hiện diện thương mại được coi là phương thức cung cấp dịch vụ quan trọng và chủ yếu nhất.

Các biện pháp phòng vệ áp dụng cho hàng hóa, như thuế chống bán phá giá, thuế đối kháng hay thuế tự vệ - những biện pháp được áp dụng ở biên giới - đều không thể áp dụng được cho thương mại dịch vụ. Các biện pháp đó lại càng không thể áp dụng cho các hiện diện thương mại của nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài trên lãnh thổ của nước sở tại. Ở Việt Nam, các doanh nghiệp FDI cung cấp dịch vụ được coi là pháp nhân Việt Nam, việc áp dụng một biện pháp phòng vệ thương mại nào đó lên doanh nghiệp này mà không áp dụng lên doanh nghiệp trong nước lại có nguy cơ bị khiếu kiện vì vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia, theo điều XVI của Hiệp định GATS.

Cũng cần lưu ý là Hiệp định GATS hàm chứa một số quy định về phòng vệ thương mại như điều X về các biện pháp tự vệ khẩn cấp và Điều XV về trợ cấp. Tuy nhiên các quy định này chủ yếu dừng lại ở việc đưa ra yêu cầu các Thành viên WTO phải đàm phán về một khuôn khổ đa phương mới để điều chỉnh về biện pháp tự vệ khẩn cấp và về trợ cấp đối với dịch vụ. Và đến nay các cuộc đàm phán vẫn chưa đạt được kết quả cuối cùng. Do đó, việc xác định các loại biện pháp tự vệ khẩn cấp cũng như biện pháp đối kháng trong trường hợp có trợ cấp đối với dịch vụ vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

- Xin cảm ơn luật sư!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Phòng vệ cho nhôm Việt tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711709194 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711709194 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10